Về Vàm Nao mùa nước nổi làm ngư dân,nghe chuyện cá khổng lồ,sấu 5 chân

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Những mùa nước nổi gần đây dân thành thị hay du ngoạn về con sông dữ Vàm Nao (An Giang) trải nghiệm làm ngư dân, thưởng thức gió đồng nội, ăn đặc sản mùa lũ, nghe chuyện xưa về cá sấu khổng lồ 5 chân.

 Lướt trên sóng nước Vàm Nao thưởng thức gió đồng
Lướt trên sóng nước Vàm Nao thưởng thức gió đồng


Nghe tích cá sấu khổng lồ 5 chân

Tháng 4.2017, sông Vàm Nao gây sợ hãi sau khi đoạn clip ghi lại cảnh sạt lở kinh hoàng lan truyền trên mạng xã hội. Trong tích tắc, 14 ngôi nhà đúc như bị bứng lên rồi ném chìm mất dạng vào con nước. Vàm Nao khi đó được cả nước biết đến là con sông dữ.  

Nhắc đến Vàm Nao các thương hồ vẫn còn khiếp đảm dù  so với sông Tiền và sông Hậu, sông Vàm Nao chỉ là “em út” khi chỉ dài 7 km, chảy qua các xã Kiến An, Mỹ Hội Đông ( H.Chợ Mới); xã Tân Trung (H. Phú Tân); xã Bình Thủy( H.Châu Phú, An Giang).


 

Mấy ngày nghỉ, khách đô thị về Vàm Nao trải nghiệm sông nước
Mấy ngày nghỉ, khách đô thị về Vàm Nao trải nghiệm sông nước



Là em út nhưng Vàm Nao “quậy nhất”, ngày xưa vào mùa lũ, thương hồ ngang qua giáp sông này rất sợ vì sóng vỗ lưỡi búa làm lật tàu, ghe như chơi. Các thợ lặn kỳ cựu nghe thuê lặn mò tìm tài sản bị chìm ở sông Vàm Nao đều chối từ. Họ nói, sông Vàm Nao có nhiều hố sâu lắm, nước cháy dữ tợn nên lặn xuống đó lớ quớ mất mạng.

Các lão ngư dân nói nói rằng mùa lũ, nước chảy xoáy quặn làm ghe tàu qua lại sông này chùn chân, thối chí, buồn nao lòng nên con sông mới có tên gọi Vàm Nao. Cũng có không ít những câu hò, vè về Vàm Nao như :“Sông sau, sông trước hai dòng/Phân ra hai ngã ngoài trong vận đào/Các ngã gần chảy nhập vào/Tục kêu là xứ Vàm Nao rõ ràng…”.


 

 Một du khách cười khoái chí khi lặn mò bắt được vài con vẹm sông
Một du khách cười khoái chí khi lặn mò bắt được vài con vẹm sông


Vàm Nao còn bí hiểm bởi câu chuyện được truyền tai trong dân gian, dưới đáy sông Vàm Nao có cá sấu khổng lồ 5 chân nằm ẩn mình mà tục gọi là “ông Năm Chèo”…

Với cư dân miệt sông này, sông Vàm Nao lại là “ổ cá” trong đó các loài cá khổng lồ nặng hàng trăm ký thường xuất hiện như cá hô, cá vồ cờ, cá đuối nước ngọt, ông nược, cá tra dầu. Trong đó, nhiều nhất là cá hô. Ngư dân lý giải có thể nơi đáy sông nhiều hang hốc nên chúng làm hang ổ trú ẩn chăng?

Thậm chí, các loài cá như cá đao, cá kiếm, cá mập cũng xuất hiện nơi này mà đến nay ngư dân không rõ chúng là cá sông hay cá biển dù nhiều lần thả câu, kéo lưới dính chúng. Cùng với cá hô, vô số loài cá khác như cá bông lau, cá ngựa, cá hú, cá lăng… giúp ngư dân Vàm Nao có cái ăn, cái mặc.


 

Một góc Vàm Nao khi chiều buông
Một góc Vàm Nao khi chiều buông



Trải nghiệm Vàm Nao

Đó đã là chuyện xưa, theo dòng chảy thời gian, nước sông Vàm Nao đã hiền hòa hơn nên mùa lũ thương hồ qua lại không còn ngán ngại. Ổ cá Vàm Nao theo từng con nước tôm cá cũng vơi dần…Trút bỏ bộ mặt hung tợn, Vàm Nao mấy mùa nước nổi qua đã trở thành điểm du ngoạn của dân thị thành.

An Giang là vùng sông nước bao la sao nhiều du khách lại chọn sông dữ Vàm Nao? Lý do là đây, lòng hồ ấp Vàm Nao, xã Tân Trung (H.Phú Tân) như lòng chảo nên mùa nước nổi nước từ sông Vàm Nao tràn vào tạo nên cảnh vật hữu tình. Lúc đó các loài cá tôm tới trốn sóng gió trong các rặng cây nên thích hợp cho khách du lịch trải nghiệm câu cá, kéo dớn bắt cá như ngư dân. Để có cảm giác mạnh hơn thì lặn hụp theo con nước đục, mò ốc bươu, mò vẹm…


 

 
 Hái bông điên điển, đặc sản trong mùa nước nổi
Hái bông điên điển, đặc sản trong mùa nước nổi



Một nhóm bạn trẻ ở Sài Gòn khi nhìn thấy những cây điên điển trổ bông vàng trên sông đã ồ lên thích thú rồi tấp vào hái ngay. Mấy bạn trẻ nói, đó giờ nghe trong bài hát, xem trên tivi về bông điên điển mà nay mới có dịp làm “thôn nữ” chạm tay khe khẽ hái từng bông ràng rụm, cảm xúc "đã" hơn xem qua màn ảnh.

Trên bãi trồng ấu, khách du lịch mải mê dầm mình trong nước tìm lặt từng trái ấu. Nhóm khác theo ngư dân kéo dớn và thích thú khi thấy tôm càng xanh, cua ốc, cá nằm trong dớn đang nhảy tanh tách…Ai cũng thắc mắc hỏi anh ngư dân làm cách nào mà cá tôm chui vào đó, nó vào rồi có bơi ra được không, có bỏ mồi gì vào dớn dụ cá hay không. Khi ngư dân chỉ cặn kẽ các bạn ồ lên, giờ mới biết thế nào là đặt dớn bắt cá.


 

Món cá linh chiên điên điển - món ăn mới có ở Vàm Nao
Món cá linh chiên điên điển - món ăn mới có ở Vàm Nao
 Về Sài Gòn không dễ kiếm cá linh
Về Sài Gòn không dễ kiếm cá linh
Nồi canh chua với những đặc sản mùa nước nổi ở miền Tây gồm cá linh, bông súng, bông điên điển...
Nồi canh chua với những đặc sản mùa nước nổi ở miền Tây gồm cá linh, bông súng, bông điên điển...

Rong chơi trên con nước đã mệt, ai nấy cũng xuýt xoa trước bàn ăn dọn lên theo đúng cách vùng sông nước. Kia là ốc hấp, cá lóc và cá trê nướng trui, cá linh kho lạt với bông điên điển, canh cua…

Một bạn gái húp thử canh cua xong nói liền: “Ngon và ngọt quá, mấy tô canh cua ở TP.HCM với TP.Cần Thơ làm từ cua nuôi hay sao nên không ngon ngọt như ở đây”.

Một bạn trẻ thấy trong thùng cá có con cá màu sắc khá ngộ, tròn như hột mít nên bắt lên xem. Khi nghe nói nó là cá nóc anh bạn này tò mò làm theo lời chỉ dẫn của ngư dân, lấy tay xoa xoa bụng trong phút chốc chú cá phềnh bụng to lên nên anh thích thú rồi cười vang.

Năm nay Vàm Nao lại có món mới từ bà Lê Thị Màu, đó là món cá linh chiên với bông điên điển, là món ăn mới xuất hiện vùng này. Bà Màu nói, lúc trước đoàn du lịch đến đây ăn cá linh kho lạt, cá linh nấu canh chua, cá linh chiên bột…ai cũng khen ngon và hỏi bà còn món cá linh nào mới nữa không, năm sau họ về ăn. Bà Màu thấy bông bí chiên với tôm ăn khá ngon, trong khi vùng này điên điển có đầy nên tận dụng chiên nó với cá linh cho ra món mới.

Món ăn mới này mang dư vị bất ngờ cho khách nên ai cũng thích, cá linh ngon sẵn nay quyện thêm vị ngọt tự nhiên từ bông điên điển nên hương vị món ăn đồng quê càng tăng…

Anh Nguyễn Văn Dự, 39 tuổi, ngụ TP.HCM nói khi về đây chỉ kiếm món ăn như cá linh, cá lóc, ốc bươu… ăn để thưởng thức hương vị tự nhiên theo cách nấu đơn giản của người dân quê nhưng ăn ngon lạ. Còn ở mấy nhà hàng, ăn mấy món thịt thà, gà nuôi công nghiệp hoài cũng ngán…Cá linh muốn ăn cũng khó, về Sài Gòn cá không còn ngon.

Tạm biệt Vàm Nao khi nước lũ đang rút dần, không cần hẹn năm sau vì đôi ba tháng nữa Vàm Nao lại tiếp tục đón khách thị thành trải nghiệm mưu sinh về đêm trên con sông dữ đã hóa hiền. Đó là mùa ngư dân miệt này đánh bắt cá bông lau về đêm, một loài cá da trơn “siêu giá” mấy trăm ngàn đồng 1 kg vì thịt thơm ngon chế biển đủ món ăn.

Khi ấy du khách lại có thêm cảm giác nôn nao khi chứng kiến ngư dân kéo lưới dính cá như thế nào. Rồi được thưởng thức cá bông lau “chính hãng” sông nước không lo bị lừa khi vào một số quán ăn gọi cá bông lau để rồi ăn xong mới biết đó là... cá tra.

Thanh Dũng (thanhnien)

Có thể bạn quan tâm

Đi du lịch trước Tết, cảm nhận sắc Xuân sớm

Đi du lịch trước Tết, cảm nhận sắc Xuân sớm

Với mong muốn mang đến cho du khách trải nghiệm đặc biệt, chứng kiến không khí chuẩn bị đón Tết Nguyên đán Quý Mão ở các đô thị hay vùng quê, nhiều doanh nghiệp dịch vụ lữ hành, điểm đến ở Nam Bộ đã sớm hoàn thiện sản phẩm, khai thác chùm tour, tuyến du lịch đón Xuân sớm.