Bâng khuâng Thành nhà Hồ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Quê ngoại tôi ở thôn Bèo (xã Vĩnh Long, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa), chỉ cách Thành nhà Hồ chừng 2 cây số. Do đó, mỗi lần về quê, tôi lại ghé thăm nơi này. Lần nào cũng vậy, không khí miền quê đầm ấm và sự kỳ vĩ của Thành nhà Hồ luôn đem đến cho tôi niềm luyến nhớ đậm sâu.

Thành nhà Hồ được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới vào năm 2011, nhưng trước đó từ rất lâu đã là điểm tham quan không thể thiếu của du khách mỗi lần đến xứ Thanh. Thành là một tổng thể kiến trúc đá đồ sộ tọa lạc giữa 2 con sông: sông Mã và sông Bưởi, vẫn được người dân nơi đây ví như 1 con rồng quấn quanh vùng đất rộng gần 10 ngàn ha, tạo nên sự biệt lập với các vùng đất xung quanh. Có lẽ, chính vì điều đó mà Hồ Quý Ly đã chọn vùng đất này để xây thành. Theo nhiều tư liệu, thành có các tên gọi khác nhau như: Thành nhà Hồ, Thành Tây Giai, Thành An Tôn hay Thành Tây Đô.

 

Thành nhà Hồ. Ảnh: internet
Thành nhà Hồ. Ảnh: internet

Thành nhà Hồ nằm trên địa giới hành chính 2 xã Vĩnh Long và Vĩnh Tiến (huyện Vĩnh Lộc). Men theo con đường liên xã, chúng tôi đến với Cửa Tiền. Đây là cửa đẹp nhất, hoàn chỉnh nhất trong 4 cửa thành thường được khách thập phương chọn là điểm đến đầu tiên. Cửa này có 3 vòm cuốn. Theo số liệu đo đạc của đoàn chuyên gia Nhật Bản, chiều cao từ chân đến nóc cửa này là 7,89 m. Vòm cuốn chính giữa cao 5,75 m, rộng 5,82 m, dài 15,04 m. Hai vòm cuốn hai bên đều cao 5,35 m, rộng 5,45 m. Đứng dưới Cửa Tiền, ta cảm nhận được sự mát mẻ, dễ chịu bởi sự che chắn của vòm cuốn bằng đá. Nhìn những phiến đá xanh nhẵn thín, mát rượi, trong lòng tôi lại trào dâng niềm cảm phục sự tài hoa của những người thợ năm xưa.

Theo lời của hướng dẫn viên du lịch, cách đây hơn 6 thế kỷ, để lắp ghép được các vòm cuốn, các nghệ nhân phải thiết kế và chế tác các phiến đá hình múi cam, hình thang cân, hình thang vuông, hình tứ giác. Trước đó, họ dùng giấy cắt thành mẫu lắp ghép với nhau cho khớp thành các vòm cuốn rồi mới chế tác các phiến đá theo nguyên mẫu giấy.

Đến với Thành nhà Hồ, câu hỏi của khách tham quan thường là: Những phiến đá xây thành lấy từ đâu? Vận chuyển như thế nào? Hướng dẫn viên du lịch cho hay: Tại vùng đất Tây Đô-Vĩnh Lộc, hầu hết các núi đá vôi là núi đoạn tầng, xếp chồng lên nhau như những chiếc bánh bích quy, rất dễ khai thác các lớp bên ngoài. Theo truyền thuyết kể lại, người chỉ huy đã cho xây dựng một con đường thi công từ nơi lấy đá về đến tường thành. Hiện nay vẫn còn di tích con đường chuyển đá ở thôn Tây Giai, xã Vĩnh Tiến.

Chúng tôi dạo bước dọc các bờ thành, nơi được đắp đất thoai thoải từ chân thành lên ngang bờ thành, thi thoảng lại thấy những vạt cỏ lau trắng muốt phất phơ trong nắng vàng tươi. Ở 4 góc thành hiện nay vẫn còn một số hồ lớn mà người xưa đã đào để dùng trong sinh hoạt. Người dân Vĩnh Tiến thả sen, súng tạo nên cảnh quan đẹp mắt làm say lòng du khách. Vào mùa này, trong thành nội, người dân đang thu hoạch vụ lúa chiêm. Đắm mình trong không khí rộn ràng ấy, tôi nhủ lòng rằng sẽ tiếp tục về thăm lại nơi này, trong một ngày không xa…

Mai Hương

Có thể bạn quan tâm

Đi du lịch trước Tết, cảm nhận sắc Xuân sớm

Đi du lịch trước Tết, cảm nhận sắc Xuân sớm

Với mong muốn mang đến cho du khách trải nghiệm đặc biệt, chứng kiến không khí chuẩn bị đón Tết Nguyên đán Quý Mão ở các đô thị hay vùng quê, nhiều doanh nghiệp dịch vụ lữ hành, điểm đến ở Nam Bộ đã sớm hoàn thiện sản phẩm, khai thác chùm tour, tuyến du lịch đón Xuân sớm.