Từ thác trắng đến bãi biển đen

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Quảng Ngãi là một trong vài vùng có địa tầng cấu thành trực tiếp từ những đợt phun trào núi lửa ở Việt Nam. Ngoài địa danh nức tiếng Lý Sơn-một đảo với 2 ngọn núi lửa, còn có mũi Ba Làng An cũng được tạo nên bởi nham thạch nguyên chất. Đây cũng là địa phận đất liền gần với quần đảo Hoàng Sa nhất so với các nước trong khu vực.

Thành phố Quảng Ngãi cách sân bay Chu Lai hơn 40 km nhưng việc di chuyển hết sức thuận tiện. Cứ xuống máy bay, xe buýt đã chờ sẵn với các nữ phụ xe tươi tắn. Nếu trời mưa họ sẵn sàng mang ô ra rước khách.

Thành phố Quảng Ngãi chưa hẳn to đẹp nhưng khá sôi động, người người đi lại trên đường như mắc cửi. Chợ Quảng Ngãi bán nhiều thức quà như bò khô và các loại khô cá- mực- rạm ăn liền cùng các kiểu bánh kẹo riêng nơi đây mới có. Vì Quảng Ngãi là xứ đường. Ẩm thực Quảng Ngãi phong phú và đặc sắc với các món don (bánh đa hến), ram bắp, ram chả cá, bún cá ngừ um, mắm nhum… Tôi lại kiếm được một hàng massage đá nóng cực khéo do người mù làm ở đường Trần Hưng Đạo. Vậy là yên tâm đóng đô tại thành phố, rồi từ đó tỏa đi thăm các thắng cảnh.

 

Dưới chân thác Trắng Minh Long.
Dưới chân thác Trắng Minh Long.

Gần lắm Hoàng Sa…

Bãi biển trầm tích Ba Làng An cách thành phố tầm 35km là điểm cuối của một hành trình không nên bỏ qua. Dọc đường, bạn có thể ghé qua bãi tắm Mỹ Khê và thôn Cổ Lũy- làng chài nằm ở địa thế sơn thủy hữu tình càng đẹp hơn vào lúc chiều tà. Vì thế mà nó còn có tên chữ là Cổ Lũy Cô Thôn.

Tuyến đường này theo tôi nên đi xe máy. Vì bạn sẽ lướt qua những phong cảnh nên thơ nhất của xứ Nẫu. Từ đại lộ ven đầm phá cho tới làng thôn bên sông rồi làng hoa, làng làm gạch. Đến một cánh đồng xanh rì gối vào quả đồi nằm thoai thoải, chân đồi thấp thoáng mái chùa mới xây - không đừng được nữa, tôi phải dừng lại chụp ảnh. Khung cảnh cực kỳ Việt Nam với một bóng nón mẹ già lúi húi nhặt cỏ lúa, xa xa từng đàn cò trắng đỗ xuống rồi lại bay lên… Riêng khu nhà vườn nhìn ra sông, hoàn toàn có thể biến thành homestay cho du khách vui thú điền viên,
sông nước.

Đúng là có 3 mũi đá làm nên địa danh Ba Làng An hướng ra biển, về phía Lý Sơn. Nhưng cái tên này thường được cắt nghĩa do gần đó có 3 ngôi làng  trong tên đều có chữ An. Khi người Pháp mới đến đây, họ đọc thành Batangan. Hẳn do đó mà có thêm cái tên phiên âm Ba Tân Gân. Được biết nơi này cách quần đảo Hoàng Sa 135 hải lý, trong khi khoảng cách từ Hoàng Sa tới Trung Quốc vào khoảng 230 hải lý.

Trên điểm cao nhất của Ba Làng An có ngọn hải đăng và cây bàng già. Ngồi đưa võng dưới những cành bàng oằn oại cổ quái vì gió táp, ta có thể ngắm nhìn toàn cảnh hai mũi đá còn lại, như những khối sắt lao ra biển. Cùng lúc đó ngàn con sóng không ngừng xô bờ. Gió rất mạnh khiến một phần sóng bạc đầu bốc lên như khói. Mà hầu như đá ở đây đen tuyền, cùng màu than tổ ong.

 

Chất đá núi lửa tạo nên vẻ đẹp độc đáo cho bờ biển Ba Làng An.
Chất đá núi lửa tạo nên vẻ đẹp độc đáo cho bờ biển Ba Làng An.

Sau khi được núi lửa phun lên từ lòng biển, đá hẳn là nguội nhanh chóng tạo thành những vết nứt đều đặn. Trong khi cũng là đá đen nhưng ở đảo bé Lý Sơn lại có dạng sủi bọt. Trên bãi biển nhỏ lọt thỏm giữa hai mỏm đá có mấy gia đình làm nghề chài lưới và cung cấp dịch vụ lưu trú. Đó hẳn là kỳ nghỉ đáng mong ước cho những du khách ưa thích thiên nhiên hùng vĩ và nguyên sơ.

Điều lạ lùng là ở đây người ta dùng buộc những sợi ni-lông nhiều màu óng ánh như kim tuyến vào đầu lưỡi câu để dụ cá. Thật rẻ tiền và tiện lợi, nhưng chắc những người bảo vệ môi trường không tán thành điều này.

Thác và bê-tông

Trong số những thác lớn và đẹp nhất Việt Nam hẳn có tên thác Trắng ở huyện Minh Long. Thắng cảnh này cách thành phố Quảng Ngãi chừng 45km. Tất nhiên nếu đủ sức khỏe, bạn có thể đi xe máy. Quang cảnh dọc đường nhiều chỗ khá giống núi rừng Tây Bắc, cũng nhà sàn, thi thoảng ruộng bậc thang. Bạn cũng có thể bắt buýt từ thành phố lên Minh Long, rồi đi xe ôm vào thác.

 

Cánh đồng dọc đường từ thành phố Quảng Ngãi đến Ba Làng An.
Cánh đồng dọc đường từ thành phố Quảng Ngãi đến Ba Làng An.

Từ 2015, một khu dịch vụ gồm nhà hàng và vài phòng nghỉ đã mọc lên ở đây. Đường cũng được mở để ô tô đưa du khách đến tận cổng khu du lịch. Chúng tôi đến vào dịp trước Tết, khu du lịch đang sửa sang và hầu như không có khách. Sau khi trả phí vào cửa, khách tha hồ tung tăng muốn làm gì thì làm, không ai hỏi han hướng dẫn.

Phải nói là thác rất ấn tượng với ba dòng nước đổ thẳng xuống từ độ cao 50m. Nước trắng xóa nổi bật trên nền đá ánh kim. Dưới chân thác là hồ nước rộng cho hàng trăm khách có thể bơi lội thoải mái. Những vực nước dưới chân thác kiểu này chính là nơi cư ngụ ưa thích của cá niên. Loài cá nhỏ chỉ nhỉnh hơn ngón tay cái người lớn này thơm ngon đến nỗi người ta thường để nguyên con không mổ đem nướng muối ớt. Tuy nhiên sự khai thác ồ ạt khiến cá niên ngày càng vắng bóng, giá bán cũng ngày càng càng tăng.

Tôi không có may mắn được đi thác trước thời điểm bê-tông hóa. Một con đập ngang phè được dựng lên để ngăn dòng chảy. Trên đó du khách có thể lội để băng qua bờ bên kia. Đứng từ đây cũng khó mà quan sát được hết thác vì khu nhà nghỉ cùng đường bê-tông đã chắn non nửa tầm nhìn.

Giá như dải đất vàng đó vẫn giữ nguyên cây cối, chỉ cắt tỉa gọn ghẽ thành lối đi, chỗ ngồi cho du khách có phải đẹp bao nhiêu. Bê-tông hóa kiểu đó đồ rằng đã ăn lạm vào món quà của thiên nhiên, làm nó bớt đẹp, bớt hoành tráng đi. Xem ra thiệt cho du khách và cho cả người cung cấp dịch vụ. Khu lưu trú tốt hơn nên rời ra mé đồi phía ngoài. Vì chỉ có một ngày, nên tôi không kịp thử một tuyến du lịch nữa đang “hot” của Quảng Ngãi là gành Yến (với địa mạo tương tự gành Đá Đĩa- Phú Yên) và làng bích họa 3D Thanh Thủy gần đó.

Thăm Quảng Ngãi thích ở điểm người dân cực thuần hậu, hiếu khách. Ví dụ một chuyện nhỏ, do bị hụt chuyến buýt sớm từ trung tâm thành phố ra sân bay nên tôi phải đứng chờ ở trạm. Chị bán cà phê gần đó ra hỏi han, cung cấp thông tin rồi mời ngồi. Tôi gọi ấm trà ngồi cả tiếng nghe chim yến hót (khu phố có mấy nhà nuôi yến lấy tổ), chứng kiến quán cà phê vỉa hè của chị khá đông khách. Rồi đến khi đứng lên, chị xua tay không lấy tiền. Vội lên xe nên tôi chưa kịp hỏi chị vì sao… lại dễ thương như thế.

Nguyễn Mạnh Hà/tienphong

Có thể bạn quan tâm

Đi du lịch trước Tết, cảm nhận sắc Xuân sớm

Đi du lịch trước Tết, cảm nhận sắc Xuân sớm

Với mong muốn mang đến cho du khách trải nghiệm đặc biệt, chứng kiến không khí chuẩn bị đón Tết Nguyên đán Quý Mão ở các đô thị hay vùng quê, nhiều doanh nghiệp dịch vụ lữ hành, điểm đến ở Nam Bộ đã sớm hoàn thiện sản phẩm, khai thác chùm tour, tuyến du lịch đón Xuân sớm.