Kỳ bí Hòn Khô

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Người ta gọi là Hòn Khô có lẽ vì nơi đây có một hòn núi cô độc mọc lên giữa biển, trên núi chỉ toàn đá và đất sỏi khô cằn. Tuy nhiên, cái cách nó nằm lọt thỏm vào vòng cung của dãy núi đã tạo một điểm nhấn trong bức tranh tuyệt diệu. Và những câu chuyện kể về nó đã làm say lòng người.

Hòn Khô là một hòn đảo nhỏ nằm trên bán đảo Phương Mai (thuộc xã Nhơn Hải, TP. Quy Nhơn, tỉnh Bình Định), cách trung tâm thành phố khoảng hơn 15 km. Sau khi vượt qua cầu Thị Nại và một con đèo nhỏ, toàn bộ xã Nhơn Hải hiện ra bao một nửa vòng cung quanh đảo Hòn Khô. Chủ yếu sống bằng nghề biển, ngư dân trên bán đảo này cư trú tập trung dọc một bãi cát ôm lấy đảo, làng tựa vào núi, phía trước mặt là Hòn Khô. Từ bờ ra chỉ độ 500 m, chỉ chèo một con thuyền nhỏ là có thể dễ dàng ra đảo.

 

Làng chài Nhơn Hải nhìn ra đảo Hòn Khô. Ảnh: Trường Đăng
Làng chài Nhơn Hải nhìn ra đảo Hòn Khô. Ảnh: Trường Đăng

Xung quanh đảo là đá, chỉ có một bãi cát nhỏ hình trăng khuyết, cát có pha lẫn titan nên tạo màu óng ánh mỗi khi có ánh nắng soi vào. Nước ở quanh đảo trong xanh với nhiều rặng san hô, rong biển rất đẹp. Đảo không có người ở nên cũng có thể xem là hoang đảo. Nếu ai đó thích trải nghiệm với cuộc sống hoang dã thì đây là một thế giới rất riêng ngay cạnh bên thành phố khá sầm uất.

Bãi cát trên đảo là nơi lý tưởng cho rùa biển (vích) đẻ trứng. Hàng năm, tới mùa sinh sản, rùa thường lên đẻ trên bãi rồi lấp cát lại; khi trứng nở ra, những chú rùa con lại trở về với biển. Trên những bãi đá, nhiều hòn đá có hình thù giống những con rùa biển đến kỳ lạ. Một thời, người dân thường qua đây săn trứng bắt rùa, hái rong và bẻ san hô. Bỗng một ngày nọ có một người đàn bà cứ chiều tối lại chèo thuyền ra đảo ngủ một mình với hoang vu. Bà có thân hình phốp pháp, giọng nói ào ào như tiếng biển. Bà viết lên đảo những vần thơ kỳ lạ, đọc Truyện Kiều vanh vách, hát bội, bài chòi bằng giọng của sóng của biển, hay đến mê hoặc lòng người. Hơn 30 năm bà không ăn cơm, chỉ ăn bánh tráng, mì tôm với vài con ốc, con tôm biển…

Lúc còn sống bà kể, ban đầu ra đảo bà nằm ngủ trên bãi cát có vầng trăng khuyết này đến sáng thì về. Có đêm rùa bò lên bên cạnh bà moi hang đẻ trứng, nó coi bà như bà đỡ. Bà cũng thấy nó như bạn mình nên kiên quyết cấm cửa không cho ai lên đảo tìm trứng rùa. Một thời gian sau, bà tự xây một căn nhà nhỏ kiểu miếu thờ để thờ… chính bà, còn bà thường ngồi trước bàn thờ nhắm mắt lâm râm một mình. Người dân thấy bà như hiện thân của một bà thần giữ đảo nên rất sợ và dè dặt khi lấy đi bất cứ thứ gì trên hòn đảo. Cứ thế bà giữ hoang vu cho đảo. Người dân gọi bà là bà Rô (lấy âm đầu của Robinson-một nhân vật tiểu thuyết từng sống sót tài tình trên hoang đảo), hơn 30 năm như thế bà ngủ trên đảo. Đến một ngày nọ, lúc khoảng 82 tuổi, bà nói với con cháu là 3 tháng nữa bà mất để con cháu chuẩn bị hậu sự. Không đau yếu gì, đến ngày đã định thì bà đi.

Đảo bây giờ vẫn xanh, những rặng san hô và rong biển vẫn phô sắc, một số người đã dựng trại đón khách du lịch nhưng nhìn chung hòn đảo vẫn còn hoang sơ. Bên cạnh hòn đảo này có 2 ngôi chùa được cho là hộ mệnh cho làng biển là chùa Linh Sơn và chùa Hương Mai. Trong chùa có tượng tu sĩ thời Chămpa, có người bảo là tượng thần Shiva do người Chăm điêu khắc khá công phu. Dân chài coi những tượng này là Bồ Tát phù hộ làng biển sóng yên bể lặng. Người dân còn kể rằng, có nhiều kẻ trộm đến nhưng khi chạm vào tượng thì chân tay tê cứng như bị điểm huyệt, đồng bọn thấy thế quỳ lạy xin tha thì mới khỏi.

Xung quanh là làng chài nên đến đây du khách có thể thưởng thức tất cả các món hải sản ngon, tươi, bổ, rẻ. Các loại cá mú, cá kình, cá dìa, cá chình biển, mực, tôm, ốc… đều tươi roi rói. Nếu tự tay nướng một con cá kỳ hà bằng củi trên đảo thì không gì ngon bằng.

Trường Đăng

Có thể bạn quan tâm

Đi du lịch trước Tết, cảm nhận sắc Xuân sớm

Đi du lịch trước Tết, cảm nhận sắc Xuân sớm

Với mong muốn mang đến cho du khách trải nghiệm đặc biệt, chứng kiến không khí chuẩn bị đón Tết Nguyên đán Quý Mão ở các đô thị hay vùng quê, nhiều doanh nghiệp dịch vụ lữ hành, điểm đến ở Nam Bộ đã sớm hoàn thiện sản phẩm, khai thác chùm tour, tuyến du lịch đón Xuân sớm.