Một thoáng Bắc Lào

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Năm 2017 là năm kỷ niệm 55 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 40 năm ký kết Hiệp ước hữu nghị và hợp tác giữa Việt Nam và Lào. Nhân Ngày Quốc khánh Lào 2-12, chúng tôi xin ghi lại vài cảm nhận nhỏ trong chuyến thăm khu vực Bắc Lào nhiều ấn tượng.

Ở Gia Lai và Kon Tum muốn sang thăm chơi nước bạn Lào, chắc chắn nhiều người sẽ chọn đi theo đường qua Cửa khẩu Quốc tế Bờ Y-Phu Cưa. Thế nhưng chúng tôi lại làm một chuyến… ngược đời: Ra Hà Nội, lên Điện Biên, qua Cửa khẩu Quốc tế Tây Trang để sang Bắc Lào! Điểm đến cuối cùng là cố đô Luang Prabang! Vị chi đi-về đến gần 5.000 km!

 

Buổi sáng trước chùa Xiêng Thoong.                                                                                                                                 Ảnh: internet
Buổi sáng trước chùa Xiêng Thoong. Ảnh: internet

Khác với khu vực Nam Lào có cao nguyên Boloven tạo nên những bình nguyên trải rộng, khu vực Bắc Lào chỉ mênh mông núi rừng hiểm trở thâm u. Đây là vùng tiếp giáp với khu vực Tây Bắc nước ta, nhưng ở phía ta thì nhiều núi đá vôi tạo nên cảnh sắc cực kỳ biến ảo, đẹp như tranh thủy mặc, trong khi Bắc Lào lại hầu hết là núi đất rất giống cảnh sắc khu vực Tây Nguyên của chúng ta.

Đường U2E từ Cửa khẩu Quốc tế Tây Trang đưa chúng tôi trôi giữa đại ngàn thăm thẳm của địa phận tỉnh Phongsaly về dần phương Nam. Con đường men dọc theo sông Nậm Noy phía trái, còn phía kia là rừng núi chênh vênh. Xe lướt qua vài bản Lào nho nhỏ, đườngđkhông một bóng người, thi thoảng mới gặp một xe ngược chiều. Xe chúng tôi cứ thế trôi êm trong đại ngàn hoang thẳm và vẫn dọc theo ven đường một bên là những “nậm” (sông, suối), một bên là núi rừng thâm u trầm tịch; vẫn cứ chừng vài chục cây số mới gặp được một bản Lào. Bản nào cũng có biển đề tên gắn ở 2 đầu bản và chỉ rải theo một chiều dọc ven đường. Và cũng khác với các buôn, các làng Tây Nguyên đông đúc, mỗi bản Lào chỉ chừng trên dưới mươi nóc nhà tuềnh toàng, tạm bợ, vắng hu huơ. Bắc Lào quả là chốn đại ngàn khu biệt.

Đi trong cảnh sắc ấy, bất giác nhớ mấy câu thơ “Tây tiến”: “Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm/Heo hút cồn mây súng ngửi trời/Ngàn thước lên cao ngàn thước xuống/Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi”…

Qua chừng 300 km tính từ cửa khẩu, đến gần thị xã Oudomxay-thủ phủ tỉnh Oudomxay-cảnh quan mới bắt đầu mở ra nhiều trảng bằng hơn. Trái hẳn với vẻ hoang sơ, heo hút dọc đường, vừa bước vào thị xã đã bắt gặp ngay cảnh phồn hoa đô hội. Đường phố vừa được thảm nhựa phẳng phiu, thoáng rộng. Nhà cửa san sát, hàng hiệu ắp đầy, người xe tấp nập. Mặc dù trong lòng phố xá, nhưng nhà cửa đa số đều cất dựng theo kiểu “nhà vườn” mang sắc thái đặc trưng Lào, nghĩa là từng nhà sàn gỗ riêng biệt. Cũng có chỗ liên vách liên sân nhưng rất ít.

Vượt thêm 200 km nữa để đến cố đô Luang Prabang. Luang Prabang vào đêm, giăng giăng tứ bề nhấp nhánh ánh điện muôn màu giữa một không gian bao la thanh tịnh. Hỏi thăm đường, tìm nhà trọ. Rất may, chỗ dừng hỏi thăm lại là khu chợ đêm nổi tiếng của Luang Prabang, có nhiều người Việt bán buôn. Vì “đi bụi”, ít tiền, không dám mon men đến những khách sạn giá 400-500 kíp (1 kíp Lào đổi 2,7 đồng Việt) nên chúng tôi tìm chỗ ngủ “đom”: 50 kíp một ngày đêm, rẻ “hết chỗ nói”! Rẻ vì mọi người phải ngủ giường đôi chung một phòng như ở ký túc xá sinh viên. Chủ nhà nghỉ lại là người Việt nên việc giao lưu, hỏi han, “thâm nhập” của chúng tôi cũng thuận tiện đôi bề.

Nhà nghỉ tên Sisombath ở phố Manô, cạnh chùa Manô với kiến trúc kiểu Lào đẹp đẽ, uy nghi. Buổi sáng đầu tiên ở đây, vừa bước ra đường, ai cũng ngạc nhiên khi thấy vàng rực một góc phố-nơi con đường dẫn vào chùa-bóng áo cà sa các vị sư tăng hành khất. Dọc đường, các bà, các cô, các quý ông, ngồi-quỳ cung kính chờ bỏ vào bình bát nhà sư những thức ăn mang sẵn. Không chỉ ở chùa Manô, mà khắp các ngả đường có những chùa chiền khác cũng cùng cảnh tượng ấy.

Việc tìm chỗ ăn sáng của chúng tôi cũng không khó khăn lắm, vì quanh khu phố Manô này có nhiều người Việt sinh sống. Tuy nhiên, vì buôn bán với người Lào nên đa số hàng quán cũng bán các món ăn truyền thống của Lào, khiến cho một số anh chị em không quen phải tìm quán hợp khẩu vị, bởi ở đây nhiều nhất vẫn là món xôi cá nướng. Xôi thì không nói, nhưng cá khô nướng có mùi hun khói để lâu ngày, có người không chịu được. Sang ngày thứ 2 thì cả đoàn nhất trí đi tìm quán phở Việt, bởi đã… “ngán như cơm nếp” rồi! Phở bình dân 20 kíp một tô (trên 50.000 đồng). Ngày thứ ba thì nhất thiết phải tìm quán cơm! Đúng là “quốc hồn quốc túy” thì không nhịn được lâu!

Thăm Hoàng cung của các vua Lào ngày trước. Hoàng cung lộng lẫy dát vàng, đẹp mê hồn. Trong khuôn viên Hoàng cung có bảo tàng trưng bày bao nhiêu hiện vật lịch sử-văn hóa Lào vô giá. Trước mặt Hoàng cung là núi Pu Si. Leo 329 bậc đá lên đỉnh Pu Si phóng tầm mắt bao quát toàn cảnh Luang Prabang thanh bình và thơ mộng bên bờ Mekong lượn lờ phân ranh Lào với nước bạn Thái Lan.

Viếng chùa Xiêng Thoong. Ngôi chùa này nổi tiếng linh thiêng. Chuyện kể rằng vào thời trước, thực dân Pháp tịch thu hết tượng Phật đúc bằng vàng ròng ở cả mấy trăm chùa trên khắp Luang Prabang. Không hiểu sao chỉ duy nhất tượng Phật vàng của chùa Xiêng Thoong là Pháp không lấy được nên còn lại đến ngày nay. Đó là niềm tự hào của đạo hữu Luang Prabang. Ngoài rất nhiều ngôi chùa Lào, ở đây còn có chùa Phật Tích của người Việt ta nữa.

Thăm trụ sở Hội Người Việt Nam ở Luang Prabang. Không phải nói, ai cũng có thể hình dung được cảnh tượng ấm áp thân tình của những người đồng hương nơi đất khách. Rất tiếc không đến được ngôi trường của học sinh người Việt. Tranh thủ đến được Bưu điện Luang Prabang, thăm nơi chào đời của nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Đình Thi tài hoa của chúng ta khi mẹ ông theo chồng sang đây làm việc.

Ghé thăm cô gái tên Hồng đêm hôm trước đã vui vẻ phóng xe máy dẫn đường chúng tôi đến tận nhà nghỉ, để cảm ơn. Hồng quê ở huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An, cha mẹ mất cùng lúc, hai chị em gái 17 và 12 tuổi bơ vơ. Bà chị họ buôn bán ở chợ đêm Luang Prabang đưa các em sang đây. Hồng thuê một căn nhà mặt phố hành nghề làm đẹp cho các bà, các cô. Mới qua 2 năm mà Hồng đã mua đứt căn nhà thuê ấy. Qua chuyện của Hồng, chúng tôi liên hệ đến chuyện làm ăn của anh thanh niên 26 tuổi chủ nhà trọ Sisombath là Cà Văn Chung, dân tộc Thái ở Sơn La, nguyên là cảnh sát giao thông nhưng quyết định bỏ nghề dắt mẹ sang đây sinh sống. Cũng mới vừa 2 năm mà Chung đã làm chủ 4 nhà nghỉ và khách sạn. Một niềm vui len nhẹ vào lòng chúng tôi khi thấy người Việt ta chấp nhận xa xứ sang đây làm ăn và đa số đều khấm khá.

Phố xá Luang Prabang to rộng thế, đông đúc thế, nhưng nhịp sống ở đây rất thong thả, từ tốn, bình yên, dễ gây ấn tượng. Xe ô tô nhiều, nhưng tất cả đều lưu thông chậm rãi, đặc biệt rất ít nghe tiếng còi xe. Dường như ô tô luôn có ý tứ nhường đường cho xe máy, xe thô sơ và người đi bộ; khi phát hiện có xe nhỏ hay người đi bộ muốn sang đường thì họ rề xe dừng lại để chờ các phương tiện kia qua xong mới đi tiếp. Nhà cửa ở đây cũng như đã gặp ở Oudomxay, nghĩa là giữa nơi phồn hoa đô hội nhưng vẫn là những ngôi nhà sàn gỗ bề thế dựng lập theo lối kiến trúc Lào rất sang trọng đứng cách nhau nhiều hơn những block nhà liên sân liên vách, khiến cho cảnh sắc phố phường mang sắc thái rất riêng, thông thoáng, bình yên, sạch đẹp.

Trên đường về, tranh thủ ghé thác Kuong Si, một thác nước tự nhiên tuyệt đẹp của Luang Prabang từng làm luyến lưu bao du khách. Lại ngược đường đến trên nửa ngàn cây số xuyên ngang Bắc Lào hùng vĩ, hoang sơ…

Tạ Văn Sỹ

Có thể bạn quan tâm

Đi du lịch trước Tết, cảm nhận sắc Xuân sớm

Đi du lịch trước Tết, cảm nhận sắc Xuân sớm

Với mong muốn mang đến cho du khách trải nghiệm đặc biệt, chứng kiến không khí chuẩn bị đón Tết Nguyên đán Quý Mão ở các đô thị hay vùng quê, nhiều doanh nghiệp dịch vụ lữ hành, điểm đến ở Nam Bộ đã sớm hoàn thiện sản phẩm, khai thác chùm tour, tuyến du lịch đón Xuân sớm.