Những con đường trên biển

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Lâu nay nhiều người vẫn thường hay nhắc đến con đường trên biển nổi tiếng, chỉ xuất hiện vào tháng 3 và tháng 6 hàng năm, nối liền 2 hòn đảo Jindo và Modo của Hàn Quốc khiến ai cũng trầm trồ trước hiện tượng thiên nhiên kỳ thú. Nhưng ít ai biết rằng ở Việt Nam cũng có những con đường nổi trên biển không kém phần lý thú.

Và địa điểm đầu tiên tôi muốn nhắc đến chính là quần đảo Điệp Sơn ở thị trấn Vạn Giã (Khánh Hòa), cách TP. Nha Trang khoảng 50 km. Phương tiện ra đảo là ca nô hoặc tàu cá, tuy nhiên khách chủ yếu chọn ca nô vì phương tiện này nhiều và nhanh hơn tàu cá. Đảo Điệp Sơn gồm 3 hòn nhỏ là Hòn Bịp, Hòn Ó, Hòn Quạ. Hòn Bịp là hòn đảo lớn nhất và có dân sinh sống gồm khoảng 200 nhân khẩu, đa số làm nghề biển. Trẻ em ở đây thường chỉ học hết lớp 5 rồi nối nghiệp biển theo cha mẹ.

 

Khi thủy triều rút, Hòn Ó và Hòn Quạ được nối với nhau bằng một con đường cát trắng phẳng lỳ. Ảnh. T.L
Khi thủy triều rút, Hòn Ó và Hòn Quạ được nối với nhau bằng một con đường cát trắng phẳng lỳ. Ảnh. T.L

Tôi được chị Dung (là người đầu tư du lịch cho hòn đảo này) đưa đi tham quan Hòn Ó. Chị bảo, một lần tình cờ qua đây chị thấy hòn đảo này rất có tiềm năng du lịch nên mới mạnh dạn xin phép đầu tư. Để được như ngày hôm nay, chị đã đầu tư hơn 20 tỷ đồng. Hồi ấy, đảo còn hoang sơ không có người nên cây gai chằng chịt, còn rác thì nhiều vô bờ bến, khiến nhà đầu tư phải mất hơn 3 tháng để dọn đi hơn… 20 tấn rác. Hiện giờ đảo vẫn còn rất hoang sơ với chỉ vài căn chòi nhỏ cho du khách, nhưng xung quanh đảo là không khí trong lành với những rặng san hô phủ kín, lặn ngắm san hô ở đây thì tuyệt vời.

Song điều đặc biệt thu hút khách du lịch chính là hiện tượng 3 hòn đảo này nối với nhau bằng 2 con đường trên biển mà dân ở đây gọi là “đường ngầm trên biển”. Các con đường này có khi xuất hiện vào buổi sáng, có khi vào buổi chiều tùy theo từng mùa, đó là khi thủy triều rút hết để lộ ra một con đường cát trắng phủ dài nối các điểm đến, nhìn cực kỳ ấn tượng. Con đường nối giữa Hòn Ó với Hòn Quạ dài khoảng 300 m, còn đường nối giữa Hòn Quạ với Hòn Bịp dài khoảng 700 m. Chiều ấy, lúc tôi đi trên con đường qua biển, nước bắt đầu lên lấp xấp ngang mắt cá chân, nhưng khi tôi quay ngược lại thì nước đã lên quá đầu gối. Một cảm giác vừa lạ, vừa sợ nhưng cũng vô cùng thích thú. Vì lẽ đó, 2 năm trở lại đây, đảo Điệp Sơn là điểm đến thú vị cho các bạn trẻ ưa khám phá, tìm hiểu những điều mới lạ. Bản thân tôi cũng cực kỳ thích nơi này, một nơi yên tĩnh, không khí trong lành và người dân thì vô cùng hiền hòa.

Địa điểm thứ 2 tôi muốn nhắc đến đó là đảo Nhất Tự Sơn nằm ở thị xã Sông Cầu (tỉnh Phú Yên). Đảo Nhất Tự Sơn có diện tích và quy mô nhỏ hơn đảo Điệp Sơn và không có người ở. Cũng như đảo Điệp Sơn, điều độc đáo của Nhất Tự Sơn chính là con đường vượt biển ra đảo nằm chìm dưới làn nước và chỉ xuất hiện khi thủy triều rút xuống. Đảo chỉ cách đất liền chừng 300 m nên bạn hoàn toàn có thể lội nước hoặc đi bộ trên doi cát để ra đảo tùy vào thời điểm nước rút trong ngày. Trên đảo có các nhà chòi cho khách du lịch dừng chân sau khi vượt biển tham quan. Nơi này còn được gọi là “Điệp Sơn của Phú Yên”. Dù chưa thể so sánh được với vẻ đẹp của đảo Điệp Sơn ở Khánh Hòa, nhưng với sự hoang sơ, tính cách hiền hòa của người dân và hải sản ngon rẻ..., chắc chắn Nhất Tự Sơn sẽ là điểm đến ưa thích đối với nhiều du khách.

Thụy Lê

Có thể bạn quan tâm

Đi du lịch trước Tết, cảm nhận sắc Xuân sớm

Đi du lịch trước Tết, cảm nhận sắc Xuân sớm

Với mong muốn mang đến cho du khách trải nghiệm đặc biệt, chứng kiến không khí chuẩn bị đón Tết Nguyên đán Quý Mão ở các đô thị hay vùng quê, nhiều doanh nghiệp dịch vụ lữ hành, điểm đến ở Nam Bộ đã sớm hoàn thiện sản phẩm, khai thác chùm tour, tuyến du lịch đón Xuân sớm.