Kỳ thú hành trình "phượt" Măng Đen

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Cách thành phố trung tâm tỉnh Kon Tum khoảng hơn 50 km, Măng Đen (thuộc huyện Kon Plong, tỉnh Kon Tum) được ví như Đà Lạt thứ hai ở Tây Nguyên, và là một điểm đến còn giữ được gần như vẹn nguyên vẻ đẹp thiên nhiên hoang sơ, hấp dẫn “phượt thủ”.
 

Măng Đen (huyện Kon Plong, Kon Tum) nằm ở độ cao từ 1.000 - 1.200 mét so với mực nước biển, nằm giữa hai đèo Măng Đen (nối TP. Kon Tum với Măng Đen) và đèo Violak (nối Măng Đen với huyện Ba Tơ, Quảng Ngãi). Tên gọi Măng Đen xuất phát từ tên T’măng Deeng của người Mơ Nông , có nghĩa là vùng đất bằng phẳng và rộng lớn.
 

Khu du lịch sinh thái nổi tiếng của Kon Tum được ví như Đà Lạt thứ hai của Tây Nguyên với khí hậu ôn hòa. Đường từ TP. Kon Tum đến Măng Đen, đặc biệt là đoạn 12 km đường đèo Măng Đen vừa làm mới, đã bớt nhiều hiểm trở so với con đường được chú thích “đường đèo nguy hiểm, lái xe cẩn thận” trước đây.
 

Những đường đất đỏ, hai bên là rừng xanh dẫn lối du khách khám phá Măng Đen.
 

Theo những người dân ở đây kể, cách đây khoảng gần 10 năm, có một “làn sóng” nhà đầu tư đổ về Măng Đen xây hàng trăm nhà lưu trú dạng biệt thự ẩn mình giữa những rừng thông rất nên thơ. Song việc kinh doanh không hiệu quả vì nhiều lý do, khiến nhiều biệt thư đang xây dở dang thì dừng, hoặc xây xong rồi lại bỏ hoang. Vì vậy mà ở Măng Đen có một nơi gọi là làng biệt thự “ma”.
 

Xung quanh hồ Đắc Ke có khá nhiều nhà nghỉ, hàng quán. Nhà nghỉ ở đây có giá dao động từ 250 - 400 nghìn đồng/đêm với nhiều loại hình: nhà rông, biệt thự giữ rừng thông, khách sạn, có cả hostel - loại hình lưu trú được nhiều “phượt thủ” trẻ lựa chọn với chi phí tiết kiệm (100 nghìn đồng/người/đêm). Một số món ngon du khách có thể thưởng thức: thịt gà (nai, heo rừng) nướng, cá tầm, cá hồi, cơm lam, rượu vang sim, rượu cần...
 

Là một vùng khí hậu mát mẻ, Măng Đen không chỉ là nơi rừng xanh, hoa thắm.
 

Nơi đây còn có các trung tâm dược liệu, các nông trại ứng dụng công nghệ trồng nông sản sạch, để cùng với những quả sim hái được trong rừng, du khách còn có thể thưởng thức hay mua những quả dâu, cà chua... về làm quà.
 

Các nhà vườn, nông trại ở đây hầu như mở cửa cho du khách tự do ghé thăm, cảm nhận đất đỏ bazan thực sự là niềm ưu ái của tự nhiên dành cho nhà nông Tây Nguyên.
 

Thác Pa Sỹ cũng là một trong những điểm đến không thể bỏ qua ở vùng đất “7 hồ 3 thác”. Giá vào cổng khu du lịch sinh thái Thác Pa Sỹ là 15 nghìn đồng/người (miễn phí trẻ em).
 

Đường dẫn đến thác Pa Sỹ là gần 200 bậc tam cấp khá dễ đi. Tuy nhiên, vì là địa hình rừng núi, du khách nên mang giày có đế chắc chắn để tránh trơn trợt. Xuống đến nơi, nếu du khách không muốn cất công leo dốc ngược trở lại, có thể về lại điểm xuất phát bằng đường bộ, hoặc sử dụng dịch vụ ô tô có giá 50 nghìn đồng/lượt xe.
 

Khu vườn tượng gỗ thực sự là một bảo tàng nghệ thuật tạc tượng gỗ với vô số tác phẩm được chấm chọn qua các cuộc thi được tổ chức hàng năm ở Kon Tum. Các nghệ nhân đã thổi hồn vào trong từng pho tượng, để du khách đến đây có thể tìm hiểu đời sống văn hóa, sinh hoạt đời thường của các đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên từ những pho tượng thiếu nữ giã gạo, người mẹ địu con đi núi, chàng thanh niên săn trăn, tượng voi, vượn...

Khánh Hiền/dantri

Có thể bạn quan tâm

Đi du lịch trước Tết, cảm nhận sắc Xuân sớm

Đi du lịch trước Tết, cảm nhận sắc Xuân sớm

Với mong muốn mang đến cho du khách trải nghiệm đặc biệt, chứng kiến không khí chuẩn bị đón Tết Nguyên đán Quý Mão ở các đô thị hay vùng quê, nhiều doanh nghiệp dịch vụ lữ hành, điểm đến ở Nam Bộ đã sớm hoàn thiện sản phẩm, khai thác chùm tour, tuyến du lịch đón Xuân sớm.