Nguyễn Thanh Lâm: Thu nhập "khủng" từ bánh canh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Sau khi vào TP. Hồ Chí Minh học nghề nấu ăn, anh Nguyễn Thanh Lâm (SN 1990, thôn 1, xã Ia Hlốp, huyện Chư Sê, Gia Lai) đã quyết định chọn vỉa hè Pleiku làm nơi mở quán bánh canh cá lóc. Chỉ một thời gian ngắn, quán bánh canh này đã được rất nhiều người biết tiếng, mỗi tháng mang về cho anh khoản thu nhập hơn 50 triệu đồng.
Anh Nguyễn Thanh Lâm đang nấu bánh canh. Ảnh: H.Đ.T
Anh Nguyễn Thanh Lâm đang nấu bánh canh. Ảnh: H.Đ.T
Sinh ra trong một gia đình có đến 12 anh chị em ở xã Ia Hlốp, sau khi học hết THPT, Nguyễn Thanh Lâm ở nhà phụ giúp cha mẹ làm rẫy. Một thời gian sau, thấy làm nông vất vả mà hiệu quả thấp, Lâm quyết định vào TP. Hồ Chí Minh học nấu ăn vì thời gian học ngắn, chi phí cũng phù hợp với điều kiện gia đình. Sau 9 tháng theo học nghề nấu ăn ở Trường Hướng nghiệp Á-Âu, Lâm tốt nghiệp và chọn ở lại TP. Hồ Chí Minh làm việc để tích lũy kinh nghiệm. Trong 4 năm sau đó, Lâm lần lượt làm ở 4 nhà hàng lớn. Ở mỗi nhà hàng, anh lại học thêm được cách chế biến món ăn mới. Tuy được trả lương khoảng 10 triệu đồng/tháng nhưng do điều kiện sinh hoạt ở TP. Hồ Chí Minh đắt đỏ, Lâm chẳng tích lũy được bao nhiêu. Vậy là tháng 7-2017, anh quyết định về lại Gia Lai để tìm đường khởi nghiệp.
Trở về nhà, trong lúc chưa biết phải bắt đầu từ đâu thì Lâm được vài người quen ở Pleiku rủ hùn vốn mở quán ăn. Thấy thuận lợi, Lâm đồng ý. Anh cùng người quen thuê địa điểm ở đường Trường Chinh (TP. Pleiku) mở quán ăn. Tuy nhiên, sau vài tháng làm chung, thấy chiều hướng không thuận, Lâm quyết định nghỉ. Sau đó, anh mở quán bán bánh canh cá lóc Huế vào buổi tối ở đoạn vỉa hè ngay ngã tư Lê Lai-Trần Phú (TP. Pleiku). Trong 6 tháng đầu, quán khá ế ẩm, mỗi đêm chỉ bán được vài chục tô bánh canh. Lâm rất lo lắng nhưng anh nghĩ, mình mới mở quán nên nhiều người chưa biết, dần dần việc buôn bán sẽ ổn định. Với niềm tin ấy, anh tiếp tục bám trụ, đồng thời nỗ lực tìm tòi cách chế biến mới để món ăn thêm hấp dẫn. Nhờ đó, lượng khách đến quán ngày càng đông.
Sự khác biệt ở món bánh canh cá lóc Huế  do Lâm làm là anh không dùng bột gạo để chế biến sợi bánh như truyền thống mà dùng bột lúa mì. Lâm chia sẻ: Món bánh canh cá lóc có thành phần khá đơn giản, bao gồm sợi bánh làm từ bột lúa mì và thịt cá lóc đồng. Thế nhưng, việc chế biến một tô bánh canh đúng chất vẫn đòi hỏi nhiều công phu. Bột lúa mì chọn để làm bánh canh phải đảm bảo được độ dai dẻo và vị ngọt tự nhiên khi nấu lên. Chính cách làm bánh canh thủ công thay vì mua loại chế biến sẵn giúp hương vị mỗi mẻ bánh làm ra luôn được như ý. Công đoạn chọn mua và chế biến cá lóc cũng yêu cầu sự khéo léo. Cá lóc nên lựa loại cá đồng cỡ lớn, còn sống, thịt săn chắc. Cá được hấp cho vừa chín tới thì lọc kỹ phần thịt ra khỏi xương. Thịt cá lóc cho vào chảo xào đến khi bề mặt vàng ruộm là được.  Còn xương và đầu cá đem giã thành từng miếng nhỏ, cho vào một bọc vải sạch rồi đem ninh cùng gia vị, giúp nước lèo trở nên thanh ngọt; trong quá trình ninh phải gạn bọt liên tục để đảm bảo độ trong cho nồi nước. Khi bán, chỉ việc cho bánh canh vào bát, chan nước lèo xăm xắp, xếp từng miếng cá vào, thêm ít hành ngò, tiêu bột, ớt lát lên trên.
Chính bởi sự công phu, kỹ càng trong từng công đoạn nên món bánh canh cá lóc do Lâm chế biến có một hương vị rất riêng, ai ăn một lần cũng khó quên. Tiếng lành đồn xa, quán bánh canh cá lóc Huế của Lâm ngày càng được nhiều thực khách biết đến. Hiện nay, mỗi đêm, quán bán được hơn 300 tô. Để phục vụ số khách ngày càng đông, Lâm phải về xã Ia Hlốp tìm thêm 5 bạn trẻ ra giúp việc. Số người giúp việc này ngoài được Lâm lo ăn ở còn được trả công 4-6 triệu đồng/người/tháng.
Để mở rộng kinh doanh, vừa qua, Lâm đã mở thêm một quán bánh canh cá lóc ở 138 Quyết Tiến (phường Ia Kring, TP. Pleiku). Quán này mở bán vào buổi sáng và buổi chiều, giá mỗi tô bánh canh từ 15 ngàn đồng đến 30 ngàn đồng. Hiện nay, bình quân mỗi ngày đêm, 2 quán bánh canh của Lâm bán được hơn 400 tô. Trừ tất cả các chi phí, mỗi tháng, Lâm còn lãi hơn 50 triệu đồng. Để có được nguồn thu ấy, Lâm phải làm việc rất vất vả. Anh chia sẻ: Mỗi ngày, tôi làm việc liên tục từ 5 giờ sáng cho đến 12 giờ đêm. Để đảm bảo chất lượng món ăn, tất cả các công đoạn chế biến đều do tự tay tôi làm. 
Kinh nghiệm khởi nghiệm của Nguyễn Thanh Lâm:
* Chọn hướng khởi nghiệp phù hợp với khả năng của mình.
* Chịu khó tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm để nâng cao chất lượng món ăn.
* Luôn tìm hiểu, lắng nghe nhu cầu của khách hàng.
Hà Đức Thành

Có thể bạn quan tâm

Ksor Mác: “Bàn tay vàng” khai thác mủ cao su

Ksor Mác: “Bàn tay vàng” khai thác mủ cao su

(GLO)-

Dù ít tham gia các hội thi, nhưng nhiều công nhân ở Đội sản xuất số 6, Công ty 74, Binh đoàn 15 vẫn thường gọi anh Ksor Mác là "bàn tay vàng" trong đơn vị. Bởi anh không chỉ có kỹ thuật cao trong cạo mủ cao su mà hằng năm anh đều vượt kế hoạch được giao.

Chàng trai dân tộc Cao Lan với 'giấc mơ trà hoa vàng'

Chàng trai dân tộc Cao Lan với 'giấc mơ trà hoa vàng'

Chưa ai ở vùng núi Tuyên Quang từng nghĩ 'rước' chè hoa vàng tự nhiên từ rừng về nhân giống trong vườn nhà. Thế mà chàng trai dân tộc Cao Lan Lương Tiến Trung (thôn Hàm Ếch, xã Thượng Ấm, H.Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang) lại thành công hơn mong đợi từ ý nghĩ táo bạo này.
Cặp đôi gen Z làm kênh hoạt hình Việt

Cặp đôi gen Z làm kênh hoạt hình Việt

Hàng chục tập phim hoạt hình, mỗi tập thu hút hàng triệu lượt xem (views) chỉ sau hơn 1 năm thành lập kênh YouTube là thành quả đáng khích lệ với Phạm Thị Hoàng Hảo (sinh năm 1999) và Đặng Trọng Nhân (sinh năm 2000). 
Khấm khá nhờ... rắn độc

Khấm khá nhờ... rắn độc

Nghe tin anh Phan Thanh Bình - ngụ huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng - quyết định nuôi và kinh doanh rắn hổ mang, nhiều người quen biết đã can ngăn vì lo ngại loài này có nọc độc nguy hiểm nhưng anh vẫn thản nhiên.
Nay H’Juh khởi nghiệp từ ẩm thực Jrai

Nay H’Juh khởi nghiệp từ ẩm thực Jrai

(GLO)- Lớn lên bên căn bếp của bà ngoại, chị Nay H’Juh (làng Ốp, phường Hoa Lư, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) yêu vô cùng những món ăn của người Jrai. Năm 30 tuổi, chị mạnh dạn khởi nghiệp từ ẩm thực truyền thống của dân tộc.
“Thủ lĩnh” Đoàn làm kinh tế giỏi

“Thủ lĩnh” Đoàn làm kinh tế giỏi

(GLO)- Với nhiệt huyết tuổi trẻ và tinh thần dám nghĩ dám làm, nhiều “thủ lĩnh” Đoàn ở huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai) đã đầu tư phát triển các mô hình trồng trọt, chăn nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Nơi hình thành và chia sẻ ý tưởng khởi nghiệp

Nơi hình thành và chia sẻ ý tưởng khởi nghiệp

(GLO)- Sau khi thành lập, Câu lạc bộ (CLB) Khởi nghiệp trẻ và sáng tạo Pleiku đã tổ chức nhiều hoạt động liên quan đến khởi nghiệp sáng tạo. Tại đây, những ước mơ khởi nghiệp, những ý tưởng kinh doanh đã được chia sẻ một cách cởi mở, sôi nổi.