Nguyễn Thị Chúc Chi: Làm giàu từ ươm cây giống

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Khởi nghiệp từ 2 bàn tay trắng, giờ đây, chị Nguyễn Thị Chúc Chi (SN 1995, phường Chi Lăng, TP. Pleiku) đã là chủ của một vườn ươm cây giống rộng hơn 6.000 m2 với thu nhập hơn 500 triệu đồng mỗi năm.

Phải mất vài lần hẹn, tôi mới gặp được chị Nguyễn Thị Chúc Chi. Lý do là chị quá bận bịu, hết giao hàng nơi này lại giao hàng nơi khác, khắp trong tỉnh, ngoài tỉnh. Ngay cả khi ngồi nói chuyện với tôi, điện thoại của chị cũng liên tục đổ chuông. Đấy là khách gọi tới đặt cây giống để trồng khi mùa mưa đang đến.

 

Chị Nguyễn Thị Chúc Chi. Ảnh: H.Đ.T
Chị Nguyễn Thị Chúc Chi. Ảnh: H.Đ.T

Sinh ra và lớn lên tại TP. Pleiku, bố mẹ đều là giáo viên Trường Trung cấp Lâm nghiệp Tây Nguyên, năm 2013, sau khi tốt nghiệp THPT, Chi nộp đơn thi vào Trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai với mong muốn sau này trở thành một cô giáo để nối nghiệp bố mẹ. Thế nhưng, sau khi thi đậu, nhận thấy cơ hội xin việc sau này rất khó, Chi quyết định không theo học sư phạm mà xin làm nhân viên bán hàng cho hãng sữa Abbott. Một năm làm cho Abbott, Chi đi khắp các huyện, thị xã trong tỉnh. Nhận thấy nhu cầu trồng cây giống các loại của người dân và doanh nghiệp trong tỉnh rất cao, Chi nảy sinh ý định khởi nghiệp bằng nghề ươm cây giống. Lúc ấy, gia đình Chi cũng có một vườn ươm nhỏ và chị cũng đã học được ít nhiều kinh nghiệm ươm cây giống của bố mẹ. Sau khi đem ý định của mình bàn với bố mẹ và được ủng hộ, Chi quyết định vay mượn bạn bè và vay vốn ngân hàng để đầu tư làm một vườn ươm với diện tích 500 m2.

Với phương châm “Vừa làm, vừa học hỏi kinh nghiệm”, lúc đầu, Chi tập trung vào ươm một số loại cây để trồng rừng như: thông ba lá, gáo vàng, keo lai, keo tai tượng…. Chi cho biết: Khi mới bắt đầu làm, do thiếu kinh nghiệm chọn đất, ươm giống, che chắn vườn và cách phòng ngừa, trị bệnh cho cây trồng nên tỷ lệ cây sống đạt thấp. Không nản chí, chị bỏ thời gian tìm hiểu thêm kỹ thuật ươm, chăm sóc cây giống trên sách báo, internet và tìm đến các vườn ươm cây giống trên địa bàn để học hỏi kinh nghiệm. Chi bảo, tưởng ươm cây giống dễ nhưng khi làm mới thấy khó khăn,  không phải cứ xới đất lên bỏ hạt giống xuống là được mà tất cả đều có bí quyết. Tùy loại hạt giống, loại cây mà có cách làm đất khác nhau. Đối với những cây hạt to thì đất ươm phải có độ xốp dày hơn các loại cây hạt nhỏ. Khi cây vừa lên lá mầm xanh rất dễ bị sâu bệnh hại nên phải chăm sóc kỹ lưỡng.

Nhờ những kinh nghiệm tích lũy được qua thực tế, cây giống do Chi ươm ngày càng phát triển tốt, được khách hàng gần xa tin tưởng chọn mua. Vì vậy, từ 500 m2 ban đầu, 1 năm sau, vườn ươm của Chi đã được mở rộng lên 2.000 m2. Mới đây, để chuẩn bị cây giống phục vụ nhu cầu của khách hàng trong vụ mùa 2018, chị đã thuê thêm 2.000 m2 để làm vườn ươm với khoảng hơn 100 ngàn cây giống các loại.

 

Kinh nghiệm khởi nghiệp của NGUYỄN THỊ CHÚC CHI

* Phải thật sự đam mê với lựa chọn của mình.
* Không ngừng học hỏi, nâng cao kiến thức.
* Kiên trì, chịu khó, sẵn sàng chấp nhận thất bại.

Chi cho biết, năm 2017, chị đã xuất bán gần 100.000 cây giống các loại, chủ yếu là cây trồng rừng. Do cây giống chị ươm có chất lượng tốt nên khách đặt hàng ngày càng nhiều, không chỉ trong tỉnh mà còn ở Kon Tum, Đak Lak… Vì vậy, bình quân mỗi năm, vườn ươm của chị đạt doanh thu hơn 500 triệu đồng. Theo chị Chi, nghề ươm cây giống cho lợi nhuận khá cao. Mỗi cây từ khi ươm đến khi bán mất 4-5 tháng, trừ chi phí thì lợi nhuận thu được khoảng 60-70%. Tuy nhiên, công việc này cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro bởi khi đã ký hợp đồng với khách hàng, nếu cây bị bệnh hay bị chết thì chủ vườn ươm phải đền 50% giá trị hợp đồng. Năm 2017, suýt chút nữa chị đã phải đền khoảng 150 triệu đồng cho một lô cây giống trồng rừng. Lúc ấy, chị ký hợp đồng ươm 500.000 cây giống với khách hàng. Nhưng sắp đến ngày giao hàng thì cây có hiện tượng rụng lá và chết. Chị phải chạy đôn chạy đáo khắp nơi để học hỏi kinh nghiệm trị bệnh cho cây. Suốt nhiều đêm liền không ngủ, cuối cùng, chị tìm ra cách pha trộn các loại thuốc để phun cho cây. Lần đó, chị đã cứu thành công lô cây này để kịp giao cho khách hàng theo hợp đồng.

Từ 2 bàn tay trắng, sau vài năm khởi nghiệp với nghề ươm cây giống, Nguyễn Thị Chúc Chi đã mua được hơn 2.000 m2 đất, xây một ngôi nhà cấp 4 và mua được 1 xe tải nhỏ để vận chuyển hàng. Đây là thành quả xứng đáng cho sự nỗ lực không mệt mỏi cùng tinh thần dám nghĩ, dám làm của chị.

Hà Đức Thành

Có thể bạn quan tâm

Ksor Mác: “Bàn tay vàng” khai thác mủ cao su

Ksor Mác: “Bàn tay vàng” khai thác mủ cao su

(GLO)-

Dù ít tham gia các hội thi, nhưng nhiều công nhân ở Đội sản xuất số 6, Công ty 74, Binh đoàn 15 vẫn thường gọi anh Ksor Mác là "bàn tay vàng" trong đơn vị. Bởi anh không chỉ có kỹ thuật cao trong cạo mủ cao su mà hằng năm anh đều vượt kế hoạch được giao.

Chàng trai dân tộc Cao Lan với 'giấc mơ trà hoa vàng'

Chàng trai dân tộc Cao Lan với 'giấc mơ trà hoa vàng'

Chưa ai ở vùng núi Tuyên Quang từng nghĩ 'rước' chè hoa vàng tự nhiên từ rừng về nhân giống trong vườn nhà. Thế mà chàng trai dân tộc Cao Lan Lương Tiến Trung (thôn Hàm Ếch, xã Thượng Ấm, H.Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang) lại thành công hơn mong đợi từ ý nghĩ táo bạo này.
Cặp đôi gen Z làm kênh hoạt hình Việt

Cặp đôi gen Z làm kênh hoạt hình Việt

Hàng chục tập phim hoạt hình, mỗi tập thu hút hàng triệu lượt xem (views) chỉ sau hơn 1 năm thành lập kênh YouTube là thành quả đáng khích lệ với Phạm Thị Hoàng Hảo (sinh năm 1999) và Đặng Trọng Nhân (sinh năm 2000). 
Khấm khá nhờ... rắn độc

Khấm khá nhờ... rắn độc

Nghe tin anh Phan Thanh Bình - ngụ huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng - quyết định nuôi và kinh doanh rắn hổ mang, nhiều người quen biết đã can ngăn vì lo ngại loài này có nọc độc nguy hiểm nhưng anh vẫn thản nhiên.
Nay H’Juh khởi nghiệp từ ẩm thực Jrai

Nay H’Juh khởi nghiệp từ ẩm thực Jrai

(GLO)- Lớn lên bên căn bếp của bà ngoại, chị Nay H’Juh (làng Ốp, phường Hoa Lư, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) yêu vô cùng những món ăn của người Jrai. Năm 30 tuổi, chị mạnh dạn khởi nghiệp từ ẩm thực truyền thống của dân tộc.
“Thủ lĩnh” Đoàn làm kinh tế giỏi

“Thủ lĩnh” Đoàn làm kinh tế giỏi

(GLO)- Với nhiệt huyết tuổi trẻ và tinh thần dám nghĩ dám làm, nhiều “thủ lĩnh” Đoàn ở huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai) đã đầu tư phát triển các mô hình trồng trọt, chăn nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Nơi hình thành và chia sẻ ý tưởng khởi nghiệp

Nơi hình thành và chia sẻ ý tưởng khởi nghiệp

(GLO)- Sau khi thành lập, Câu lạc bộ (CLB) Khởi nghiệp trẻ và sáng tạo Pleiku đã tổ chức nhiều hoạt động liên quan đến khởi nghiệp sáng tạo. Tại đây, những ước mơ khởi nghiệp, những ý tưởng kinh doanh đã được chia sẻ một cách cởi mở, sôi nổi.