Gia Lai hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Nhằm vận động, hướng dẫn, khuyến khích cán bộ, hội viên xây dựng ý tưởng, kế hoạch và mạnh dạn khởi nghiệp, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh Gia Lai vừa triển khai “Ngày Phụ nữ khởi nghiệp 2018”.

Sau 3 tháng triển khai, chiều 6-3, tại TP. Pleiku, Hội LHPN tỉnh Gia Lai đã tổ chức “Ngày Phụ nữ khởi nghiệp” để kết nối và hỗ trợ cho những ý tưởng, kế hoạch khởi nghiệp mang tính khả thi.

Nhiều ý tưởng, kế hoạch khả thi

 

Một gian hàng trưng bày tại “Ngày Phụ nữ khởi nghiệp 2018”. Ảnh: N.L.V.Q
Một gian hàng trưng bày tại “Ngày Phụ nữ khởi nghiệp 2018”. Ảnh: N.L.V.Q

Với mong muốn giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho chị em phụ nữ trong làng và bảo tồn, phát huy nghề dệt thổ cẩm truyền thống của người Jrai, chị Rơ Châm H’Panh (làng Bồ 1, xã Ia Yok, huyện Ia Grai) đã mạnh dạn xây dựng ý tưởng “Dệt thổ cẩm kèm theo dịch vụ ẩm thực truyền thống của người Jrai”. Nói về ý tưởng của mình, chị H’Panh bộc bạch: “Dệt thổ cẩm không đơn thuần là một nghề để mưu sinh mà còn là nét đẹp truyền thống, bản sắc văn hóa của người Jrai. Tuy nhiên, hiện nay do sự phát triển của ngành may công nghiệp, dệt hiện đại nên giới trẻ người dân tộc thiểu số dần thay trang phục thổ cẩm bằng áo sơ mi, quần jean, váy... Vì vậy, những bộ trang phục truyền thống ngày càng ít xuất hiện trong cuộc sống hàng ngày”.

Mặt khác, số phụ nữ biết dệt thổ cẩm trong làng cũng thưa vắng dần, trong khi việc truyền dạy cho con cháu cũng gặp nhiều khó khăn do thanh niên không mấy mặn mà với các khung dệt... Từ những trăn trở ấy, chị H’Panh cùng một số chị em trong làng đã xây dựng ý tưởng với mong muốn được hỗ trợ nguồn vốn ban đầu và kết nối, giới thiệu sản phẩm với khách du lịch khi tham quan, nghỉ ngơi tại làng. Cũng băn khoăn với nghề truyền thống, chị Rah Lan H’Ple (xã Ia Dơk, huyện Đức Cơ) đã trình bày ý tưởng “Cửa hàng dệt thổ cẩm và mua bán hàng thổ cẩm, đan lát” gửi về Hội để được hỗ trợ vốn nhằm hiện thực hóa ý tưởng khởi nghiệp.

Bên cạnh các ý tưởng liên quan đến việc bảo tồn, phát huy nghề truyền thống, nhiều hội viên phụ nữ cũng đã xây dựng ý tưởng, kế hoạch khởi nghiệp dựa trên các tiềm năng, thế mạnh tại địa phương và nhu cầu của thị trường. Nhận thấy tuyến đường từ TP. Pleiku đi huyện Chư Prông hiện chỉ có xe buýt trong khi nhu cầu đi lại của người dân khá cao, chị Lê Thị Dung (thị trấn Chư Prông, huyện Chư Prông) đã xây dựng kế hoạch kinh doanh xe khách 5-7 chỗ tuyến Chư Prông-TP. Pleiku và ngược lại. Còn chị Lê Thị Hương (xã Ia Kla, huyện Đức Cơ) khá tự tin với ý tưởng mở trường Mầm non tư thục nhằm tiếp nhận con em dân tộc thiểu số, con công nhân-lao động ở xa các điểm trường... Hay chị Huỳnh Thị Như Oanh (xã Đak Yă, huyện Mang Yang) lại tha thiết với việc giới thiệu, cung cấp sản phẩm gạo Kon Chiêng ra thị trường. Bởi theo chị, gạo Kon Chiêng dẻo, có hàm lượng dinh dưỡng cao, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, không bón phân hóa học, không chất bảo quản...

Kết nối để phụ nữ khởi nghiệp

Dù là năm đầu tiên thực hiện nhưng “Ngày Phụ nữ khởi nghiệp năm 2018” đã thu hút sự quan tâm, tham gia của đông đảo hội viên, phụ nữ. Trong thời gian 3 tháng, Hội LHPN tỉnh đã nhận được 142 ý tưởng, kế hoạch khởi nghiệp, trong đó có 108 ý tưởng, kế hoạch thuộc lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, còn lại thuộc lĩnh vực dịch vụ, giáo dục, xã hội. Theo đó, đa phần ý tưởng, kế hoạch khởi nghiệp đều thể hiện được tính sáng tạo, khả năng đáp ứng nhu cầu thị trường, như: “Dệt thổ cẩm kèm dịch vụ ẩm thực truyền thống của người Jrai”; “Trồng hồ tiêu hữu cơ xen canh cây cà phê”; “Trồng và cung cấp ra thị trường sản phẩm bơ Booth trái vụ”; “Kinh doanh gạo Ba Chăm-Đak Trôi”; “Trồng và kinh doanh măng tây xanh”; “Nuôi dê thịt và dê giống”; “Trồng cam sạch”; “Nuôi vịt trời”; “Nuôi heo sạch theo tiêu chuẩn VietGAP”; “Trồng bí xanh trên đất lúa”... Bà Phạm Thị Tố Hải-Chủ tịch Hội LHPN tỉnh, nhận xét: Các ý tưởng, kế hoạch tham gia “Ngày Phụ nữ khởi nghiệp” đã cho thấy sự năng động, sức sáng tạo và quyết tâm cao của hội viên phụ nữ trong việc vươn lên khởi sự kinh doanh và khởi nghiệp, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển doanh nghiệp của tỉnh đến năm 2020.  

 

Bà Phạm Thị Tố Hải-Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Gia Lai: “Từ nguồn vốn hỗ trợ, duy trì và mở rộng việc làm của Trung ương Hội và qua kết nối với Ngân hàng Chính sách Xã hội-Chi nhánh Gia Lai (cam kết ưu tiên nguồn vốn 9 tỷ đồng), Hội sẽ hỗ trợ cho những hội viên, phụ nữ có nhu cầu vay vốn khởi nghiệp. Đồng thời, Hội cũng chỉ đạo Hội LHPN các huyện, thị xã, thành phố phối hợp với các ngành chức năng tiếp tục hướng dẫn để các chị hoàn thiện và triển khai thực hiện các ý tưởng, kế hoạch kinh doanh tại địa phương, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh”.

Sau khi thẩm định, họp xét và chấm điểm, Hội đã chọn được 2 ý tưởng khởi nghiệp khả thi trên cơ sở đánh giá các tiêu chí về tính sáng tạo, tính khả thi, tính bền vững và kết quả dự kiến thu được để trao tiền hỗ trợ. Đó là ý tưởng “Dệt thổ cẩm kèm theo dịch vụ ẩm thực truyền thống của người Jrai” của chị Rơ Châm H’Panh và “Cửa hàng dệt thổ cẩm và mua bán hàng thổ cẩm, đan lát” của chị Rah Lan H’Ple. Hai ý tưởng này đã nhận được sự hỗ trợ về vốn (50 triệu đồng/ý tưởng) từ các doanh nghiệp: Công ty TNHH Thương mại Thùy Dung, Công ty TNHH Vĩnh Hiệp, Công ty TNHH Trung Kiên, Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng Gia Lai, Doanh nghiệp tư nhân vàng Mỹ Oanh, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Hoa Trang Gia Lai.

Anh Huy

Có thể bạn quan tâm

Ksor Mác: “Bàn tay vàng” khai thác mủ cao su

Ksor Mác: “Bàn tay vàng” khai thác mủ cao su

(GLO)-

Dù ít tham gia các hội thi, nhưng nhiều công nhân ở Đội sản xuất số 6, Công ty 74, Binh đoàn 15 vẫn thường gọi anh Ksor Mác là "bàn tay vàng" trong đơn vị. Bởi anh không chỉ có kỹ thuật cao trong cạo mủ cao su mà hằng năm anh đều vượt kế hoạch được giao.

Chàng trai dân tộc Cao Lan với 'giấc mơ trà hoa vàng'

Chàng trai dân tộc Cao Lan với 'giấc mơ trà hoa vàng'

Chưa ai ở vùng núi Tuyên Quang từng nghĩ 'rước' chè hoa vàng tự nhiên từ rừng về nhân giống trong vườn nhà. Thế mà chàng trai dân tộc Cao Lan Lương Tiến Trung (thôn Hàm Ếch, xã Thượng Ấm, H.Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang) lại thành công hơn mong đợi từ ý nghĩ táo bạo này.
Cặp đôi gen Z làm kênh hoạt hình Việt

Cặp đôi gen Z làm kênh hoạt hình Việt

Hàng chục tập phim hoạt hình, mỗi tập thu hút hàng triệu lượt xem (views) chỉ sau hơn 1 năm thành lập kênh YouTube là thành quả đáng khích lệ với Phạm Thị Hoàng Hảo (sinh năm 1999) và Đặng Trọng Nhân (sinh năm 2000). 
Khấm khá nhờ... rắn độc

Khấm khá nhờ... rắn độc

Nghe tin anh Phan Thanh Bình - ngụ huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng - quyết định nuôi và kinh doanh rắn hổ mang, nhiều người quen biết đã can ngăn vì lo ngại loài này có nọc độc nguy hiểm nhưng anh vẫn thản nhiên.
Nay H’Juh khởi nghiệp từ ẩm thực Jrai

Nay H’Juh khởi nghiệp từ ẩm thực Jrai

(GLO)- Lớn lên bên căn bếp của bà ngoại, chị Nay H’Juh (làng Ốp, phường Hoa Lư, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) yêu vô cùng những món ăn của người Jrai. Năm 30 tuổi, chị mạnh dạn khởi nghiệp từ ẩm thực truyền thống của dân tộc.
“Thủ lĩnh” Đoàn làm kinh tế giỏi

“Thủ lĩnh” Đoàn làm kinh tế giỏi

(GLO)- Với nhiệt huyết tuổi trẻ và tinh thần dám nghĩ dám làm, nhiều “thủ lĩnh” Đoàn ở huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai) đã đầu tư phát triển các mô hình trồng trọt, chăn nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Nơi hình thành và chia sẻ ý tưởng khởi nghiệp

Nơi hình thành và chia sẻ ý tưởng khởi nghiệp

(GLO)- Sau khi thành lập, Câu lạc bộ (CLB) Khởi nghiệp trẻ và sáng tạo Pleiku đã tổ chức nhiều hoạt động liên quan đến khởi nghiệp sáng tạo. Tại đây, những ước mơ khởi nghiệp, những ý tưởng kinh doanh đã được chia sẻ một cách cởi mở, sôi nổi.