Những thanh niên khởi nghiệp từ nông nghiệp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Vấn đề khởi nghiệp trong giới trẻ chưa bao giờ được quan tâm và nhắc đến nhiều như thời gian gần đây. Cùng với sự định hướng của các cấp, các ngành, nhiều thanh niên trên địa bàn tỉnh đã biết nắm bắt cơ hội, khai thác lợi thế của địa phương để khởi nghiệp bằng nhiều hình thức.

Thành công từ mô hình trồng nấm

 

Đặng Đình Tấn. Ảnh: H.Đ.T
Đặng Đình Tấn. Ảnh: H.Đ.T

Tốt nghiệp Khoa Công nghệ Thực phẩm-Trường Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh năm 2012, chàng trai trẻ Đặng Đình Tấn (sinh năm 1990) đi xin việc nhiều nơi để tìm cơ hội việc làm đúng với chuyên ngành đã học nhưng không thành công. Sau hơn một năm làm nhân viên bán hàng cho nhiều cơ sở, anh quyết định ở nhà... nuôi gà!

Nghĩ là làm, anh mạnh dạn vay tiền ngân hàng, cộng với tiền tích lũy được trong thời gian đi làm trước đó để đầu tư làm chuồng trại rồi lên mạng internet tìm hiểu kỹ thuật chăm sóc. Thời gian đầu, anh chỉ mua vài trăm con về nuôi, dần dà thấy đàn gà phát triển tốt nên anh mua thêm, có lúc đàn gà lên đến 2.000 con. Bên cạnh nuôi gà thịt, anh còn mua gà con 1 ngày tuổi để chăm sóc 20-25 ngày rồi bán giống. Tuy nhiên, Tấn cũng gặp không ít thử thách khi có đợt dịch bệnh “viếng thăm” trang trại khiến gần 700 con gà lăn ra chết; số gà con nhập từ nơi khác về, do khác khí hậu nên có khi cũng chết gần hết.

Sau gần 3 năm long đong, anh Tấn quyết định thôi không nuôi gà nữa và tìm hướng khởi nghiệp mới. Lúc này, tình cờ anh gặp người bạn ngày xưa cùng học đại học hiện đang đầu tư trồng nấm mang lại hiệu quả kinh tế cao ở huyện Chư Pưh. Nhận thấy mô hình này hiệu quả mà ít rủi ro, anh khăn gói vào Chư Pưh để “tầm sư học đạo”. Đầu năm 2017, anh đầu tư hơn 100 triệu đồng để xây dựng cơ sở vật chất của trại nấm. Sau những thất bại ban đầu, cuối cùng chàng trai trẻ cũng nở nụ cười hạnh phúc khi trại nấm của gia đình anh ngày càng phát triển và tạo được thương hiệu, chỗ đứng trên thị trường. Hiện trang trại trồng nhiều loại nấm như: nấm sò, nấm linh chi, nấm mèo... trên diện tích khoảng 150 m2 với 8.000-10.000 bì nấm. Anh cho biết, riêng nấm sò bình quân mỗi ngày thu 25-40 kg, giá khoảng 30.000 đồng/kg.

Chia sẻ về kinh nghiệm trồng nấm, anh Tấn cho biết: Trồng nấm không khó, vấn đề là phải kiên trì và đam mê với cây nấm. Ở khâu nguyên liệu nên chọn mùn cưa của cây cao su, sau đó trộn với vôi và đảm bảo độ ẩm đạt 60-70%; lò hấp phải được khử trùng với nhiệt độ 1000C trong vòng 12 giờ; khu cấy mô phải đảm bảo đạt chuẩn với yêu cầu kín gió và có thiết bị để tiêu diệt bào tử nấm dại; khu ủ tơ và nuôi trồng phải thông thoáng, nhiệt độ trong trại luôn giữ mức 25-300C. Bên cạnh sản xuất nấm thành phẩm, anh còn sản xuất phôi giống nấm, bình quân mỗi tháng bán được từ 5.000 đến 7.000 bì phôi với giá 3.200 đồng/bì. Mỗi tháng, chỉ riêng từ nguồn bán phôi giống anh đã thu khoảng 20 triệu đồng. Đặc biệt, anh còn làm nấm linh chi bonsai để trang trí. Không chỉ chăm lo phát triển kinh tế gia đình, hiện nay, với vai trò là Phó Bí thư Đoàn thị trấn Phú Hòa (huyện Chư Pah), anh Tấn đã không ngại chia sẻ kinh nghiệm làm nấm với đoàn viên, thanh niên và cung cấp giống để cùng nhau phát triển kinh tế.

Nắm bắt cơ hội từ chăn nuôi 

 

Trịnh Duy Tâm. Ảnh: H.Đ.T
Trịnh Duy Tâm. Ảnh: H.Đ.T

Được các anh chị ở Huyện Đoàn Chư Sê giới thiệu, tôi đến xã Hbông để tìm gặp một nhân vật khá nổi tiếng ở xã về khởi nghiệp từ việc nuôi dê, đó là anh Trịnh Duy Tâm (sinh năm 1990).

Qua trò chuyện được biết, năm 2000, vì điều kiện gia đình khó khăn nên Trịnh Duy Tâm theo ba từ Tây Sơn (tỉnh Bình Định) khăn gói lên vùng đất Hbông để chăn bò thuê. Tuổi thơ của Tâm gắn với đàn bò và những đồng cỏ. Sau một thời gian làm thuê, gia đình cũng đã có chút vốn và mua vài con bò để nuôi thêm. Dần dà, từ vài con đàn bò sinh sôi lên đến vài chục con. Đến tuổi trưởng thành, Tâm trăn trở, mình không thể cứ gắn đời mình với đàn bò này mãi được. Nghĩ vậy, Tâm xin phép gia đình đi học nghề sơn gỗ, học nghề xong anh đi làm và nhận các công trình ở trong tỉnh và Bình Định. Sau 4 năm theo nghề, nhận thấy nghề sơn ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe, anh đành thôi làm và tìm hướng khởi nghiệp mới.

Suy nghĩ mãi, cuối cùng Tâm nhận thấy vùng đất Hbông này rất phù hợp với việc chăn nuôi dê. Thế là anh liền đi học hỏi kinh nghiệm và vào tận Ninh Thuận mua vài con về nuôi thử. Thấy đàn dê dễ nuôi và lớn nhanh, anh quyết định tiếp tục mua và gây giống. Người dân trong vùng thấy nuôi dê có hiệu quả kinh tế cao nên tìm đến cơ sở để mua giống. Thời gian ấy, anh cứ thoăn thoắt đi-về giữa Chư Sê và Ninh Thuận để mua dê giống về cung cấp cho bà con. Năm 2015, khi giống dê Boer phát triển, anh bắt đầu chuyển sang nuôi giống dê mới này. Anh cho biết: Dê Boer là loài dễ nuôi, ăn ít. Một con dê trưởng thành cần khoảng 5 kg thức ăn/ngày, chủ yếu là cỏ, lá cây trong vườn.

Mặc dù đã kỳ công chăm sóc nhưng đàn dê Boer của anh lại chậm phát triển và thường xuyên bị bệnh. Đã có những con giống bị chết vì điều kiện khí hậu và môi trường khác biệt. Nhiều người nghi ngại về mô hình chăn nuôi này, người thân cũng bàn lui trước áp lực về vốn. Không nản chí, anh tìm những kỹ thuật viên giàu kinh nghiệm ở các nơi để học hỏi kinh nghiệm chăm sóc và chuyển giao kỹ thuật. Nhờ vậy, đàn dê dần ổn định và phát triển tốt. Anh Tâm chia sẻ: “Ưu điểm của dê Boer là ăn khỏe, tăng trọng nhanh, thân hình to lớn. Trọng lượng của dê đực có thể lên tới 60-70 kg. Tuy nhiên, vì con giống được nhập về từ ngoài tỉnh nên phải có cách chăm sóc phù hợp để dê nhanh chóng thích nghi với thời tiết, khí hậu tại nơi ở mới, trong đó chú trọng phòng-chống dịch bệnh và vệ sinh chuồng trại để đảm bảo vệ sinh môi trường, phòng ngừa dịch bệnh”.

Thấy con giống của trang trại anh Tâm đạt chuẩn nên bà con khắp nơi trong huyện và các huyện lân cận liên hệ mua giống. Để bà con yên tâm, sau khi bán con giống, anh đều hướng dẫn kỹ thuật làm chuồng trại, chăm sóc, thuốc thú y, bảo hành giống. Đồng thời, trang trại cũng cam kết bao tiêu con giống và dê thịt. Anh cho biết thêm: Lúc nào trang trại cũng có gần 100 con dê giống và dê thịt, có lúc cao điểm lên đến 200 con. Không những cung cấp cho các hộ gia đình, nhiều đơn vị đã ký hợp đồng với trang trại của anh để mua giống cấp cho bà con nông dân. Mới đây, anh cũng vừa ký hợp đồng với Dự án Giảm nghèo của tỉnh để cung cấp dê giống. Anh tâm sự: “Trước khi khởi nghiệp, tôi cũng đã có thời gian dài gắn với việc chăn nuôi nên khi bước chân vào thương trường với tư cách người khởi nghiệp, nỗi sợ hãi cũng giảm đi ít nhiều. Tôi nghĩ, trong bối cảnh hiện nay, mình phải thực sự trân trọng khách hàng thì mới mong lấy được tình cảm của họ. Bởi thị trường bây giờ là một biển cả mênh mông, ai mang lại giá trị nhiều hơn so với số tiền khách hàng bỏ ra, người đó sẽ có cơ hội”.

“Sẽ tiếp tục đầu tư sản xuất rau sạch”

 

Lê Văn Thêm. Ảnh: H.Đ.T
Lê Văn Thêm. Ảnh: H.Đ.T

Với ý chí vươn lên làm giàu chính đáng, đi đầu ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao bằng mô hình trồng rau thủy canh, anh Lê Văn Thêm trở thành người khởi nghiệp đầu tiên của thanh niên Ia Pa về mô hình này. Đến thôn 3 (xã Kim Tân, huyện Ia Pa), khi nhìn ra cánh đồng lúa xanh mơn mởn mọi người dễ dàng nhận ra một khung nhà được che chắn bằng lưới vững chắc, đó là cơ ngơi sản xuất rau thủy canh của chàng trai trẻ Lê Văn Thêm.

Là con út của một gia đình làm nghề nông, ba mất sớm nên cuộc sống của gia đình gặp không ít khó khăn, ngay từ nhỏ Thêm đã phải phụ giúp gia đình làm mì, làm mía và buôn bán nhỏ lẻ. Khi có thời gian rảnh rỗi, Thêm hay lên mạng internet tìm hiểu các mô hình phát triển kinh tế để chọn cho mình lối đi riêng. Qua tìm hiểu, Thêm nhận thấy hiện nay nhu cầu về rau sạch trên địa bàn huyện rất cao nhưng chưa có ai đầu tư sản xuất. Thêm liền đem ý định của mình bàn với gia đình nhưng bị can ngăn vì cho rằng vốn đầu tư ban đầu vượt quá khả năng tài chính, vả lại đây là địa bàn nông thôn, liệu sản xuất ra có tiêu thụ được. Thêm đành dừng lại nhưng trong thâm tâm vẫn nung nấu ý định.

Tháng 5-2017, tình cờ trong một lần trò chuyện với người bạn về ý định của mình, Thêm được sự ủng hộ của bạn và họ cùng nhau chung vốn để làm. Để tiết kiệm chi phí, họ mua vật liệu về, mua máy cắt, máy hàn để tự thiết kế và làm nhà giàn. Hiện nay, Thêm và bạn đang sở hữu 6 dàn rau thủy canh, chủ yếu là rau xà lách và rau cải. Bước đầu sản phẩm được người dân tin tưởng và tiêu thụ nhanh. Trên diện tích 720 m2, vườn rau của anh là một không gian đầy thư giãn với đủ sắc màu tươi xanh, đẹp mắt. Các loại rau cải và các loại xà lách được trồng theo từng ô, từng lứa để ngày nào cũng có rau thu hoạch. Anh cho biết: Rau thủy canh sinh trưởng và phát triển nhanh bởi hấp thụ trực tiếp dưỡng chất tinh chế hòa tan qua dòng thủy lưu, từ khi trồng đến khi thu hoạch chỉ mất khoảng 40-50 ngày. Mỗi tháng anh cung ứng trên 700 kg rau ra thị trường. Hiện nay, bình quân rau xà lánh anh bán ra thị trường có giá khoảng 35.000 đồng/kg, rau cải 25.000 đồng/kg. Theo tính toán, với mỗi ký rau sau khi trừ chi phí, anh lãi trên 50%.

“Thời gian tới, mình sẽ tiếp tục đầu tư mở rộng sản xuất. Bên cạnh đó, mình cũng sẽ liên hệ các đối tác trong và ngoài tỉnh để cung cấp rau. Hy vọng rằng mô hình rau sạch sẽ thành công”-chàng trai mới 23 tuổi này chia sẻ đầy kỳ vọng.

Hà Đức Thành

Có thể bạn quan tâm

Nguyễn Đăng Khang: Nam sinh đa tài

Nguyễn Đăng Khang: Nam sinh đa tài

(GLO)- “Nếu Tin học là chỗ dựa cho phím đàn được thăng hoa thì âm nhạc lại giúp em xua tan đi những căng thẳng sau hàng giờ đắm chìm cùng ngôn ngữ lập trình”-em Nguyễn Đăng Khang (lớp 11C3A, Trường THPT chuyên Hùng Vương) chia sẻ.

Ksor Mác: “Bàn tay vàng” khai thác mủ cao su

Ksor Mác: “Bàn tay vàng” khai thác mủ cao su

(GLO)-

Dù ít tham gia các hội thi, nhưng nhiều công nhân ở Đội sản xuất số 6, Công ty 74, Binh đoàn 15 vẫn thường gọi anh Ksor Mác là "bàn tay vàng" trong đơn vị. Bởi anh không chỉ có kỹ thuật cao trong cạo mủ cao su mà hằng năm anh đều vượt kế hoạch được giao.

Chàng trai dân tộc Cao Lan với 'giấc mơ trà hoa vàng'

Chàng trai dân tộc Cao Lan với 'giấc mơ trà hoa vàng'

Chưa ai ở vùng núi Tuyên Quang từng nghĩ 'rước' chè hoa vàng tự nhiên từ rừng về nhân giống trong vườn nhà. Thế mà chàng trai dân tộc Cao Lan Lương Tiến Trung (thôn Hàm Ếch, xã Thượng Ấm, H.Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang) lại thành công hơn mong đợi từ ý nghĩ táo bạo này.
Cặp đôi gen Z làm kênh hoạt hình Việt

Cặp đôi gen Z làm kênh hoạt hình Việt

Hàng chục tập phim hoạt hình, mỗi tập thu hút hàng triệu lượt xem (views) chỉ sau hơn 1 năm thành lập kênh YouTube là thành quả đáng khích lệ với Phạm Thị Hoàng Hảo (sinh năm 1999) và Đặng Trọng Nhân (sinh năm 2000). 
Thợ lái máy đam mê cải tiến kỹ thuật

Thợ lái máy đam mê cải tiến kỹ thuật

(GLO)- Là thợ lái máy nhưng Thượng úy quân nhân chuyên nghiệp Phạm Văn Hùng (Đại đội 4, Tiểu đoàn 2, Lữ đoàn Công binh 7, Quân đoàn 3) đã có nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật, áp dụng hiệu quả vào công việc của đơn vị và đạt thành tích cao tại các hội thi.
Khấm khá nhờ... rắn độc

Khấm khá nhờ... rắn độc

Nghe tin anh Phan Thanh Bình - ngụ huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng - quyết định nuôi và kinh doanh rắn hổ mang, nhiều người quen biết đã can ngăn vì lo ngại loài này có nọc độc nguy hiểm nhưng anh vẫn thản nhiên.
Nay H’Juh khởi nghiệp từ ẩm thực Jrai

Nay H’Juh khởi nghiệp từ ẩm thực Jrai

(GLO)- Lớn lên bên căn bếp của bà ngoại, chị Nay H’Juh (làng Ốp, phường Hoa Lư, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) yêu vô cùng những món ăn của người Jrai. Năm 30 tuổi, chị mạnh dạn khởi nghiệp từ ẩm thực truyền thống của dân tộc.
“Thủ lĩnh” Đoàn làm kinh tế giỏi

“Thủ lĩnh” Đoàn làm kinh tế giỏi

(GLO)- Với nhiệt huyết tuổi trẻ và tinh thần dám nghĩ dám làm, nhiều “thủ lĩnh” Đoàn ở huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai) đã đầu tư phát triển các mô hình trồng trọt, chăn nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao.