Tống Văn Tư-Mơ làm giàu trên đồng đất quê hương

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Khởi nghiệp không phải một cuộc chơi mà là một hành trình rất vất vả, đòi hỏi lòng đam mê, sự kiên trì và quyết tâm vượt khó đến cùng. Đó là những đúc kết từ thực tế khởi nghiệp của chàng trai 25 tuổi Tống Văn Tư-chủ một trang trại 6 ha trồng cây ăn quả ở thôn Thắng Lợi 4, xã Ia Sol, huyện Phú Thiện.

Qua Israel học cách trồng trọt

Trong một lần về huyện Phú Thiện tìm hiểu mô hình khởi nghiệp của thanh niên, tôi được anh Đinh Văn Vịnh-Bí thư Đoàn xã Ia Sol, dẫn đến tham quan mô hình trang trại của anh Tống Văn Tư. Nhìn trang trại bề thế, gọn gàng và được rào chắn cẩn thận, ít ai nghĩ rằng, chủ của nó là một chàng trai năm nay mới 25 tuổi. Tiếp tôi khi người còn đầm đìa mồ hôi, Tư vui vẻ chia sẻ: Tôi sinh ra và lớn lên ngay tại mảnh đất Phú Thiện này. Khi còn ngồi trên ghế nhà trường, tôi đã thấu hiểu nỗi khổ cực của cha mẹ, suốt ngày bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, chắt chiu từng hạt gạo nuôi tôi ăn học.

 

Anh Tống Văn Tư. Ảnh: H.Đ.T
Anh Tống Văn Tư. Ảnh: H.Đ.T

Chính vì vậy, sau khi tốt nghiệp THPT, tôi đăng ký thi vào ngành Quản lý Đất đai, Khoa Nông Lâm (Trường Đại học Tây Nguyên) với hy vọng sau khi tốt nghiệp sẽ giúp một phần nào cho gia đình trong việc canh tác nông nghiệp.

Sau khi tốt nghiệp đại học, qua các thông tin từ nhà trường và bạn bè, Tư biết Trường Đại học Tây Nguyên chuẩn bị có chương trình trao đổi kiến thức về nông nghiệp với Israel. Đây là đất nước không có “rừng vàng, biển bạc” như Việt Nam nhưng lại có khả năng biến những sa mạc khô cằn thành đất trồng trọt và họ đã phát triển nông nghiệp thành công, làm thay đổi nền nông nghiệp thế giới. Với mong muốn học hỏi những kiến thức hay từ đất nước này, Tư liền nộp đơn dự tuyển. Khi trúng tuyển, anh phải tự túc toàn bộ kinh phí đi lại, ăn ở, học tập. Tư quyết định qua bên ấy sẽ đi làm thêm để kiếm tiền trang trải cho việc học. Trong 10 tháng tu nghiệp tại Israel, lĩnh vực mà anh được học tập và nghiên cứu là nông nghiệp công nghệ cao. Bên cạnh việc học, anh còn đăng ký làm thêm bằng việc nhận chăm sóc các loại cây như ớt, dưa lưới. Công việc này không chỉ giúp Tư có thêm tiền trang trải cho việc học tập còn là điều kiện để anh nắm bắt thêm kiến thức về chăm sóc các loại cây trồng.

Trở thành ông chủ trang trại

Sau 10 tháng học tập ở Israel, Tư trở về nước. Thay vì xin vào làm việc ở một cơ quan nhà nước, Tư quyết định về nhà để thực hiện ước mơ ấp ủ bấy lâu là xây dựng một trang trại trồng cây ăn quả. Một lợi thế mà Tư có  sẵn là nguồn đất đai của cha mẹ. Tuy nhiên, khi bắt tay vào việc, anh  mới thấy được hết khó khăn, đó là nước tưới và nguồn vốn. Tư cũng đã khoan vài giếng nước, đào hồ nhưng vẫn không có nước. Trong khi đó, trồng cây ăn quả thì buộc phải đảm bảo lượng nước tưới cho cây. Suy nghĩ mãi, Tư quyết định bàn với gia đình vay vốn ngân hàng, cộng với nguồn vốn tự có của gia đình đầu tư một đường ống dài 1,7 km kéo nước từ kênh tưới của thủy lợi Ayun Hạ về trang trại của mình. Bên cạnh đó, anh đầu tư xây một hồ chứa nước gần 100 m3 để làm hệ thống tưới nhỏ giọt cho các loại cây trồng.

Khi có nguồn nước ổn định, Tư bắt đầu trồng thử cây đu đủ nhưng hiệu quả không cao. Anh cũng xây chuồng nuôi heo rừng lai nhưng do chưa nắm bắt kỹ thuật về chăn nuôi nên heo bị dịch chết gần hết. Không nản lòng vì thất bại, Tư dành thời gian nghiên cứu vùng đất và các loại cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao. Sau đó, anh quyết định quy hoạch lại diện tích đất của mình, chia ra từng mảnh để canh tác rồi ra Học viện Nông nghiệp Việt Nam mua các loại cây giống về trồng. Đến nay, trên diện tích đất của mình, Tư trồng các loại cây như bưởi da xanh, bưởi Diễn, mít không hạt, xoài Úc, na Thái... mỗi loại 200-300 cây. Với phương châm lấy ngắn nuôi dài, Tư trồng thêm các loại cây ngắn ngày để tăng thu nhập. Để có nguồn phân bón cho cây trồng và đa dạng hóa trang trại của mình, Tư xây chuồng và đầu  tư nuôi bò. Hiện anh đã có 11 con bò sinh sản. Sau hơn 1 năm miệt mài, đến nay, trang trại của Tư đã phát triển tốt, chỉ khoảng 1 năm nữa các loại cây trồng sẽ cho thu bói.

 

Kinh nghiệm khởi nghiệp của Tống Văn Tư:


* Hãy làm việc hết sức mình.
* Muốn thành công phải có sự đam mê.
* Khi quyết định khởi nghiệp thì phải theo đuổi đến cùng.

Chia sẻ với chúng tôi, anh Tống Văn Tư cho rằng, khởi nghiệp trong nông nghiệp có nhiều khó khăn, vất vả. Vì vậy, mỗi bạn trẻ cần có tư duy sáng tạo và mạnh dạn thử nghiệm để tìm cho mình một hướng đi thích hợp. Đa số thanh niên khởi nghiệp bắt đầu bằng quy mô nhỏ, tuy nhiên phải đặt ra tầm nhìn, lộ trình phát triển trong tương lai để vươn lên. “Phải có tư duy mới thì mô hình của mình mới lớn mạnh được”-anh Tư khẳng định.

Hà Đức Thành

Có thể bạn quan tâm

Ksor Mác: “Bàn tay vàng” khai thác mủ cao su

Ksor Mác: “Bàn tay vàng” khai thác mủ cao su

(GLO)-

Dù ít tham gia các hội thi, nhưng nhiều công nhân ở Đội sản xuất số 6, Công ty 74, Binh đoàn 15 vẫn thường gọi anh Ksor Mác là "bàn tay vàng" trong đơn vị. Bởi anh không chỉ có kỹ thuật cao trong cạo mủ cao su mà hằng năm anh đều vượt kế hoạch được giao.

Chàng trai dân tộc Cao Lan với 'giấc mơ trà hoa vàng'

Chàng trai dân tộc Cao Lan với 'giấc mơ trà hoa vàng'

Chưa ai ở vùng núi Tuyên Quang từng nghĩ 'rước' chè hoa vàng tự nhiên từ rừng về nhân giống trong vườn nhà. Thế mà chàng trai dân tộc Cao Lan Lương Tiến Trung (thôn Hàm Ếch, xã Thượng Ấm, H.Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang) lại thành công hơn mong đợi từ ý nghĩ táo bạo này.
Cặp đôi gen Z làm kênh hoạt hình Việt

Cặp đôi gen Z làm kênh hoạt hình Việt

Hàng chục tập phim hoạt hình, mỗi tập thu hút hàng triệu lượt xem (views) chỉ sau hơn 1 năm thành lập kênh YouTube là thành quả đáng khích lệ với Phạm Thị Hoàng Hảo (sinh năm 1999) và Đặng Trọng Nhân (sinh năm 2000). 
Khấm khá nhờ... rắn độc

Khấm khá nhờ... rắn độc

Nghe tin anh Phan Thanh Bình - ngụ huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng - quyết định nuôi và kinh doanh rắn hổ mang, nhiều người quen biết đã can ngăn vì lo ngại loài này có nọc độc nguy hiểm nhưng anh vẫn thản nhiên.
Nay H’Juh khởi nghiệp từ ẩm thực Jrai

Nay H’Juh khởi nghiệp từ ẩm thực Jrai

(GLO)- Lớn lên bên căn bếp của bà ngoại, chị Nay H’Juh (làng Ốp, phường Hoa Lư, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) yêu vô cùng những món ăn của người Jrai. Năm 30 tuổi, chị mạnh dạn khởi nghiệp từ ẩm thực truyền thống của dân tộc.
“Thủ lĩnh” Đoàn làm kinh tế giỏi

“Thủ lĩnh” Đoàn làm kinh tế giỏi

(GLO)- Với nhiệt huyết tuổi trẻ và tinh thần dám nghĩ dám làm, nhiều “thủ lĩnh” Đoàn ở huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai) đã đầu tư phát triển các mô hình trồng trọt, chăn nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Nơi hình thành và chia sẻ ý tưởng khởi nghiệp

Nơi hình thành và chia sẻ ý tưởng khởi nghiệp

(GLO)- Sau khi thành lập, Câu lạc bộ (CLB) Khởi nghiệp trẻ và sáng tạo Pleiku đã tổ chức nhiều hoạt động liên quan đến khởi nghiệp sáng tạo. Tại đây, những ước mơ khởi nghiệp, những ý tưởng kinh doanh đã được chia sẻ một cách cởi mở, sôi nổi.