Chuyện những người trẻ khởi nghiệp ở Gia Lai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Vấn đề khởi nghiệp trong giới trẻ chưa bao giờ lại được quan tâm nhiều như thời gian gần đây. Cùng với sự định hướng, quan tâm của các cấp, các ngành, nhiều thanh niên trên địa bàn tỉnh đã biết nắm bắt cơ hội, khai thác lợi thế của địa phương để khởi nghiệp bằng nhiều hình thức, không chỉ làm giàu cho bản thân mà còn mong muốn cống hiến cho xã hội.

1. Vì đam mê và muốn nối nghề của bố nên sau khi tốt nghiệp Trường Trung cấp Bưu chính Viễn thông, Lê Quốc Việt (SN 1984, ở thị trấn Chư Sê, huyện Chư Sê)  quyết định không xin vào làm ở ngành Viễn thông, một ngành rất “hot” lúc bấy giờ mà ở nhà theo nghề làm dịch vụ quay camera với bố. Là người sáng dạ nên chỉ một thời gian ngắn sau khi được bố truyền nghề, Việt đã đủ sức thay bố đi làm. Nhờ chịu khó học hỏi và có nhiều sáng tạo nên cửa hàng của Việt luôn đông khách, nhất là vào mùa cưới làm không hết việc.

 

Anh Lê Quốc Việt
Anh Lê Quốc Việt

Sau một thời gian làm nghề, Việt suy nghĩ, mình phải làm một cái gì đó khác biệt, chưa ai làm. Qua tìm hiểu trên địa bàn tỉnh và đi học hỏi nhiều nơi, Việt thấy lâu nay ở Gia Lai chưa có ai làm các chương trình quảng bá sản phẩm, giới thiệu về hoạt động cho các đơn vị, doanh nghiệp. Sau một thời gian nung nấu, năm 2015, Việt mạnh dạn thành lập Công ty TNHH một thành viên Truyền thông Phúc Khang do chính anh làm Giám đốc. Thời gian đầu, Công ty của Việt gặp không ít khó khăn do lâu nay các đơn vị trên địa bàn tỉnh chưa quen làm các hoạt động quảng bá, giới thiệu. Bên cạnh đó, Công ty của Việt lại nằm dưới huyện nên các đơn vị ít tin tưởng. Có lần, Việt ký hợp đồng với một doanh nghiệp để giới thiệu về quá trình hoạt động của họ. Sau khi ký hợp đồng, biết đơn vị thực hiện cho mình ở huyện, chủ doanh nghiệp đã tỏ ý không tin tưởng. Tuy nhiên, khi Việt hoàn thành và bàn giao video clip, chủ doanh nghiệp này vô cùng ngạc nhiên vì nội dung và chất lượng quá đạt so với yêu cầu.

Tiếng lành đồn xa, từ đó, Công ty của Việt liên tiếp nhận được  hợp đồng mới. Để nâng cao chất lượng và uy tín của công ty, Việt đã đầu tư máy móc, thiết bị dựng chất lượng. Đặc biệt, Việt là một trong những người đầu tiên của tỉnh đầu tư mua flycam về phục vụ cho công việc. Hiện nay, Công ty Truyền thông của Việt đã có những hợp đồng lớn với khách hàng trong và ngoài tỉnh. Chia sẻ về việc khởi nghiệp của mình, Việt bảo, trước tiên là phải hiểu rõ về khởi nghiệp. Khởi nghiệp phải được hiểu rộng hơn là cách bắt đầu một ngành nghề, một đam mê, khao khát để làm ra một giá trị nào đó cho xã hội. Theo Việt, giá trị cốt lõi của khởi nghiệp không phải là tiền. Có lẽ chính những suy nghĩ chín chắn như vậy đã giúp Việt khởi nghiệp thuận lợi và tìm được hướng phát triển tốt.

2. Năm 1997, sau khi tốt nghiệp THPT, anh Trương Trọng Phục (SN 1979), hiện là Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Cà phê  Vina Nguyên xung phong lên đường thực hiện nghĩa vụ quân sự. Sau 2 năm rèn luyện tại Sư đoàn Bộ binh 2 (Quân khu 5), anh xuất ngũ trở về địa phương. Thời gian này, anh đi làm cho nhiều công ty của nhà nước và tư nhân, trước khi làm phân phối cho Công ty Cà phê  Hiệp Đạt (TP. Hồ Chí Minh). Lúc làm cho công ty này, anh suy nghĩ, tại sao Gia Lai là vùng đất của cà phê mà mình lại đi làm phân phối cho một công ty ngoài tỉnh?

 

Anh Trương Trọng Phục
Anh Trương Trọng Phục

Với suy nghĩ đó, anh xin nghỉ việc để  bắt đầu mày mò nghiên cứu chế biến cà phê. Nhưng khi ra làm riêng anh mới thấy hết những khó khăn, từ vốn, kinh nghiệm chế biến đến thị trường tiêu thụ. Dù gặp rất nhiều khó khăn trong những ngày đầu khởi nghiệp, nhưng với tinh thần của người lính đã được tôi luyện và kinh nghiệm của những năm đi làm thuê, anh không hề nản lòng mà quyết tâm thực hiện mơ ước của mình. Để có vốn, anh mượn giấy tờ đất của gia đình đi vay ngân hàng 300 triệu đồng đầu tư mua máy móc, xây dựng nhà xưởng sản xuất… Thời gian này, xu hướng của thị trường đang nghiêng về sản phẩm cà phê trộn, song với mong muốn tìm cho mình một lối đi riêng là sản xuất cà phê sạch, anh thử nghiệm sản xuất từng ít một rồi  trực tiếp đến các quán cà phê để thuyết phục chủ quán dùng thử. Nhờ chất lượng sản phẩm và hướng đi đúng, thương hiệu cà phê Vina Nguyên dần dần có chỗ  đứng trên thị trường.

Anh Phục tâm sự: Trước khi khởi nghiệp, tôi có thời gian làm việc khá lâu ở nhiều công ty khác nhau nên nỗi sợ hãi cũng giảm đi rất nhiều. Tôi nghĩ, trong bối cảnh hiện nay, doanh nghiệp phải thực sự yêu quý khách hàng, mong muốn đem lại điều tốt nhất cho họ thì mới mong lấy được tình cảm của họ. Chính những suy nghĩ như vậy nên trong một thời gian ngắn, ngoài thị trường trong tỉnh, thương hiệu cà phê Vina Nguyên đã có mặt tại nhiều tỉnh thành như: Hà Nội, Đà Nẵng, Quảng Trị, Bình Định, Kon Tum…

3. Tốt nghiệp Khoa Công nghệ Hóa học Trường Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh, Nguyễn Đình Trí (SN 1991), hiện là Phó Bí thư Đoàn xã Al Bá, huyện Chư Sê quyết định về quê làm việc với mong muốn đóng góp một chút công sức nhỏ của mình cho quê hương. Tuy nhiên, ngành nghề Trí học lại không phù hợp với nhu cầu của địa phương. Vậy là Trí đành ở nhà một năm phụ giúp gia đình làm vườn. Thời gian ấy, đêm nào Trí cũng trằn trọc suy nghĩ là mình phải làm một cái gì đấy cho mình và cho quê hương. Cuối cùng Trí nhận thấy lâu nay trên địa bàn huyện chưa có một trung tâm ngoại ngữ nào để dạy tiếng Anh cho các em học sinh mà các em chủ yếu học thêm ở các thầy cô dạy ở trường. Trí bàn bạc với gia đình ý định của mình nhưng bị gia đình phản đối kịch liệt vì nhận thấy không khả thi ở địa bàn của huyện.

 

Anh Nguyễn Đình Trí
Anh Nguyễn Đình Trí

Tuy nhiên, với suy nghĩ là mình sẽ làm được, Trí tiếp tục  thuyết phục gia đình. Vừa đưa ra những phương án khả quan để gia đình chấp thuận, Trí vừa đến các trung tâm ngoại ngữ ở trong tỉnh và ngoài tỉnh để học tập kinh nghiệm. Tuy nhiên, một khó khăn đến với Trí là Nhà nước quy định muốn mở trung tâm ngoại ngữ phải có giáo viên giảng dạy kinh nghiệm, Giám đốc trung tâm phải có 3 năm giảng dạy ở các trung tâm ngoại ngữ. Rất may cho Trí là khi học đại học, anh có 2 người bạn ở Quảng Ngãi và Bình Phước, hiện là các giáo viên ở các trung tâm ngoại ngữ tại TP. Hồ Chí Minh. Khi Trí ngỏ lời, các bạn anh  đều sẵn sàng lên Chư Sê để giúp. Một mặt lo nhân sự, một mặt Trí tìm thuê địa điểm làm trung tâm. Khi thuê được địa điểm phù hợp, Trí thuyết phục gia đình cho mượn tiền và nhờ gia đình vay thêm ngân hàng (tổng cộng hơn 800 triệu đồng) để đầu tư sửa lại và mua sắm trang-thiết bị dạy học.

Sau khi hoàn thành việc chuẩn bị cơ sở vật chất phục vụ giảng dạy, Trí quyết định thành lập Trung tâm Ngoại ngữ Anh-Việt Mỹ-Evas ở 30A Kpa Klơng, thị trấn Chư Sê, huyện Chư Sê. Ở khóa đầu tiên, Trung tâm chỉ tuyển sinh được 40 em do các phụ huynh chưa tin tưởng. Vì vậy, một mặt Trí cùng các giáo viên thường xuyên gặp gỡ phụ huynh để nghe phản hồi về việc học của con em họ, mặt khác, đội ngũ giáo viên Trung tâm luôn tận tâm, chu đáo với các em học sinh, giảng dạy bằng các phương pháp mới, giáo trình mới nhất theo quy định của Bộ Giáo dục-Đào tạo. Nhờ vậy mà các em tiếp thu rất nhanh, khả năng giao tiếp tốt. Hiện Trung tâm có 4 phòng học, 1 hội trường, 1 thư viện. Các phòng học và phòng chức năng đều đạt chuẩn, có trang-thiết bị đầy đủ. Ngoài những giờ học tại lớp, Trung tâm còn thường xuyên tổ chức các buổi ngoại khóa để các em có điều kiện vui chơi và nâng cao kiến thức, kỹ năng giao tiếp bằng tiếng Anh. Nhờ phương pháp giảng dạy tốt nên các em học sinh tiếp thu nhanh, phụ huynh đánh giá cao, từ 40 học sinh lúc đầu, đến nay, Trung tâm đã có gần 100 em theo học.

Nói về việc trở thành Phó Bí thư  Đoàn xã, Trí bộc bạch đó là sự tình cờ. Do khi học đại học, Trí tham gia nhiều hoạt động của Đoàn, Hội nên có kinh nghiệm và kỹ năng tổ chức các hoạt động. Vậy nên dịp Trung thu năm 2016, Trí đứng ra tổ chức các hoạt động cho thiếu nhi ở địa bàn. Thấy cách tổ chức quá tốt, lãnh đạo Đảng ủy xã Al Bá liền gợi ý Trí về làm Phó Bí thư Đoàn xã, kiêm cán bộ tổ chức Đảng ủy xã. Ở cương vị mới này, Trí đã cùng Ban Chấp hành Đoàn xã xây dựng nhiều kế hoạch thiết thực tạo điều kiện cho đoàn viên thanh niên trong xã tham gia phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống và vươn lên làm giàu.

Hà Đức Thành

Có thể bạn quan tâm

Ksor Mác: “Bàn tay vàng” khai thác mủ cao su

Ksor Mác: “Bàn tay vàng” khai thác mủ cao su

(GLO)-

Dù ít tham gia các hội thi, nhưng nhiều công nhân ở Đội sản xuất số 6, Công ty 74, Binh đoàn 15 vẫn thường gọi anh Ksor Mác là "bàn tay vàng" trong đơn vị. Bởi anh không chỉ có kỹ thuật cao trong cạo mủ cao su mà hằng năm anh đều vượt kế hoạch được giao.

Chàng trai dân tộc Cao Lan với 'giấc mơ trà hoa vàng'

Chàng trai dân tộc Cao Lan với 'giấc mơ trà hoa vàng'

Chưa ai ở vùng núi Tuyên Quang từng nghĩ 'rước' chè hoa vàng tự nhiên từ rừng về nhân giống trong vườn nhà. Thế mà chàng trai dân tộc Cao Lan Lương Tiến Trung (thôn Hàm Ếch, xã Thượng Ấm, H.Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang) lại thành công hơn mong đợi từ ý nghĩ táo bạo này.
Cặp đôi gen Z làm kênh hoạt hình Việt

Cặp đôi gen Z làm kênh hoạt hình Việt

Hàng chục tập phim hoạt hình, mỗi tập thu hút hàng triệu lượt xem (views) chỉ sau hơn 1 năm thành lập kênh YouTube là thành quả đáng khích lệ với Phạm Thị Hoàng Hảo (sinh năm 1999) và Đặng Trọng Nhân (sinh năm 2000). 
Khấm khá nhờ... rắn độc

Khấm khá nhờ... rắn độc

Nghe tin anh Phan Thanh Bình - ngụ huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng - quyết định nuôi và kinh doanh rắn hổ mang, nhiều người quen biết đã can ngăn vì lo ngại loài này có nọc độc nguy hiểm nhưng anh vẫn thản nhiên.
Nay H’Juh khởi nghiệp từ ẩm thực Jrai

Nay H’Juh khởi nghiệp từ ẩm thực Jrai

(GLO)- Lớn lên bên căn bếp của bà ngoại, chị Nay H’Juh (làng Ốp, phường Hoa Lư, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) yêu vô cùng những món ăn của người Jrai. Năm 30 tuổi, chị mạnh dạn khởi nghiệp từ ẩm thực truyền thống của dân tộc.
“Thủ lĩnh” Đoàn làm kinh tế giỏi

“Thủ lĩnh” Đoàn làm kinh tế giỏi

(GLO)- Với nhiệt huyết tuổi trẻ và tinh thần dám nghĩ dám làm, nhiều “thủ lĩnh” Đoàn ở huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai) đã đầu tư phát triển các mô hình trồng trọt, chăn nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Nơi hình thành và chia sẻ ý tưởng khởi nghiệp

Nơi hình thành và chia sẻ ý tưởng khởi nghiệp

(GLO)- Sau khi thành lập, Câu lạc bộ (CLB) Khởi nghiệp trẻ và sáng tạo Pleiku đã tổ chức nhiều hoạt động liên quan đến khởi nghiệp sáng tạo. Tại đây, những ước mơ khởi nghiệp, những ý tưởng kinh doanh đã được chia sẻ một cách cởi mở, sôi nổi.