'Dạy đạo đức cho tài xế để giảm bớt tai nạn giao thông'

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Trên là ý kiến đóng góp của anh Nguyễn Văn Vũ Minh, Bí thư Tỉnh đoàn Đồng Tháp tại Hội nghị do T.Ư Đoàn tổ chức diễn ra tại huyện đảo Phú Quốc (Kiên Giang) vào ngày 16.7.
Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn Lê Quốc Phong nêu ý kiến kết luận tại hội nghị
Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn Lê Quốc Phong nêu ý kiến kết luận tại hội nghị
Hội nghị Ban thường vụ T.Ư Đoàn lần thứ 4, khóa 11 diễn ra tại huyện đảo Phú Quốc (Kiên Giang) vào ngày 16.7, dưới sự chủ trì của Ủy viên dự khuyết T.Ư Đảng, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn Lê Quốc Phong và Bí thư Thường trực T.Ư Đoàn Nguyễn Anh Tuấn.
“Điểm nóng” tai nạn giao thông ở các tuyến đường nông thôn
Theo báo cáo của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, trung bình mỗi ngày ở Việt Nam có khoảng 24 người chết vì tai nạn giao thông và gần gấp 3 lần số đó mang thương tích. Trong đó, tai nạn giao thông liên quan đến xe máy chiếm khoảng 70%. Trong năm 2017, cả nước có 20.080 vụ tai nạn giao thông, làm chết 8.279 người.
Đóng góp ý kiến cho đề án này, anh Nguyễn Văn Vũ Minh, Bí thư Tỉnh đoàn Đồng Tháp nêu thực trạng: “Hiện nay, các tuyến đường giao thông nông thôn được nhà nước đầu tư làm mới rất đẹp. Chính vì vậy, thanh niên chạy xe rất ẩu dẫn đến tại nạn giao thông ở khu vực nông thôn được xem là 'điểm nóng' không thua kém gì trên các tuyến quốc lộ nhưng lực lượng chức năng dường như chưa chú ý”.
Từ thực tế đó, anh Minh đưa ra giải pháp: “Đoàn cần có những chương trình truyền thông cho thanh niên nông thôn về an toàn giao thông ở nhiều hình thức và cách tiếp cận thật gần gũi. Một thực tế nữa cần được quan tâm là các tài xế ô tô, xe tải, xe khách đường dài lâu nay chúng ta chỉ trang bị cho họ về kỹ thuật lái xe an toàn thông qua các lớp học cấp giấy phép lái xe chứ chưa quan tâm dạy các vấn đề liên quan đến đạo đức cho người tài xế để họ có ý thức hơn trong việc lưu thông trên đường nhằm giảm bớt tai nạn giao thông. Theo tôi, vấn đề này cần được quan tâm nhiều hơn, làm sao cho người tài xế nhận thức được những hậu quả khi gây ra tai nạn giao thông là vấn đề cực kỳ nghiêm trọng. Để làm được điều này, cần có những diễn đàn, chương trình giáo dục, truyền thông đạo đức nhằm nâng cao nhận thức cho cánh tài xế và thanh niên nông thôn nhiều hơn”.
Quang cảnh hội nghị
Quang cảnh hội nghị
Cũng đóng góp vào nội dung này, anh Phạm Hồng Sơn, Bí thư Thành đoàn TP.HCM nói: “Lâu nay chúng ta làm nhiều đến tuyên truyền về vấn đề an toàn giao thông cho thanh niên nhưng trên thực tế để công tác tuyên truyền mang lại hiệu quả về lâu dài tôi nghĩ chúng ta nên tuyên truyền cho học sinh ở bậc mầm non, tiểu học về vấn đề này nhiều hơn. T.Ư Đoàn nên nương vào các chương trình tuyên truyền an toàn giao thông của Bộ GD-ĐT đang làm trong các hệ thống học đường để thay đổi nhận thức căn bản và có kết quả lâu dài cho thế hệ trẻ trong tương lai về an toàn giao thông”.
4 triệu lượt thanh thiếu niên được tiếp cận đề án tiếng Anh
Với đề án “Nâng cao năng lực tiếng Anh cho thanh thiếu niên Việt Nam giai đoạn 2018 - 2022”, nhiều đại biểu cho rằng đây là đề án rất quan trọng và cần thiết, bởi Việt Nam cần xây dựng nguồn nhân lực trẻ có trình độ, năng lực, bản lĩnh, kỹ năng, trong đó năng lực ngoại ngữ nói chung và năng lực tiếng Anh nói riêng được coi là một trong những yêu cầu cơ bản đối với thanh niên thời đại mới.
Bí thư thường trực T.Ư Đoàn Nguyễn Anh Tuấn cho biết: “Đề án đặt ra mục tiêu đến năm 2022, ít nhất 4.000.000 lượt thanh thiếu niên Việt Nam được tham gia các hoạt động của đề án Nâng cao năng lực tiếng Anh; các tỉnh thành đoàn và đoàn trực thuộc hằng năm có ít nhất 1 hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức về học và sử dụng tiếng Anh cho thanh thiếu niên; tất cả Đoàn, Hội sinh viên các trường ĐH-CĐ, TCCN có CLB tiếng Anh”.
Theo anh Nguyễn Hải Minh, Trưởng ban quốc tế T.Ư Đoàn, một số nguyên nhân dẫn đến hạn chế trong năng lực tiếng Anh của thanh thiếu niên Việt Nam như: Thiếu môi trường để thực hành tiếng Anh; thiếu sự chủ động, quyết tâm, kiên trì trong việc học và thực hành tiếng Anh; nhận thức chưa đầy đủ về tầm quan trọng của tiếng Anh...
Để học và sử dụng tiếng Anh thành thạo đòi hỏi sự chăm chỉ, kiên trì và bền bỉ. Tuy nhiên, anh Minh chỉ ra những tồn tại: “Do môi trường học tập, làm việc, giao tiếp hằng ngày của phần lớn thanh niên Việt Nam rất ít khi có điều kiện sử dụng tiếng Anh, dẫn đến khả năng giao tiếp tiếng Anh ở mức thấp. Bên cạnh đó, có một bộ phận học sinh, sinh viên coi tiếng Anh chỉ là một môn học bổ trợ, chỉ đến khi chuẩn bị thi tốt nghiệp, thi đại học hoặc xét tốt nghiệp, đại học thì mới bắt đầu chú trọng vào học tiếng Anh. Thanh niên nông thôn, công nhân, viên chức... trừ những người cần trực tiếp sử dụng tiếng Anh trong công việc của mình, hầu hết cũng đều nhận thức chưa đầy đủ về tầm quan trọng của tiếng Anh”.
Đại biểu đóng góp ý kiến
Đại biểu đóng góp ý kiến
Để đề án có khả thi, anh Nguyễn Minh Triết, Phó chủ tịch Thường trực T.Ư Hội Sinh viên Việt Nam đưa ra một số giải pháp: “Phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức các hội thảo, diễn đàn, giao lưu với các học giả, chuyên gia Việt Nam và nước ngoài có kinh nghiệm học tiếng Anh để trao đổi, truyền đạt về các phương pháp, kinh nghiệm học và thực hành tiếng Anh hiệu quả cho thanh thiếu niên. Bên cạnh đó là sưu tầm, giới thiệu các tài liệu bổ trợ, hướng dẫn thanh thiếu niên học tập nâng cao trình độ tiếng Anh, đặc biệt là những hình thức học tập trực tuyến, phát huy tính sáng tạo trong việc học và việc thực hành tiếng Anh. Ngoài ra, cần phát huy phiên bản tiếng Anh của website T.Ư Đoàn; xây dựng website, fanpage, các ấn phẩm thông tin, báo chí của các cấp bộ Đoàn, Hội sử dụng song ngữ Việt-Anh. Đặc biệt, Đoàn cần có các giải thưởng, hình thức tuyên dương đối với các CLB tiếng Anh có thành tích hoạt động xuất sắc”.
Chốt lại những ý kiến đóng góp cho đề án này, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn Lê Quốc Phong, cho rằng: “Đây là đề án rất khó nhưng chúng ta phải làm vì đề án đã được Đại hội Đoàn lần thứ 11 thông qua. Theo tôi, chúng ta nên tận dụng nguồn lực, thế mạnh mà chúng ta có thể tiếp cận được để phát huy cho đề án này tốt hơn, đó là những giáo viên, giảng viên trẻ đã từng và đang giảng dạy tiếng Anh. Tận dụng các không gian thuộc tổ chức Đoàn-Hội như: Nhà thiếu nhi, nhà văn hóa thanh niên, nhà văn hóa sinh viên để thu hút bạn trẻ tham gia trải nghiệm, sinh hoạt, thực hành tiếng Anh miễn phí thông qua các hình thức tiếp cận tiếng Anh một cách đa dạng. Ban Quốc tế T.Ư Đoàn cần xây dựng bộ công cụ tiếng Anh đẩy lên các trang thông tin điện tử để giúp các tỉnh, thành Đoàn tiếp cận dễ dàng”.
Lê Thanh (Thanhniên)

Có thể bạn quan tâm

Thợ lái máy đam mê cải tiến kỹ thuật

Thợ lái máy đam mê cải tiến kỹ thuật

(GLO)- Là thợ lái máy nhưng Thượng úy quân nhân chuyên nghiệp Phạm Văn Hùng (Đại đội 4, Tiểu đoàn 2, Lữ đoàn Công binh 7, Quân đoàn 3) đã có nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật, áp dụng hiệu quả vào công việc của đơn vị và đạt thành tích cao tại các hội thi.