Vào hè, tai nạn rình rập trẻ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Dù chỉ bước vào thời gian nghỉ hè được hơn 1 tuần, nhưng ghi nhận tại các bệnh viện (BV) cho thấy đã có nhiều bệnh nhi bị tai nạn thương tích đáng tiếc. Phần lớn các trường hợp xuất phát từ sự thiếu quan tâm và bất cẩn của các bậc phụ huynh. Tai nạn thương tích không chỉ gây ra tử vong cho trẻ mà còn để lại hậu quả nặng nề như thương tật vĩnh viễn không thể đi học, đi làm, trở thành gánh nặng cho xã hội.

 
Bác sĩ đang chăm sóc và điều trị cho bệnh nhi uống nhầm hóa chất tại Bệnh viện Nhi đồng 1
Bác sĩ đang chăm sóc và điều trị cho bệnh nhi uống nhầm hóa chất tại Bệnh viện Nhi đồng 1



Gia tăng tai nạn rình rập

Tại BV Nhi đồng 2 (TPHCM), những ngày qua bắt đầu có dấu hiệu gia tăng các trẻ bị tai nạn thương tích nhập viện, với bình quân 5 - 6 trường hợp/ngày. Trong đó có những trường hợp trẻ gặp tai nạn khá hy hữu, do phụ huynh thiếu quan sát, không can thiệp kịp thời như: bỏng nước sôi, bỏng gas, hóc đồng xu, ngộ độc thuốc, té cầu thang, uống nhầm hóa chất…

Điển hình như trường hợp bé gái tên N.N.K.Th (15 tháng tuổi, ngụ tỉnh Gia Lai) vừa nhập viện trong tình trạng bỏng lửa độ 2-3 với hơn 40% diện tích cơ thể. Tình trạng bỏng của em khá nặng, diện tích bỏng lớn, bỏng vùng đầu mặt, 2 tay và vùng cổ, ngực. Theo gia đình, trong lúc người nhà vừa bế bé vừa nấu ăn thì bếp gas bị rò rỉ khí gas gây cháy.

Một trường hợp bệnh nhi khác mà BV Nhi đồng 2 tiếp nhận từ BV Đa khoa tỉnh Đồng Nai là một bé gái bị đứt lìa cánh tay do em chơi trốn tìm cùng bạn ngã vào máy cưa. Do thương tích quá nặng và phức tạp nên BV không thể tiến hành ghép nối được. Bệnh nhi sau đó được cắt lọc và làm mỏm cụt. Tuy tình trạng sức khỏe ổn định nhưng cả gia đình và bản thân em sẽ phải đối diện với một vấn đề tâm lý lớn khi cánh tay trái không còn nữa. Trước đó, BV Nhi đồng Thành phố đã phẫu thuật mổ cấp cứu cho một bé gái 4 tuổi ngụ tỉnh Vĩnh Long bị bút bi đâm xuyên ngực do bị té ngã.

Theo thống kê của Bộ Y tế trong năm 2017, trung bình mỗi ngày có khoảng 580 trẻ em bị tai nạn, thương tích, chủ yếu là tai nạn giao thông, đuối nước, ngã, điện giật, bỏng... và mỗi ngày cũng có hàng chục gia đình chịu mất mát, đau thương vì sự ra đi của con em họ do tai nạn, thương tích. Còn ở TPHCM, thống kê của Sở Y tế TP cho biết, mỗi năm tai nạn thương tích cướp đi sinh mạng khoảng 250 - 300 trẻ em trong độ tuổi từ 1 - 14. Trong đó có nhiều tai nạn đau lòng chỉ vì một phút thiếu quan tâm của người nhà. Đặc biệt, mùa hè thường là thời điểm hầu hết trẻ ở nhà chơi, người lớn đi làm nên những trường hợp té nước, điện giật, phỏng… càng xảy ra phổ biến hơn.

Học cách bảo vệ trẻ

Bác sĩ Đào Trung Hiếu, Phó Giám đốc BV Nhi đồng 1, cho rằng nếu mỗi bậc cha mẹ có ý thức tìm hiểu các kiến thức cơ bản về phòng tránh nguy hiểm cho trẻ thì sẽ bớt đi những tai nạn đau lòng. Bên cạnh việc tạo ra một không gian chơi đùa an toàn cho trẻ, nhất là với trẻ nhỏ dưới 6 tuổi, thì người lớn cũng nên tập cho trẻ làm quen với việc ứng phó với tai nạn để trẻ có thể tự bảo vệ mình trước những nguy hiểm. “Dịp hè, cha mẹ cần thu xếp để có người lớn trông nom trẻ. Mặt khác, bố trí các vật dụng trong nhà sao cho hợp lý, khoa học nhằm hạn chế hiểm họa cho trẻ”, bác sĩ Đào Trung Hiếu khuyến cáo.

Cục Quản lý môi trường (Bộ Y tế) mới đây cũng đã có hướng dẫn cách phòng chống tai nạn thương tích trẻ em. Trong đó chú trọng các biện pháp truyền thông giáo dục nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng và huy động xã hội.

 


Nhiều chuyên gia y tế cho biết, ở lứa tuổi từ 2 -12, trẻ rất hiếu động, khả năng tự bảo vệ bản thân trước những mối nguy hiểm của trẻ gần như chưa được hình thành. Khoảng 70% các ca tử vong, 57% số ca bị thương của của trẻ dưới 2 tuổi có thể phòng chống được và các bậc cha mẹ đóng vai trò quan trọng trong việc này.

Cụ thể, đối với trẻ dưới 1 tuổi nên lồng ghép tư vấn về an toàn vào trong các chương trình chăm sóc trước sinh cho các cặp cha mẹ để họ sẵn sàng các kiến thức cũng như chuẩn bị ngôi nhà an toàn cho đứa trẻ trước khi chào đời. Phòng nguy cơ trẻ có thể bị ngạt khi ngủ, khi ăn uống cũng như khi tắm, chơi các đồ chơi không an toàn. Trẻ có thể bị ngã do trơn trượt hay ngã từ trên cao xuống, vì vậy cần phải chống trơn trượt trong nhà, trong buồng tắm, sử dụng các tấm chắn cầu thang; loại bỏ các nguyên nhân gây bỏng cho trẻ như ngăn cách trẻ khỏi khu vực nấu ăn, để nước sôi, thức ăn mới nấu, bàn ủi đang nóng, bật lửa, ga, xăng, cồn đèn, chai lọ đựng hóa chất tẩy rửa, acid.

Đối với trẻ 1-4 tuổi, thường xảy ra tai nạn đuối nước, ngã, bỏng, ngộ độc, chấn thương do vật sắc nhọn, vì vậy, cần có rào chắn xung quanh ao, hồ, chum vại; giám sát trẻ khi tắm trong bồn, bể bơi để phòng ngừa đuối nước. Đối với trẻ từ 5-14 tuổi, cần dạy trẻ kỹ năng an toàn khi tiếp xúc với nước, dạy bơi cho trẻ và những kỹ năng an toàn, sơ cấp cứu cơ bản. Cung cấp cho trẻ kiến thức và kỹ năng đi bộ và đi xe đạp an toàn. Giáo dục trẻ cách chăm sóc động vật và tự vệ đối với động vật để tránh bị động vật cắn, tấn công...

Thành An (sggp)

Có thể bạn quan tâm

Bồi đắp lòng tự hào dân tộc cho thiếu niên, nhi đồng

Bồi đắp lòng tự hào dân tộc cho thiếu niên, nhi đồng

(GLO)- Nhằm bồi đắp lòng tự hào dân tộc, tình yêu với Đội TNTP Hồ Chí Minh cho thiếu niên, nhi đồng, từ ngày 19 đến 21-4, tại Nhà Thiếu nhi TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai), Thành Đoàn phối hợp với Phòng GD và ĐT TP. Pleiku tổ chức hội thi tuyên truyền ca khúc măng non với chủ đề “Giai điệu tự hào”.