Đòn bẩy của giáo dục mầm non, tiểu học

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Với mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục cho trẻ em dân tộc thiểu số, dự án “Phát triển trẻ thơ” đã có tác động tích cực đến hơn 160 ngàn trẻ em, hơn 10 ngàn giáo viên và gần 200 ngàn phụ huynh trên địa bàn tỉnh.

Theo thống kê, 90% phụ huynh người dân tộc thiểu số đã chủ động giao tiếp với trẻ 0-3 tuổi, tỷ lệ trẻ học mầm non tăng từ 65% (năm 2012) lên 98% (năm 2018)... Đó là những kết quả đáng ghi nhận từ dự án “Phát triển trẻ thơ”. 

 

Học sinh Trường Mầm non Hoa Hồng (huyện Kông Chro) hào hứng chụp hình tại góc trưng bày văn hóa địa phương. Ảnh: N.G
Học sinh Trường Mầm non Hoa Hồng (huyện Kông Chro) hào hứng chụp hình tại góc trưng bày văn hóa địa phương. Ảnh: N.G

Lấy trẻ làm trung tâm

Tháng 6-2012, dự án “Phát triển trẻ thơ” được triển khai tại 19 trường mầm non và tiểu học trên địa bàn tỉnh dựa trên 4 nền tảng giáo dục lấy trẻ làm trung tâm gồm: cải thiện điều kiện phát triển của trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ 0-3 tuổi, thông qua hỗ trợ nâng cao dựa vào cộng đồng và các sáng kiến phát triển trẻ thơ tạo vùng dự án; đảm bảo tất cả trẻ em 3-5 tuổi tiếp cận các cơ hội học tập có chất lượng và phù hợp với văn hóa bản địa thông qua chương trình hỗ trợ các em sẵn sàng tới trường; cải thiện quá trình chuyển tiếp từ mầm non lên tiểu học cho trẻ em dân tộc thiểu số từ 6-8 tuổi thông qua môi trường học tập khuyến khích sự phát triển và phương pháp dạy học tích cực, phù hợp; đưa phát triển trẻ thơ vào chính sách giáo dục-đào tạo hiệu quả, xây dựng trên minh chứng từ thực tế, phối hợp đa ngành và toàn diện.

Với mục tiêu lấy trẻ làm trung tâm, dự án “Phát triển trẻ thơ” đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, làm đồ dùng học tập, cung cấp trang-thiết bị dạy học hiện đại, phù hợp cho các đơn vị trong vùng dự án. Không những thế, công tác tập huấn nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ quản lý và giáo viên đứng lớp cũng được quan tâm. Là một trong những trường có điều kiện khó khăn nhất trong vùng dự án với 95% là học sinh dân tộc thiểu số, Trường Mẫu giáo Krong (xã Krong, huyện Kbang) đã được thụ hưởng nhiều lợi ích từ dự án. Cô giáo Đỗ Thị Tân cho biết: “Không chỉ điểm trường chính được trang bị hàng loạt bộ đồ chơi liên hoàn ngoài trời, các điểm trường lẻ cũng được đầu tư từ sân trường tới lớp học. Điều đó khiến trẻ yêu thích đến trường bởi có nhiều cơ hội được vui chơi. Giáo viên còn thường xuyên được tham gia các lớp tập huấn nâng cao nghiệp vụ về việc giáo dục lấy trẻ làm trung tâm, được hướng dẫn cách tạo môi trường học tập cho trẻ”.

“Ngoài ra, với việc phối hợp với cộng đồng làng, xã, dự án đã góp phần nâng cao ý thức cộng đồng vùng dân tộc thiểu số trong việc cải thiện, xây dựng cảnh quan, hạn chế nguy cơ gây mất an toàn cho trẻ. Dự án cũng hỗ trợ các bà mẹ vùng dân tộc thiểu số chăm sóc con cái khoa học ngay từ khi còn trong bụng mẹ, ưu tiên dinh dưỡng cho trẻ 0-8 tuổi, giúp trẻ phát triển toàn diện về thể chất, góp phần nâng cao hiệu quả phương pháp giáo dục lấy trẻ làm trung tâm”-Phó Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Nữ Thu Hà đánh giá.

Tác động tích cực

Tỷ lệ trẻ học mầm non tăng từ 65% (năm 2012) lên 98% (năm 2018) có thể coi là một minh chứng cho hiệu quả mà dự án “Phát triển trẻ thơ” mang lại. Môi trường giáo dục, phương pháp dạy học thay đổi đã nâng cao chất lượng giáo dục mầm non, tạo niềm tin trong cộng đồng, thu hút trẻ đến trường. Ý thức của phụ huynh vùng dân tộc thiểu số được nâng lên, góp phần huy động trẻ ra lớp. Chị Trà Mỹ Dân, phụ huynh học sinh Trường Mầm non Hoa Hồng (xã Kông Yang, huyện Kông Chro) cho biết: “Những năm gần đây, tôi thấy nhà trường có rất nhiều thay đổi từ cảnh quan sân trường đến lớp học. Phương pháp dạy của giáo viên thân thiện hơn với trẻ, chế độ học bán trú cho trẻ được nâng lên nên chúng tôi rất tin tưởng khi gửi con từ năm cháu 3 tuổi. Các cháu thích thú tự nguyện đến trường chứ không cần bố mẹ thúc giục”. Đặc biệt, tại xã Tú An (thị xã An Khê), số lượng trẻ 3-4 tuổi được đi học đã tăng từ 26,41% (năm 2012) lên 99% (năm 2018).

Ngoài ra, phương pháp dạy học hợp tác mà dự án “Phát triển trẻ thơ” triển khai đã tác động rất tích cực đến giáo viên và học sinh ở cả bậc mầm non và tiểu học. Cô giáo Nguyễn Thị Thanh Nguyên (Trường Tiểu học Lê Văn Tám, thị xã An Khê) bày tỏ: “Trước khi tiếp cận phương pháp dạy học hợp tác, tôi thường cho học sinh làm bài tập cá nhân vào vở. Những năm gần đây, tôi mạnh dạn thay đổi phương pháp và tổ chức dạy học theo nhóm như dự án “Phát triển trẻ thơ” đã triển khai.  Phương pháp học này giúp kích thích ham mê học tập, tránh lối học thụ động, giúp rèn kỹ năng làm việc nhóm, nâng cao tinh thần đoàn kết trong học sinh”.

 

Dự án “Phát triển trẻ thơ” được triển khai từ năm 2012 và sẽ kết thúc vào tháng 10-2018. Dự án do Chính phủ New Zealand tài trợ, tổ chức Plan International Việt Nam phối hợp cùng Sở Giáo dục và Đào tạo và Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh thực hiện. Dự án được triển khai tại các huyện: Đak Pơ, Kông Chro, Kbang và thị xã An Khê, đồng thời hỗ trợ nhân rộng mô hình trên toàn tỉnh.

Ngoài ra, hàng loạt thư viện thân thiện ra đời ngay tại khuôn viên trường học, lớp học tại các trường cũng là kết quả từ dự án. Bà Wendy Matthews-Đại sứ New Zealand tại Việt Nam-đánh giá rất cao những tác động tích cực của dự án “Phát triển trẻ thơ” khi trực tiếp đến thăm một số địa phương trong vùng dự án. Bà phát biểu : “Tôi rất tự hào khi tận mắt chứng kiến những cải thiện thực chất từ sự phối hợp giữa các bên mang tới cho trẻ em tại Gia Lai. 90% phụ huynh người dân tộc thiểu số đã chủ động giao tiếp với trẻ 0-3 tuổi, tỷ lệ trẻ học mầm non tăng cao. Kết quả học tập các môn Toán, Tiếng Việt của học sinh tiểu học trong độ tuổi 6-7 được cải thiện rõ rệt thông qua các số liệu so sánh. Quan trọng  hơn,  môi trường giáo dục tại các địa phương trong vùng dự án thay đổi tích cực, chứng tỏ dự án phát huy hiệu quả rất tốt”.

Nguyễn Giang

Có thể bạn quan tâm

Bồi đắp lòng tự hào dân tộc cho thiếu niên, nhi đồng

Bồi đắp lòng tự hào dân tộc cho thiếu niên, nhi đồng

(GLO)- Nhằm bồi đắp lòng tự hào dân tộc, tình yêu với Đội TNTP Hồ Chí Minh cho thiếu niên, nhi đồng, từ ngày 19 đến 21-4, tại Nhà Thiếu nhi TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai), Thành Đoàn phối hợp với Phòng GD và ĐT TP. Pleiku tổ chức hội thi tuyên truyền ca khúc măng non với chủ đề “Giai điệu tự hào”.