Sử dụng mạng xã hội một cách thông minh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Đến nay, hiệu quả lẫn tác động tiêu cực của mạng xã hội đã được người dùng ý thức được sau thời gian dài sử dụng. Việc dành thời gian nhiều hay ít, khai thác tiện ích của mạng xã hội như thế nào tùy vào nhu cầu, quan điểm cá nhân người dùng. Nhiều người đã biến mạng xã hội thành công cụ hữu hiệu, giúp ích cho công việc và cuộc sống.

Khai thác tối đa tiện ích của mạng xã hội

Bắt đầu sử dụng mạng xã hội từ năm 2009 và đến nay có gần 5.000 bạn bè trên trang facebook cá nhân, chị Ngô Anh Thy (đường Trần Phú, TP. Pleiku) cho biết, đây không chỉ là nơi để chị chia sẻ, kết nối thông tin với gia đình, bạn bè mà còn là công cụ hỗ trợ đắc lực trong công việc. Hiện tại, chị Thy làm nhiều công việc cùng lúc, vừa là quản lý nhà hàng, vừa là nhà phân phối mỹ phẩm, vừa kinh doanh online.

 

Em Phạm Ngọc Thiện (giữa) đã thành công với ý tưởng xây dựng phần mềm học và ôn thi Tiếng Anh trên facebook.                                                                                                                   Ảnh: Bảo Lam
Em Phạm Ngọc Thiện (giữa) đã thành công với ý tưởng xây dựng phần mềm học và ôn thi Tiếng Anh trên facebook. Ảnh: Bảo Lam

Nếu không có facebook hỗ trợ, chị sẽ khó hoàn thành khối lượng lớn công việc lẫn tìm kiếm khách hàng. “Sử dụng mạng xã hội sẽ khó tránh khỏi việc bị tag vào những thông tin tiêu cực, không lành mạnh. Song người dùng buộc phải chấp nhận 2 mặt tích cực lẫn hạn chế của công cụ này, chủ yếu là bản thân xác định rõ mục đích sử dụng, hướng vào những tiện ích mà mạng xã hội mang lại để biến nó thành cánh tay đắc lực cho mình trong công việc, cuộc sống”-chị Thy cho biết.

Anh Phạm Trung (TP. Pleiku) đồng quan điểm khi cho rằng, mạng xã hội có tính 2 mặt nhưng lợi sẽ nhiều hơn hại nếu sử dụng đúng cách. Anh cho biết, gia đình anh có nhiều người thân sinh sống và làm việc ở nước ngoài, mạng xã hội là phương tiện liên lạc chủ yếu để kết nối mọi người. “Các thành viên đi đâu, làm gì cũng hay livestream hoặc chụp ảnh đăng facebook để cả gia đình biết được cuộc sống thường ngày của nhau, từ sức khỏe đến chuyện học hành, công việc… Điều đó thật tuyệt vời vì dù ở cách xa nhau về địa lý nhưng đại gia đình luôn cảm thấy gần gũi. Bên cạnh đó, facebook còn hỗ trợ gọi video call miễn phí nên mọi người cũng liên lạc với nhau thường xuyên hơn. Nếu không có mạng xã hội thì rất khó làm được điều này”-anh Trung chia sẻ.

Anh Trung cũng là người khởi xướng nhiều hoạt động thiện nguyện, kết nối những bạn trẻ ở Phố núi cùng hướng về người nghèo, bệnh nhân phong ở một số địa phương. Anh cho biết thêm, chính mạng xã hội đã giúp anh kết nối được nhiều tấm lòng thiện nguyện ở khắp mọi nơi một cách dễ dàng, nhanh chóng, giúp hoạt động này ở Gia Lai trở nên rộng khắp; nhiều thông tin về những hoàn cảnh khó khăn, những trường hợp bệnh tật không có điều kiện chữa trị vừa loan đi đã lập tức được chia sẻ và nhận được sự giúp đỡ.

“Nên chia sẻ những thông tin truyền cảm hứng”

Tính 2 mặt của mạng xã hội đã được cảnh báo và người dùng cũng ít nhiều ý thức được điều này. Cô giáo Võ Thị Sinh Thái (đường Lê Thánh Tôn, TP. Pleiku) cho biết, cô bắt đầu sử dụng mạng xã hội từ năm 2011 nhưng phải 3 năm sau mới dành nhiều thời gian hơn cho các hoạt động trên mạng khi nhận ra công cụ này có những mặt tích cực. Cô Thái cũng nêu quan điểm cá nhân của một người dùng facebook lớn tuổi, đó là trước một lượng lớn thông tin tích cực lẫn tiêu cực lan truyền rất nhanh trên mạng xã hội vốn rất khó kiểm chứng, người dùng phải biết chọn lọc, nhìn nhận sự việc theo hướng tích cực. Bản thân cô chỉ chia sẻ những thông tin mang tính nhân văn, chuyển tải những thông điệp hay, truyền cảm hứng sống tích cực; tránh xa những tin tức tiêu cực, đặc biệt là không “bình loạn” để ảnh hưởng xấu đến cảm xúc của bản thân lẫn bạn bè.

Tuy nhiên, không phải người dùng nào cũng ý thức được điều này, nhất là đối với lứa tuổi học sinh. Anh Nguyễn Văn Thuận-Bí thư Đoàn Trường THPT Pleiku, cho biết, năm ngoái giữa học sinh trong trường và học sinh một trường khác trên địa bàn thành phố đã xảy ra một cuộc “khẩu chiến” trên mạng xã hội chỉ vì một lời khích bác. Sau sự việc trên, trong nhiều buổi sinh hoạt, chào cờ, nhà trường đã quán triệt cho học sinh những quy tắc ứng xử trên mạng xã hội sao cho phù hợp, văn minh.

Theo thống kê của các trường THPT trên địa bàn tỉnh, hiện có tới 90% học sinh sử dụng mạng xã hội. Cũng như Đoàn Trường THPT Pleiku, các trường đã có sự nhắc nhở, quán triệt học sinh cách sử dụng mạng xã hội một cách thông minh, mang lại lợi ích trong việc trau dồi kiến thức. Việc em Phạm Ngọc Thiện, lớp 11C5B Trường THPT chuyên Hùng Vương mới đây đạt giải nhất cuộc thi Khoa học Kỹ thuật dành cho học sinh trung học cấp tỉnh năm 2018 với phần mềm học và ôn thi Tiếng Anh trên facebook cho thấy, nếu sử dụng một cách thông minh, “mạng ảo” sẽ mang đến những tác dụng lành mạnh, hữu ích thực sự cho người dùng.

Nguyên Bình

Có thể bạn quan tâm

Đại hội điểm Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam huyện Đak Đoa lần thứ VI thành công tốt đẹp

Đại hội điểm Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam huyện Đak Đoa lần thứ VI thành công tốt đẹp

(GLO)- Ngày 15-4, tại Hội trường 20-10 (thị trấn Đak Đoa, huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) đã diễn ra Đại hội đại biểu Hội Liên hiệp Thanh niên (LHTN) Việt Nam huyện Đak Đoa lần thứ VI (nhiệm kỳ 2024-2029). Đây là đơn vị được Hội LHTN Việt Nam tỉnh chọn tổ chức Đại hội điểm cấp huyện.