Một mình đi bộ xuyên Việt

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Ngày càng nhiều bạn trẻ muốn khẳng định bản thân, tìm kiếm những giá trị tốt đẹp qua những chuyến đi bộ xuyên Việt nhưng không mang theo tiền trong túi. Liệu đó có phải những hành trình chỉ thấy màu hồng?

113 ngày đêm và 2.300 km của chàng trai 30 tuổi

Hồ Nhật Hà (làm việc tự do, quê ở Phú Yên, đang trú Q.Gò Vấp, TP.HCM) bắt đầu cuộc hành trình mơ ước từ Dinh Thống Nhất (đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, TP.HCM) vào ngày 18.10.2017. Anh đến Cột cờ Lũng Cú, Hà Giang, điểm cuối ngày 8.2.2018. Chàng trai đi một mình với ba lô cùng 3 bộ quần áo, ít lương khô, thuốc tây, chiếc điện thoại di động, camera hành trình và một cây đàn guitar tổng cộng 113 ngày, rong ruổi khắp dặm dài đất nước dù trong túi không có đồng nào.

 

Hồ Nhật Hà ở Hà Giang.
Hồ Nhật Hà ở Hà Giang.

“Tôi không mang tiền theo người, trong tài khoản ATM cũng chỉ có 1 triệu đồng phòng trường hợp cấp cứu, khẩn cấp thì có thể lấy ra sử dụng. Còn lại, dọc đường tôi xin nghỉ nhờ nhà dân, được người dân mời cơm và tôi tự kiếm sống từ chính cây đàn guitar của mình”, Hà chia sẻ.

Chàng trai tốt nghiệp Trường ĐH Văn hóa TP.HCM có khả năng chơi đàn, sáng tác nhạc. Đến nhiều nơi, để có thể trang trải tiền nhà trọ, cơm bụi, mua bánh mì, nước lọc… Hà tự sáng tác, hát ở các nơi công cộng để được trả tiền. “Khi tôi đến Quảng Ngãi, trong túi chỉ còn 70.000 đồng nhưng tiền thuê homestay đến 100.000 đồng, tôi đã phổ nhạc bài thơ Nhớ con sông quê hương của nhà thơ Tế Hanh và định ra công viên hát. Tuy nhiên, một người chị quen biết đã tới và trả giúp tôi số tiền này”, Hà kể lại.

Không phải lúc nào Hà cũng được người dân cho ngủ nhờ và mời cơm, anh thường xuyên ăn bánh mì, mì tôm qua bữa, rất nhiều lần phải ngủ ở chợ, chùa, nhà hoang và cả ngoài rừng.

Chuẩn bị chu đáo để thành công

 

Hồ Nhật Hà tới cực bắc của Tổ quốc khi nơi này đang tràn ngập hoa đào, chuẩn bị đón tết, trong túi còn một ít tiền, anh đi xe khách về Hà Nội, sau đó vào TP.HCM với tấm vé máy bay do một người tặng. Hà hồ hởi: “Tôi tăng 2 kg so với trước chuyến đi, số tiền trong thẻ ATM còn nguyên, không phải sử dụng một viên thuốc nào mang theo. Tôi đã có câu trả lời mà mình từng đặt ra ở trước chuyến đi, đó là lòng tốt con người có thật hay không. Khi tôi sống và suy nghĩ tích cực, ở đâu tôi cũng gặp được những người tốt và những câu chuyện tử tế”.

Tuy nhiên, theo Hà, các bạn trẻ nên cẩn trọng. Đi bộ xuyên Việt với ví rỗng không phải dễ dàng, thích là có thể đi ngay và thành công ngay. Hà đã có 1 năm để chuẩn bị chu đáo cho hành trình đầy bất ngờ nhưng cũng lắm rủi ro này. Anh từng tự mình tập leo núi Bà Đen (Tây Ninh) trên 10 lần trong đêm tối, 24 ngày liên tiếp tập chạy bộ, 24 ngày sáng tác ca khúc với các chủ đề gần gũi và tự mình đi bộ các cự ly gần như từ TP.HCM tới Bình Dương, thu xếp công việc hiện tại để không mất việc sau chuyến đi… Chàng trai cũng lên kế hoạch cụ thể về thời gian đi, các chặng nghỉ, đồng thời chuẩn bị tâm lý kỹ lưỡng để đối diện với mọi hoàn cảnh khó khăn.

Trước Hồ Nhật Hà, nhiều bạn trẻ Việt được ngưỡng mộ khi chinh phục những chặng đường xuyên Việt bằng đôi chân, với 0 đồng trong túi, như Trần Hùng John (29 tuổi, chàng trai gốc Việt sống tại Mỹ, đi bộ để hiểu hơn về quê hương VN, tác giả cuốn sách John đi tìm Hùng) hay Hoàng Ngọc Lâm, 29 tuổi, chủ một trại chó cảnh, đang sống tại Q.3, TP.HCM, cả hai đều từng thực hiện chuyến đi 6 năm về trước.

Hoàng Ngọc Lâm đã có rất nhiều trải nghiệm quý giá sau chuyến đi và vững vàng hơn trong cuộc sống hiện tại. Còn Trần Hùng John từng chia sẻ, anh suýt chết hụt một lần khi đi bộ xuyên Việt do uống một bịch sữa đậu nành của người lạ và phải nhập viện cấp cứu, nhiều lần bị ngã, trầy xước khắp người. Tuy nhiên, chàng trai sinh năm 1989 vẫn tin rằng, ở đâu tại VN cũng có người tốt. Anh khuyên các bạn trẻ: “Có thể không làm những việc mạo hiểm như đi bộ xuyên Việt với ví rỗng, nhưng đừng ngại khám phá bản thân, hãy làm tất cả những gì mình đam mê khi còn có thể”.

Thúy Hằng/thanhnien

Có thể bạn quan tâm

Thợ lái máy đam mê cải tiến kỹ thuật

Thợ lái máy đam mê cải tiến kỹ thuật

(GLO)- Là thợ lái máy nhưng Thượng úy quân nhân chuyên nghiệp Phạm Văn Hùng (Đại đội 4, Tiểu đoàn 2, Lữ đoàn Công binh 7, Quân đoàn 3) đã có nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật, áp dụng hiệu quả vào công việc của đơn vị và đạt thành tích cao tại các hội thi.