Sáng tạo xà phòng đen từ vỏ trấu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Mong muốn có thể tạo ra sản phẩm hữu ích đối với con người và góp phần bảo vệ môi trường sống hiện nay, nhóm sinh viên ĐH Bách khoa Hà Nội đã sáng tạo sản phẩm xà phòng đen từ vỏ trấu.

6 tháng trong phòng thí nghiệm, hàng trăm lần thực hiện và thất bại, những đêm thức trắng để tìm và dịch tài liệu tiếng Anh, những sản phẩm đầu tiên bất thành, những kỹ sư tương lai vẫn không nản chí. Tháng 6.2016, những bánh xà phòng có màu đen tuyền, nhìn giống như những chiếc bánh chocolate, ra mắt người tiêu dùng và chinh phục những khách hàng khó tính.

 

Nhóm sinh viên sáng tạo xà phòng đen từ vỏ trấu.
Nhóm sinh viên sáng tạo xà phòng đen từ vỏ trấu.

Nữ sinh viên lớp Vật liệu 1-K59 giải thích cụ thể hơn: “Tận dụng vỏ trấu để làm than hoạt tính không quá xa lạ, nhưng từ vỏ trấu làm ra xà phòng thì đúng là thần kỳ. Tôi dùng từ “thần kỳ”, bởi trong quá trình chế tạo than hoạt tính từ trấu có một sản phẩm phụ là nước thủy tinh, trong đó chứa thành phần Na2SiO3, khi thải ra môi trường sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới nguồn nước sinh hoạt của con người. Tuy nhiên, khi tận dụng thành phần này trong quá trình xà phòng hóa để tạo ra “xà phòng đen” được cho là giải pháp tuyệt vời do nước thủy tinh góp phần làm cho xà phòng đóng rắn nhanh hơn”.

Hiện tại, nhóm sinh viên theo đuổi dự án Xà phòng đen gồm 3 sinh viên ĐH Bách khoa Hà Nội: Lê Thị Hằng, Trần Thảo Trang (Vật liệu 1-K59) và Phạm Tiến Đạt (Vật liệu 3-K60). Các bạn trẻ cho biết việc nấu xà phòng đang được thực hiện tại phòng thí nghiệm của ĐH Bách khoa.

Trấu và than là nguyên liệu dễ tìm kiếm, còn lại các nguyên liệu khác để làm ra bánh xà phòng nhóm phải mua ở các địa chỉ uy tín, nhiều nguyên liệu phải mua xách tay từ nước ngoài để đảm bảo chất lượng.

Trần Thảo Trang, thành viên của nhóm, cho hay: “Nếu như xà phòng công nghiệp sản xuất hàng loạt có sử dụng dầu ăn cấp thấp hoặc mỡ động vật (mỡ bò, heo), nhiều thành phần từ dầu mỏ, độ độc hại và kích ứng cao thì xà phòng đen có sự kết hợp các loại dầu nền từ thiên nhiên như dầu dừa, dầu hướng dương, dầu lạc, các phụ gia bảo vệ da và làm sạch như bột trà xanh, bột nghệ, than hoạt tính. Quá trình xà phòng hóa một cách hoàn toàn giữ lại các thành phần hữu ích cho da. Chúng tôi không vì lợi nhuận để biến sản phẩm của mình gây hại cho người sử dụng”.

Hiện nhóm các bạn trẻ của ĐH Bách khoa Hà Nội đang bán sản phẩm trên fanpage của Facebook mà không có đại lý hay cửa hàng, website bán hàng riêng. Vì thế, cuộc cạnh tranh gay gắt với hàng loạt thương hiệu xà phòng công nghiệp màu sắc và hương liệu bắt mắt đang bán tràn lan trên thị trường càng khốc liệt hơn.

 

Nhóm Xà phòng đen được giải nhì cuộc thi BK-NEBULA - nhóm có độ lan tỏa lớn nhất trên fanpage Trường ĐH Bách khoa Hà Nội. Đồng thời nhóm đang lọt vào vòng bán kết cuộc thi Sáng tạo Việt Đức do Viện Quốc tế (Trường ĐH Bách khoa Hà Nội tổ chức).

Các bạn trẻ lạc quan: “Xà phòng đen là sản phẩm thiên nhiên handmade (làm thủ công bằng tay), sử dụng các loại tinh dầu thiên nhiên nên mùi hương chưa thể cạnh tranh với các loại xà phòng sử dụng hương liệu tổng hợp. Nhưng chúng tôi tin rằng, với sứ mệnh vì môi trường sống xanh sạch đẹp cùng sự thông thái của người tiêu dùng, chúng tôi sẽ cố gắng thương mại hóa sản phẩm này và sẽ thành công”.

Thúy Hằng/thanhnien

Có thể bạn quan tâm

Thợ lái máy đam mê cải tiến kỹ thuật

Thợ lái máy đam mê cải tiến kỹ thuật

(GLO)- Là thợ lái máy nhưng Thượng úy quân nhân chuyên nghiệp Phạm Văn Hùng (Đại đội 4, Tiểu đoàn 2, Lữ đoàn Công binh 7, Quân đoàn 3) đã có nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật, áp dụng hiệu quả vào công việc của đơn vị và đạt thành tích cao tại các hội thi.