Phụ nữ khiếm thị vượt khó

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Trong số 2.000 người bị khiếm thị trên địa bàn tỉnh, có khoảng hơn một nửa là phụ nữ. Bị mù hai mắt để sống như một người bình thường đã khó nhưng vẫn có nhiều phụ nữ đã vượt lên nỗi bất hạnh, tự thắp lên ánh sáng cho cuộc đời mình.
Thắp lên ánh sáng hạnh phúc
Chiều muộn một ngày đầu tháng 3, chúng tôi đến thăm tổ ấm đơn sơ của gia đình chị Mai Thị Kim Yến (SN 1988, thôn 6, xã Nghĩa Hưng, huyện Chư Pah, Gia Lai). Nhìn những bước chân đi vững chãi từ bếp lên nhà để đón khách, nếu chị không vướng phải chiếc ghế trước mặt, ít ai biết được là bước chân của người bị mù hai mắt. 
 Chị Mai Thị Kim Yến bên chồng và con. Ảnh: Đ.Y
Chị Mai Thị Kim Yến bên chồng và con. Ảnh: Đ.Y
Niềm nở, hoạt bát, tự tin là ấn tượng đầu tiên của chúng tôi khi ngồi trao đổi với chị. Chị Yến chia sẻ về những bất hạnh trong cuộc đời mình. Đó là một ngày hè năm học lớp 11 của 12 năm về trước. Chiều hôm ấy, chị và một người bạn đang trên đường đi bằng xe máy, qua đoạn cua vào đầu thôn thì va quệt phải một chiếc xe công nông chở hàng cồng kềnh lưu thông trên đường. Do tránh xe, chị Yến ngồi sau bị ngã đập đầu vào một tấm bê tông bên đường. Mặc dù đã được cha mẹ đưa đi chữa trị ở khắp các bệnh viện trong nước  nhưng dây thần kinh thị giác của hai con mắt mỗi ngày một teo dần. Đến bây giờ, đôi mắt của chị Yến vĩnh viễn không còn nhìn thấy. Cảm thông với nỗi đau của người con gái đẹp người-đẹp nết, bạn học cùng lớp- anh Lê Đình Tân đã đem lòng yêu say đắm. Hai người yêu nhau, cả hai bên gia đình đều phản đối. Nhưng thời gian và tình yêu anh Tân dành cho chị là chân thành, nên hai bên gia đình đã cảm nhận được và sau 7 năm yêu nhau, cuối năm 2012, anh, chị nên duyên chồng vợ. 
Hiện tại, cuộc sống của anh, chị tuy nghèo khó về vật chất nhưng rất hạnh phúc. Anh chị có một cô con gái đầu lòng 4 tuổi, xinh xắn, ngoan ngoãn. Hàng ngày, chị làm đủ việc. Dậy từ 3 giờ sáng nấu chè, 5 giờ chồng phụ chở chè và chị ra chợ bán. Sau đó, anh Tân quay về lo cho con gái đến trường. Anh đi làm thuê. Trưa bán hết chè, chị Yến nhờ người quen chở về nhà. Chiều, chị lại dạo bộ đến các trường học trên địa bàn xã Nghĩa Hưng bán tăm. Mỗi ngày làm việc từ 3 giờ sáng cho đến tối mịt, vất vả là vậy nhưng cũng chỉ thu nhập hơn 2 triệu đồng/tháng, song chị Yến vẫn thấy cuộc sống có ý nghĩa. Chị bảo: “Dù số tiền kiếm ra một tháng không nhiều nhưng nếu biết chi tiêu cũng đủ. Điều quan trọng nhất là tôi cố gắng sống tốt để không trở thành gánh nặng cho chồng và gia đình”. Hiểu được tấm lòng của vợ, ngồi bên cạnh, anh Tân thêm lời: “Nhiều lúc thấy vợ đêm hôm dậy nấu chè, rồi đi chợ bán, em thương vô cùng. Em động viên vợ là không cần phải làm, ở nhà chăm con, làm việc vặt thôi nhưng vợ bảo, để vợ làm vừa vui vừa có thu nhập và vợ thấy cuộc sống có ý nghĩa”. 
Năm 2017, chị Yến được hội viên tín nhiệm bầu vào Ban Chấp hành Hội Người mù tỉnh. Chị Yến tâm sự: “Có gia đình và Hội làm chỗ dựa tinh thần, tôi sẽ cố gắng vượt qua bóng tối để trở thành người có ích, giúp đỡ những phụ nữ bị khiếm thị như tôi tự tin vươn lên trong cuộc sống”. 
Vượt khó, thoát nghèo
Một tấm gương tiêu biểu nữa cho sự nỗ lực vượt qua bóng tối vươn lên trong cuộc sống đó là chị Trần Thị Huế-Ủy viên Ban chấp hành Hội người mù huyện Chư Pưh. 53 tuổi thì 20 năm sống trong bóng tối, chị Huế kể: “Năm tôi 33 tuổi, liên tục thấy đau đầu, rồi mắt mờ dần và không nhìn thấy rõ vào buổi tối, tôi được chồng con đưa đi khám, bác sỹ chẩn đoán tôi bị quáng gà, cứ uống thuốc lâu ngày sẽ khỏi. Tin tưởng vào việc chẩn đoán của bác sỹ, gia đình không đưa đi khám lại, nhưng mắt thì ngày càng mờ hơn. Mới đầu là một mắt dần chuyển sáng 2 mắt và sau 1 năm chỉ nhìn thấy vật lờ mờ trước mặt. Lúc ấy, gia đình mới đưa ra Bệnh viện mắt Trung ương khám lại thì được bác sỹ thông báo là đôi mắt của tôi bị viêm màng mắt cấp tính nếu chữa sớm hơn thì có thể chữa khỏi, nhưng giờ đã quá muộn”. 
Chở về nhà, mấy tháng chị Huế buồn không ngượng dậy được nhưng nhìn 5 đứa con đang tuổi ăn tuổi lớn, chị Huế động viên chồng: “Đôi mắt của vợ giờ không nhìn thấy nữa sẽ rất vất vả nhưng hai vợ chống cố gắng làm, nuôi con khôn lớn để cuộc sống của các con sau này bớt khổ”. Chồng tôi cố gắng hơn, chăm chỉ lao động, ngoài chăm sóc tốt 300 trụ tiêu của gia đình, thời gian rảnh đi làm thuê. “Còn tôi ở nhà chăm sóc 3 con bò, cơm nước cho đàn con. Khi rảnh nhờ chồng chở lên xã, đến từng hộ gia đình có người mù cùng cảnh ngộ để vận động họ tham gia sinh hoạt hội, giúp họ làm thủ tục hưởng chế độ trợ cấp xã hội của người khuyết tật”-chị Huế kể. 
Đến nay, các con của chị Huế đã có việc làm ổn định, xây dựng cuộc sống gia đình riêng, vợ, chồng chị Huế cũng đỡ vất vả. “Năm 2017, tôi được Hội Người mù tỉnh tín nhiệm bầu vào Ban chấp hành Hội, tôi sẽ cố gắng sống sao cho có ý nghĩa, để cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn”-chị Huế chia sẻ.
Ông Nguyễn Văn Hùng-Chủ tịch Hội Người mù tỉnh cho biết: “Thời gian qua, Hội đã có nhiều hoạt động thiết thực để giúp các  hội viên của Hội vươn lên trong cuộc sống, như hỗ trợ học nghề, vốn phát triển kinh tế, sửa chữa và xây mới nhà tình thương cho hội viên khó khăn về nhà ở… Nhờ đó, nhiều chị đã vượt lên hoàn cảnh khó khăn tạo lập hạnh phúc. Chị Yến, chị Huế và nhiều phụ nữ khiếm thị của Hội khác xứng đáng là tấm gương sáng không chỉ riêng chị em phụ nữ khuyết tật mà còn cho nhiều người trong xã hội”.
Đinh Yến

Có thể bạn quan tâm

Bồi đắp lòng tự hào dân tộc cho thiếu niên, nhi đồng

Bồi đắp lòng tự hào dân tộc cho thiếu niên, nhi đồng

(GLO)- Nhằm bồi đắp lòng tự hào dân tộc, tình yêu với Đội TNTP Hồ Chí Minh cho thiếu niên, nhi đồng, từ ngày 19 đến 21-4, tại Nhà Thiếu nhi TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai), Thành Đoàn phối hợp với Phòng GD và ĐT TP. Pleiku tổ chức hội thi tuyên truyền ca khúc măng non với chủ đề “Giai điệu tự hào”.