Tỷ phú hồ tiêu làng Chăm Prông

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Mặc dù giá hồ tiêu không còn cao như mấy năm trước nhưng ông Rơ Lan Phih (làng Chăm Prông, xã Ia Băng, huyện Đak Đoa) vẫn có thu nhập rất ổn định từ vườn hồ tiêu 2.500 trụ luôn xanh mướt, trĩu quả.

Không hẹn trước nên ông Rơ Lan Phih hơi bỡ ngỡ khi thấy Trưởng thôn và chúng tôi đến nhà. Qua trao đổi, chúng tôi được biết, cách trồng và chăm sóc hồ tiêu của ông Phih cũng hơi khác mọi người. Từ khi trồng tiêu cho đến nay, ông không hề sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Ông cũng chỉ bón phân hữu cơ và vôi lân cho vườn hồ tiêu. Ngoài ra, ông tự mua thiết bị về lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt cho vườn hồ tiêu rộng 2,5 ha.

 

Ông Rơ Lan Phih bên vườn hồ tiêu của gia đình. Ảnh: Đ.Y
Ông Rơ Lan Phih bên vườn hồ tiêu của gia đình. Ảnh: Đ.Y

Nhìn vườn hồ tiêu của gia đình ông Phih xanh mướt, trụ nào cũng to bằng 2 vòng tay người lớn, ai cũng mê mẩn. Lấy nước mời khách, ông Phih cho biết, trước năm 2000, gia đình ông rất khó khăn bởi đông con và đều đang tuổi ăn tuổi học. Vợ chồng ông làm bao nhiêu cũng chỉ đủ nuôi các con. Từ năm 2012, 4 người con của ông đều ra trường, đi làm kiếm tiền đỡ đần cho bố mẹ. Trong số này, cậu con trai thứ ba tên Phon sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Tài chính kế toán đã đăng ký đi xuất khẩu lao động và được một công ty quảng cáo ở Hàn Quốc nhận vào làm việc. Dù thời hạn làm việc ở Hàn Quốc chỉ 3 năm nhưng nhờ chăm chỉ, chịu khó, Phon được công ty gia hạn hợp đồng thêm 1 năm 10 tháng với thu nhập bình quân 50-60 triệu đồng/tháng. Làm được bao nhiêu, Phon gửi hết về cho bố mẹ mua đất để trồng hồ tiêu. Vì thế, từ chỗ khó khăn, ông Phih giờ đã trở thành tỷ phú hồ tiêu.

Ông Phih kể, ban đầu, ông mua lại mảnh rẫy trồng cà phê của một người trong làng. Tuy nhiên, cà phê cho năng suất rất thấp. Ông liền thuê máy về nhổ bỏ hết cà phê để chuyển sang trồng hồ tiêu. Rồi ông đi khắp nơi học hỏi kinh nghiệm, tìm giống hồ tiêu tốt đem về trồng. Mới đầu, ông chỉ trồng thử nghiệm 1.000 trụ, sau khi thấy hồ tiêu lên xanh tốt mới quyết định trồng hết đất. Năm đầu thu bói bán được với giá hơn 100 ngàn đồng/kg, còn bây giờ chỉ được 65-70 ngàn đồng/kg. Tuy vậy, gia đình ông vẫn có lời, mỗi năm thu được khoảng 600-700 triệu đồng từ vườn hồ tiêu.

 

Ông Ksor Jar-Trưởng thôn Chăm Prông: “Trang trại hồ tiêu của gia đình ông Rơ Lan Phih lớn nhất làng. Với cách chăm sóc, bón phân của ông, hồ tiêu rất xanh tốt. Trước đây, dân làng Chăm Prông chỉ trồng cà phê. Nhờ có trang trại hồ tiêu của ông Phih, bây giờ hơn 100 hộ trong làng đã học tập trồng theo”.

Không chỉ được bà con làng Chăm Prông nể phục vì  thu nhập “khủng” từ hồ tiêu, ông Phih còn được nhiều người yêu mến bởi lối sống giản dị, luôn quan tâm, giúp đỡ mọi người. Với những gia đình trong làng cần giúp về kỹ thuật trồng, chăm sóc hồ tiêu hay lắp hệ thống nước tưới nhỏ giọt, ông Phih đều nhiệt tình giúp đỡ, hộ khó khăn ông không lấy công. “Thực ra trồng hồ tiêu không khó nhưng người nông dân phải biết được quy trình chọn giống, làm đất, bón phân và chăm sóc. Sau khi đào hố phải sử dụng phân bò được ủ hoai cùng với vôi lân, phân hóa học (NPK) trộn đều với đất để khoảng 1 tháng sau mới trồng và nên chọn giống hồ tiêu Vĩnh Linh. Những dây tiêu ác vươn cao, bà con nên cắt bỏ vì nó không có cành. Nên hạn chế dùng thuốc hóa học; hàng năm nên ép xanh và dùng phân hữu cơ, phân bò ủ hoai bón cho hồ tiêu là tốt nhất”-ông Phih đúc rút kinh nghiệm từ thực tế trồng hồ tiêu.

Đinh Yến

Có thể bạn quan tâm