Quan tâm giáo dục giới tính cho học sinh, sinh viên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Từ trước đến nay vẫn có 2 luồng ý kiến trái chiều về giáo dục giới tính cho thanh-thiếu niên. Một luồng ý kiến cho rằng “không nên vẽ đường cho hươu chạy”; nhóm khác lại nhất quyết bảo vệ quan điểm “thà vẽ đường cho hươu còn hơn để nó tò mò và chạy sai đường”. Vậy, các bậc phụ huynh đã bao giờ nghĩ đến các phương cách để giáo dục sức khỏe sinh sản, giới tính cho con em mình?

Nhiều tranh luận cũng chỉ ra rằng, chương trình giáo dục hiện nay nặng về học kiến thức, còn thiếu thời gian cho việc rèn luyện kỹ năng sống. Có lẽ vì thế nên vấn đề liên quan đến cải cách giáo dục lúc nào cũng được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm. Giáo dục về giới tính chỉ là một mảng nhỏ của giáo dục kỹ năng sống cho trẻ. Thời gian qua, việc xây dựng, bồi đắp kỹ năng sống cho học sinh, nhất là giáo dục giới tính còn khá hạn chế nên kết quả là tỷ lệ nạo phá thai của Việt Nam vẫn nằm ở mức báo động; tình trạng xâm hại tình dục trẻ em diễn ra ở nhiều nơi.

 

Ảnh internet
Ảnh internet

Qua thực tiễn và thông qua khảo sát bằng phỏng vấn sâu, bảng hỏi, nhóm giảng viên bộ môn Công tác xã hội (Trường Cao đẳng Nghề Gia Lai) đã lồng ghép việc giáo dục giới tính, sức khỏe sinh sản vị thành niên cho học sinh, sinh viên (HSSV) của trường. Mỗi người một phương pháp khác nhau nhằm truyền tải những thông điệp cơ bản về giới tính cho HSSV để góp phần nâng cao chất lượng giáo dục của nhà trường, tạo ra một môi trường giáo dục an toàn, thân thiện.

Gia Lai là địa phương có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ cao. Vì thế, chất lượng đầu vào của HSSV Trường Cao đẳng Nghề Gia Lai không đồng đều. Một bộ phận HSSV là người dân tộc thiểu số đến từ vùng sâu, vùng xa, việc tiếp cận thông tin còn hạn chế nên khi được hỏi về các phương pháp phòng tránh thai, phòng tránh HIV/AIDS, sức khỏe sinh sản… các em đều lắc đầu và đỏ mặt. Để việc truyền tải thông điệp có hiệu quả, các thầy-cô giáo đã xây dựng chương trình giúp các em tiếp cận dần. Cùng với việc phát tờ rơi, áp phích, sách hướng dẫn để tạo tâm thế cho HSSV, các thầy cô đã… đem bao cao su vào lớp học để hướng dẫn trực quan cho HSSV. Ngoài ra, thông qua các buổi sinh hoạt đoàn thể, các tiết mục văn nghệ đều lồng ghép hình ảnh để truyền tải thông điệp về tình dục an toàn đến đông đảo HSSV. Theo kế hoạch, trong thời gian tới, nhà trường sẽ thành lập một câu lạc bộ tham vấn tâm lý để gỡ rối các vấn đề khó nói cho các bạn HSSV. Câu lạc bộ sẽ là nơi tin cậy để các bạn HSSV trút bỏ những điều phiền muộn không biết chia sẻ cùng ai.

Giáo dục kỹ năng sống cho thanh-thiếu niên là một quá trình song hành với giáo dục chuyên môn. Vì vậy, gia đình phải tạo được môi trường chia sẻ, cởi mở; nhà trường các cấp bên cạnh dạy chữ cần lồng ghép thêm nhiều kỹ năng để trẻ có thể tăng sức đề kháng trước những vấn đề nguy hiểm rình rập cận kề.

Tạ Ngọc Điệp

Có thể bạn quan tâm

Bồi đắp lòng tự hào dân tộc cho thiếu niên, nhi đồng

Bồi đắp lòng tự hào dân tộc cho thiếu niên, nhi đồng

(GLO)- Nhằm bồi đắp lòng tự hào dân tộc, tình yêu với Đội TNTP Hồ Chí Minh cho thiếu niên, nhi đồng, từ ngày 19 đến 21-4, tại Nhà Thiếu nhi TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai), Thành Đoàn phối hợp với Phòng GD và ĐT TP. Pleiku tổ chức hội thi tuyên truyền ca khúc măng non với chủ đề “Giai điệu tự hào”.