Chàng trai khiếm thị tự học tiếng Anh để du học thạc sĩ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Huỳnh Hữu Cảnh bị bom gần trường học phát nổ cướp đi đôi mắt từ năm 8 tuổi. Cậu bé lớn lên trong bóng tối, nhưng nghị lực và niềm tin đã giúp cậu đã tỏa sáng.

Thoát chết trong gang tấc

 

Huỳnh Hữu Cảnh.
Huỳnh Hữu Cảnh.

Cảnh sinh năm 1985. Năm 8 tuổi, Cảnh cùng một người anh họ lớp 7 rủ nhau đi vào khu vực sau trường học tìm sắt vụn để bán. Trong lúc cào lớp đất, 2 anh em phát hiện có một cục sắt to nên tiếp tục đào. Không ngờ đó là trái bom nằm dưới lòng đất từ thời chiến tranh đột ngột phát nổ. Cảnh bị mảnh bom chém đứt gân tay trái, một miếng bom xuyên vào bao tử, và đôi mắt ngay từ lúc đó không còn khả năng mở ra để nhìn nữa. Còn người anh họ của Cảnh bị cướp đi cuộc sống vĩnh viễn.

Gia đình Cảnh sinh được 6 chị em, Cảnh là con trai duy nhất, lại rất khôi ngô tuấn tú, nên tai nạn làm ba mẹ cậu đau đớn tột cùng. Vì bị mù mắt, Cảnh không thể tiếp tục tới trường.

“Thời đó, ba mẹ em cũng không biết có trường học nào dành cho người khiếm thị. Đến năm 12 tuổi, em mới đi học lại và học chương trình lớp 1 bằng chữ nổi. Sau một năm, em học lại lớp 4 rồi học hết trung học”, Cảnh cho biết.

Đang từ một cậu bé sáng mắt lanh lợi tự làm mọi việc, Cảnh bị sốc khi đi đâu cũng phải có người dắt, nhiều cái không tự làm một mình được. Càng lớn, Cảnh càng buồn. Không nhận biết được màu sắc, ánh sáng, không biết người đối diện mình trông như thế nào… Tất cả chỉ còn là cảm nhận.

Tốt nghiệp lớp 12, Cảnh được tuyển thẳng vào ngành giáo dục đặc biệt của Trường ĐH Sư phạm TP.HCM. Khi bước vào giảng đường, laptop trở thành người bạn vô cùng thân thiết của Cảnh. Nhờ vào phần mềm đọc màn hình (Jaws) dành cho người khiếm thị, Cảnh dễ dàng hơn trong công việc học tập. Năm 2012, tốt nghiệp với tấm bằng giỏi, nhưng Cảnh vô cùng khó khăn trong quá trình xin việc. Tới đâu người ta cùng bày tỏ sự ngưỡng mộ nhưng rồi… từ chối. Sau 6, 7 tháng, Cảnh vào làm tại một trường mầm non tư thục của một người khuyết tật tại Bình Dương. Làm được một năm thì Cảnh về Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Kiên Giang.

 

Huỳnh Hữu Cảnh chơi đàn trong một buổi giao lưu
Huỳnh Hữu Cảnh chơi đàn trong một buổi giao lưu

Vui cũng sống, buồn cũng sống, tại sao không chọn vui?

Sau khi bị mất đôi mắt, Cảnh sống khủng hoảng trong suốt một thời gian dài. Một lần, Cảnh chợt nghĩ: “Mình vui thì cũng phải sống, buồn thì cũng phải sống. Vậy tại sao mình không chọn vui?”. Cuối cùng, Cảnh đã chọn được thái độ sống và tư duy sống tích cực cho mình. Cảnh biết chơi đàn piano, ghi ta. Những lúc rảnh, cậu lại vừa đàn vừa hát, tham gia các hoạt động tại Trung tâm Bảo trợ xã hội, dạy đàn cho trẻ khiếm thị…

Điều đáng ngưỡng mộ là dù khó khăn hơn rất nhiều người bình thường khác, nhưng Cảnh rất giỏi tiếng Anh, chủ yếu là do tự học ở nhà, với khao khát được đi du học. Mới đây, Cảnh đã thực hiện được ước mơ của mình khi nhận được học bổng toàn phần du học thạc sĩ ở Úc. Chương trình “Úc cùng Việt Nam phát triển Nguồn nhân lực” (thuộc Chương trình Hợp tác Phát triển Úc - Việt Nam) quyết định cấp học bổng này cho Cảnh vì thành tích học tập ĐH, năng lực chuyên môn và khả năng cống hiến trong quá trình làm việc của mình.

Trước khi du học, Cảnh tham gia khóa học tiếng Anh 9 tháng của chương trình để đảm bảo đủ năng lực. Kết thúc khóa học, Cảnh thi IELTS đạt 6.0 trước sự ngạc nhiên của nhiều người.

Cảnh cho biết dự định học xong thạc sĩ, Cảnh sẽ trở về quê hương xây dựng phòng tham vấn tâm lý cho các đối tượng yếu thế trong xã hội, trong đó có người khuyết tật...

Ngoài ra, Cảnh muốn tổ chức những lớp học tiếng Anh giúp người khuyết tật có nhiều cơ hội việc làm hơn.

Cảnh chia sẻ: “Tôi đã từng trải qua khủng hoảng, từng nghĩ mình là người bỏ đi khi không còn đôi mắt. Nhưng không, tôi vẫn sống và học tập, làm việc như bao người khác. Tôi mong muốn những người thiếu may mắn hãy biết chọn thái độ sống tích cực dù gặp hoàn cảnh nào vì chỉ có như vậy, chúng ta mới thực sự 'sống' chứ  không phải 'tồn tại'”.

Tìm được vợ nhờ tài lẻ

Đến nay, Cảnh đã gặp được người bạn gái đồng cảm, chia sẻ với mình. Đó là Huỳnh Tố Nga. Nga là cán bộ đoàn. Trong một buổi giao lưu đàn hát để gây quỹ từ thiện, Nga bắt gặp hình ảnh chàng trai khiếm thị nhưng đàn hát quá hay.

“Em 'mê' luôn tiếng đàn ấy. Chúng em đến với nhau sau một thời gian tìm hiểu. Nhưng biết anh không nhìn được, ba mẹ em ra sức ngăn cản. Mẹ em đòi tự vẫn còn ba thì đòi 'từ con'".

Sau đó, Nga cho biết đã nghĩ ra một cách để ba mẹ chấp nhận mối lương duyên của mình. "Trước đó, báo Kiên Giang đã viết bài về ảnh. Em mang tờ báo đó 'tình cờ' đặt lên bàn. Hôm có chương trình tivi quay về anh, em bật kênh đó lên rồi đi ra ngoài. Ba mẹ xem được, đã hiểu anh dù hỏng đôi mắt nhưng đã nỗ lực để tốt nghiệp ĐH với tấm bằng giỏi, rồi làm việc như bao người khác, nên cuối cùng đã đồng ý. Gần đây khi biết tin ảnh được học bổng đi học ở Úc, ba mẹ càng thương quý ảnh hơn", Nga nói.

Vào ngày 3-12 tới đây, đám cưới của đôi bạn trẻ sẽ được tổ chức tại Kiên Giang, trước khi Cảnh lên đường du học 1 tháng.

Mỹ Quyên/thanhnien

Có thể bạn quan tâm

Thợ lái máy đam mê cải tiến kỹ thuật

Thợ lái máy đam mê cải tiến kỹ thuật

(GLO)- Là thợ lái máy nhưng Thượng úy quân nhân chuyên nghiệp Phạm Văn Hùng (Đại đội 4, Tiểu đoàn 2, Lữ đoàn Công binh 7, Quân đoàn 3) đã có nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật, áp dụng hiệu quả vào công việc của đơn vị và đạt thành tích cao tại các hội thi.