Vương "trùn quế"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Bốn năm trước, chàng sinh viên quê gốc Ninh Thuận, Lê Minh Vương (sinh năm 1992) đã bén duyên với trùn quế nhờ đề tài xử lý ao tôm, sau đó lấy bùn ao tôm đem nuôi trùn quế.

Sau khi tốt nghiệp đại học, năm 2015 Vương về huyện Củ Chi, TP. HCM lập nghiệp, tiếp tục ước mơ nuôi trùn quế.

 

Vương “trùn quế” tại trang trại của mình.
Vương “trùn quế” tại trang trại của mình.

Theo Vương, giá trị to lớn của trùn quế chính là động lực giúp anh theo đuổi nó đến cùng, dẫu biết lập nghiệp nơi đất khách sẽ gặp nhiều khó khăn. Vương kể: “Phân trùn rất tốt để trồng rau sạch, dùng để bón lót cho cây, thúc đẩy phát triển nông nghiệp xanh chuyển từ canh tác hóa học sang canh tác hữu cơ. Ngoài ra, nó còn góp phần cải tạo ao nuôi tôm vì nó có nhiều silic, cân bằng pH ao nuôi tôm. Hơn nữa, tôi mong muốn tạo ra các sản phẩm có giá trị hơn từ trùn quế như dịch trùn, bột trùn, cám trùn cho gia súc, thậm chí cả mỹ phẩm”. Cũng theo Vương, phân trùn quế ưu việt hơn phân bò vì nó có các vi sinh vật cố định đạm, phân giải lân, giúp cải tạo đất, phát triển bộ rễ của cây. Đặc biệt hơn, hàm lượng dinh dưỡng trong phân trùn quế cao hơn hẳn so với phân bò, phân trùn chất lượng cao không có vi khuẩn có hại như E. Coli có trong phân bò.

Với những lợi ích trên, Vương đã mạnh dạn lên Củ Chi mở trại nuôi trùn quế với sự đầu tư góp vốn từ người bạn có chung niềm đam mê là anh Trịnh Thái Đông (sinh năm 1988), người địa phương. Đến nay, cả hai đã có 15 trại trùn quế xen trong rừng trồng cao su, với tổng diện tích khoảng 400m2. Theo Vương, để tận dụng diện tích đất, thu lợi từ cây cao su, lấy bóng mát của cây cao su để trùn phát triển tốt, phân trùn ngấm xuống đất, sau đó cây cao su sẽ hấp thụ tạo chất dinh dưỡng.

Vương chia sẻ: “Thông thường cứ 2 tháng ra trùn một lần, trại 100m2 thu được khoảng từ 60-70kg trùn thịt, làm sao trong 2 tháng số lượng trùn thịt ra trại phải từ 60kg trở lên để thu lãi cao”.

Khi được hỏi về những khó khăn của nghề, Vương chia sẻ: Thị trường, nguồn tiêu thụ, đầu ra của phân trùn quế là cái khó hiện nay, nó chưa được nhiều người biết đến, vì họ quen sử dụng phân hóa học. Phần nhiều, đầu ra do những trang trại nông nghiệp lớn sử dụng”. Tuy khó khăn về đầu ra nhưng vẫn có những thuận lợi nhất định, con giống chỉ đầu tư một lần, không cần đầu tư lần 2 vì nó liên tục sinh sôi nảy nở, muốn mở rộng trang trại chỉ cần lấy trùn từ các trại trước là được.

Hiện tại giá trùn thịt từ 25.000 - 28.000 đồng/kg, riêng mùa nắng dao động từ 30.000 - 40.000 đồng/kg ở khu vực Củ Chi, còn những khu vực khác, giá trùn sẽ có sự chênh lệch do năng suất, vị trí địa lý và nhu cầu sử dụng. Riêng phân trùn nếu độ ẩm phân càng cao giá càng thấp, phân trùn nhiều hơn phân bò và độ uy tín của cơ sở sản xuất cũng quyết định giá của phân. Hiện tại phân trùn quế được bán ra với giá từ 1.500 - 2.000 đồng/kg.

Mô hình nuôi trùn quế xen trong vườn cao su của Vương rất thành công và đã có nhiều người tìm đến tham quan. Lâm Huỳnh Ni, 19 tuổi, quê Sóc Trăng, bày tỏ: “Mô hình này rất hay, giúp tạo dựng hình ảnh nông nghiệp xanh thân thiện với môi trường. Nếu trại trùn xen trong vườn cao su sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tôi mong muốn sẽ xây dựng một mô hình như vậy”.

Hiện tại, Vương còn biên soạn 3 quyển cẩm nang về kỹ thuật nuôi trùn quế, từ kinh nghiệm trong 4 năm nghiên cứu về trùn quế để dành tặng những ai có mong muốn làm nghề.

Kim Huyền/sggp

Có thể bạn quan tâm

Bồi đắp lòng tự hào dân tộc cho thiếu niên, nhi đồng

Bồi đắp lòng tự hào dân tộc cho thiếu niên, nhi đồng

(GLO)- Nhằm bồi đắp lòng tự hào dân tộc, tình yêu với Đội TNTP Hồ Chí Minh cho thiếu niên, nhi đồng, từ ngày 19 đến 21-4, tại Nhà Thiếu nhi TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai), Thành Đoàn phối hợp với Phòng GD và ĐT TP. Pleiku tổ chức hội thi tuyên truyền ca khúc măng non với chủ đề “Giai điệu tự hào”.