"Mong con phát triển toàn diện"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Đó là ý kiến của đại đa số các phụ huynh khi lý giải việc tích cực cho con tham gia những môn năng khiếu, các lớp kỹ năng sau thời gian học chính trên trường. Điều này cho thấy, ngày càng có nhiều phụ huynh quan tâm hơn đến đời sống tinh thần của con, không còn tư tưởng o ép con trở thành “thần đồng” hay “thiên tài” với lịch học ken dày.

Nở rộ các lớp kỹ năng

Cứ khoảng 5 giờ chiều mỗi ngày, Nhà Thiếu nhi tỉnh (TP. Pleiku) lại trở nên sôi động hơn bao giờ hết. Ngoài sân là các lớp võ Vovinam, Karatedo, võ cổ truyền..., bên trong là các lớp đàn organ, piano, vẽ, luyện IQ... Không chỉ ở thành phố mà ở các huyện, thị xã, phong trào học các lớp năng khiếu, rèn luyện kỹ năng cũng khá sôi động. Lớp võ Đức Nam-Nhị khúc côn của Huấn luyện viên Phạm Đăng Khoa (thị trấn Chư Prông, huyện Chư Prông) vừa mới chiêu sinh khóa mới cũng đã có nhiều học sinh đến đăng ký học. “Mình bắt đầu dạy võ từ năm 1990, tính đến nay đã hơn 27 năm.

 

Những lớp võ tại Nhà Thiếu nhi tỉnh luôn rất đông học viên. Ảnh: H.D
Những lớp võ tại Nhà Thiếu nhi tỉnh luôn rất đông học viên. Ảnh: H.D

Chưa phải nhiều nhưng mình nghĩ, trong thời buổi giao lưu hội nhập, sự manh nha của cái xấu, cái ác đang lấn dần những khoảng sáng của đời sống, bạo lực học đường lên ngôi, sự thờ ơ vô cảm của nhiều người trước nhiều sự việc… thì hoạt động sinh hoạt rèn luyện võ thuật càng trở nên quan trọng bởi những giá trị nhân văn mà bản chất võ thuật mang lại. Luyện võ cũng là cách luyện hành vi ứng xử, giao tiếp giữa con người với con người trong đời sống xã hội. Điều này nằm trong chương trình lý thuyết Võ Đạo mà bất kỳ môn phái nào cũng có”-thầy Khoa lý giải về việc nhiều phụ huynh tin tưởng đưa con em đến với lớp.

Ở tận huyện Krông Pa xa xôi, đều đặn chiều thứ hai, tư, sáu, em Phan Cao Trà Mi (học sinh lớp 9A6, Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm) cùng em trai lại tới Nhà Văn hóa-Thể thao huyện để học Vovinam. “Em xin mẹ học võ vì em thích môn này. Học võ giúp rèn luyện sức khỏe và còn có thể tự vệ nữa. Em thấy may mắn vì không bị mẹ ép học thêm môn này môn kia. Nhưng năm nay là năm cuối cấp nên em mới xin mẹ cho học thêm môn Toán và Lý”.

Là một môn khá mới mẻ, lớp rèn luyện IQ của cô Lê Thị Ngọc Hiền mở tại Nhà Thiếu nhi tỉnh cũng thu hút được rất nhiều học viên. Thoạt nghe đến từ IQ (lntelligent Quotient-chỉ số thông minh), nhiều người dễ nhầm tưởng đó là lớp học nhằm đào tạo ra những “thần đồng”, “vĩ nhân”... Nhưng “hoàn toàn không phải vậy, mà chúng tôi có những bài giảng giúp kích hoạt tư duy não của trẻ. Những môn học mà các em phải học ở trường chủ yếu phải suy luận, ngay cả viết cũng phải viết bằng tay phải, cho thấy phương pháp học phần nhiều chỉ kích thích não trái. Với các bài học như làm toán bằng bàn tính theo phương pháp Nhật Bản, bài học về siêu trí nhớ, đọc sách siêu tốc... sẽ giúp các em linh hoạt, chủ động hơn trong việc học, kích thích trí tưởng tượng của các em”-cô Hiền cho hay.

Nuôi dưỡng tâm hồn

Không khó để bắt gặp hình ảnh vào giờ tan tầm, một chiếc xe máy do một ông bố hoặc bà mẹ điều khiển, phía sau là em học sinh vẫn còn nguyên bộ đồng phục trên người, cặp nặng sau lưng và trên tay là ổ bánh mì gặm dở. Đó là lúc bố mẹ đang chở các em tới nơi học thêm môn gì đó. Với mong muốn con cái không bị thua sút bạn bè, theo kịp chương trình học trên lớp, các em học sinh đã bị biến thành những “con gà công nghiệp” chỉ biết học, hết học ở trường lại tới “cua” này “cua” kia. Kết thúc một ngày học của các em có khi vừa đúng giờ lên giường. Và hôm sau lại tiếp tục điệp khúc ấy.

Nhưng nay, tư duy của các phụ huynh đã có nhiều thay đổi. Anh Lê Thống Nhất (125 Wừu, TP. Pleiku) thẳng thắn bày tỏ: “Tôi chưa bao giờ đặt nặng chuyện con học phải có thành tích này thành tích kia. Tôi cho con học thêm rất ít, chỉ duy trì thường xuyên môn Tiếng Anh. Nên khi con gái đầu lên lớp 2, tôi cho học võ, học dancesport và theo từ đó tới nay, giờ cháu  học tới lớp 8 rồi. Vừa rồi cho học thêm khóa bơi lội nữa. Học võ vừa là rèn luyện thân thể vừa để con có thể tự vệ, bơi là kỹ năng sinh tồn, vô cùng cần thiết, còn dancesport thì để con được tiếp xúc với nghệ thuật, bồi dưỡng tâm hồn”.

 

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), kỹ năng sống là “khả năng thích nghi và hành vi tích cực cho phép cá nhân có khả năng đối phó hiệu quả với nhu cầu và thách thức của cuộc sống hàng ngày. Kỹ năng sống được chia thành 2 loại là kỹ năng tâm lý xã hội và kỹ năng cá nhân, lĩnh hội và tư duy, với 10 yếu tố như: tự nhận thức, tư duy sáng tạo, giải quyết vấn đề, kỹ năng giao tiếp ứng xử, ứng phó với các tình huống căng thẳng và cảm xúc, biết cảm thông, tư duy bình luận và phê phán, cách quyết định, giao tiếp hiệu quả và cách thương thuyết…

Còn chị Nguyễn Thị Tuyết Trang (76 Phan Đình Phùng, TP. Pleiku) cho con theo học bóng bàn, bơi lội, võ “là vì con mình thích chứ mình chẳng ép uổng gì. Chương trình học trên lớp đã quá nặng nề rồi, thời gian còn lại, mình muốn con được thư giãn, được vui chơi, rèn luyện thân thể. Thầy cô trên lớp chỉ có thể truyền thụ kiến thức chứ không có thời gian dành cho những nội dung khác. Tôi nghĩ, thời buổi này cần cho con được tiếp xúc, học những môn có thể phát huy sở trường, phù hợp với khả năng của chúng, học các môn kỹ năng cần thiết cho cuộc sống sau này. Điều đó quan trọng hơn là nhét vào đầu chúng khối kiến thức khổng lồ mà sau này có thể chẳng dùng đến nhiều trong cuộc sống”.

Hà Duy

Có thể bạn quan tâm

Đại hội điểm Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam huyện Đak Đoa lần thứ VI thành công tốt đẹp

Đại hội điểm Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam huyện Đak Đoa lần thứ VI thành công tốt đẹp

(GLO)- Ngày 15-4, tại Hội trường 20-10 (thị trấn Đak Đoa, huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) đã diễn ra Đại hội đại biểu Hội Liên hiệp Thanh niên (LHTN) Việt Nam huyện Đak Đoa lần thứ VI (nhiệm kỳ 2024-2029). Đây là đơn vị được Hội LHTN Việt Nam tỉnh chọn tổ chức Đại hội điểm cấp huyện.
Thu nhập cao từ nuôi chồn hương

Thu nhập cao từ nuôi chồn hương

(GLO)- Với đàn chồn hương hơn 100 con, mỗi năm, trang trại của chị Thủy Thị Hồng Hậu (làng Bông Phun, xã Chư Á, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) thu về hàng trăm triệu đồng sau khi trừ chi phí đầu tư.
Dịch vụ chụp ảnh kỷ yếu “vào mùa”

Dịch vụ chụp ảnh kỷ yếu “vào mùa”

(GLO)- Những năm gần đây, nhiều học sinh cuối cấp đã lựa chọn hình thức chụp kỷ yếu với đa dạng concept (chủ đề) để lưu giữ kỷ niệm đẹp cùng thầy cô, bè bạn. Tháng 4 là thời điểm dịch vụ này bắt đầu “vào mùa”, các studio cũng bận rộn với lịch trình dày đặc.