Nghĩ và sống khác biệt

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Nhiều người đã chọn cách làm khác biệt, phá vỡ những giá trị thông thường, những suy nghĩ thuộc về số đông... để khẳng định cá tính của bản thân. Họ đã chứng minh cho một châm ngôn sống rằng: “Những đổi mới lớn chỉ xuất hiện khi con người không sợ làm điều khác biệt”.

Đi con đường riêng

Thế hệ 9X vẫn được xem là thế hệ có nhiều ý tưởng táo bạo, khác biệt. Thế nhưng, táo bạo đến mức từ bỏ cổng trường đại học để được “sống theo kiểu mình thích, làm việc mình yêu” như cô gái Trương Thị Diệu Hòa (35 Lê Hồng Phong-TP. Pleiku) thì không có mấy người. Diệu Hòa kể, cách đây 7 năm Hòa đậu vào Khoa Tài chính-Ngân hàng của một trường đại học, nhưng cuối cùng cô gái trẻ này lại chọn học nghề... làm bánh vì đây mới là sở thích của bản thân. “Suốt những năm học cấp III tôi vẫn luôn nuôi mơ ước vào được giảng đường đại học. Tôi sợ rớt đại học đến mức ám ảnh. Mỗi lần trường tổ chức thi thử, tôi đều lao vào học rất chăm chỉ. Chỉ cần rớt trong kỳ thi thử tôi đã cảm thấy sợ hãi. Đó cũng là tâm lý chung của nhiều bạn bè tôi khi đó. Vậy mà khi có kết quả đậu đại học, tôi lại quyết định từ bỏ, bởi tôi cảm thấy đó không phải là con đường mình muốn đi”-Diệu Hòa kể.

 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Cô gái 9X may mắn được bố mẹ khuyến khích sống theo sở thích, tự quyết định tương lai. Diệu Hòa chia sẻ: “Tôi rất mê các loại bánh kem theo phong cách ẩm thực châu Âu, vậy là quyết định theo học nghề làm bánh. Ba tôi khuyến khích học thêm nghề pha chế các loại đồ uống để có thể mở một tiệm ăn uống sau này. Sau nửa năm học làm bánh và 2 tháng học thêm pha chế, tôi đi làm thêm cho một tiệm cà phê ở Nha Trang để vừa tích lũy kinh nghiệm, vừa hiểu thêm “gu” của khách”. Tay nghề làm bánh của cô gái 9X này được thể hiện rõ qua các sản phẩm phục vụ tại quán cà phê gia đình, được nhiều khách hàng yêu thích. Đặc biệt, mỗi dịp Tết Trung thu, Hòa lại làm khách hàng ngạc nhiên bởi các loại bánh với hương vị lạ, kiểu dáng bắt mắt. Trung thu năm nay chưa đến nhưng Hòa đã bán ra thị trường gần 1.000 chiếc bánh các loại.

Với suy nghĩ lạc quan: “Một tấm bằng đại học không quan trọng bằng việc có một nghề vững vàng trong tay”, Diệu Hòa cho biết nếu cho cô lựa chọn lại, cô vẫn sẽ chọn học nghề thay vì học đại học. “Tôi nghĩ mình giỏi nhất là việc làm bánh trái, pha chế. Giờ cho tôi làm việc gì khác chắn chắn sẽ không giỏi bằng việc này. Được làm việc bản thân yêu thích là cách mỗi người phát huy hết khả năng của mình và như vậy công việc sẽ đạt hiệu quả cao hơn”-Diệu Hòa khẳng định.

Nghĩ khác

Nhiều người trẻ cũng đã khẳng định sự độc lập, cá tính, cách nghĩ khác với số đông bằng những lựa chọn khác biệt. Cũng trồng cây chanh, nhưng thay vì trồng ồ ạt như số đông nông dân ở địa phương thì anh Trần Văn Chiến (thôn An Hòa, xã Ia Drăng, huyện Chư Prông) lại chọn cây chanh không hạt và trở thành người đầu tiên của huyện Chư Prông trồng loại cây cho năng suất cao này. Anh Chiến kể: “Một lần đi chơi ở Đà Lạt, tôi gặp mô hình trồng chanh không hạt khá hiệu quả. Chanh là loại quả có trong bất kỳ bữa ăn nào của các gia đình; chưa kể trong các nhà hàng, khách sạn, các quán nước, cà phê... cần chanh trong nhiều món ăn và pha chế thức uống.
Lúc đó trong đầu tôi đã manh nha ý nghĩ sẽ đem cây trồng này về Gia Lai vì thổ nhưỡng, khí hậu ở 2 vùng đất khá tương đồng. Nghĩ là làm, trở về nhà tôi lập tức khăn gói lên đường đi Long An, vào trang trại chanh không hạt của bà Bùi Thị Ba-một nữ tỷ phú nông dân với thương hiệu “Chanh không hạt Vica” xuất khẩu sang nhiều quốc gia trên thế giới để học hỏi mô hình và kỹ thuật trồng, chăm sóc.

Anh Chiến cho rằng, nếu bắt chước hàng xóm để trồng chanh dây theo phong trào thì anh đã không có 2 ha chanh không hạt cho thu nhập cả tỷ đồng/năm như hiện nay. “Mỗi gốc chanh không hạt chăm tốt sẽ cho thu hoạch trên 1 tạ mỗi năm. Giống chanh này cho thu hoạch quanh năm nên người ta còn gọi nó là chanh tứ quý. Như vậy 1 ha thu khoảng 100 tấn. Giá thành rẻ nhất lúc đại vụ là 10-15 ngàn đồng/kg, lúc đắt có thể lên tới 50-60 ngàn đồng/kg. Người trồng có thể thu lãi cả tỷ đồng/ha, cao gấp nhiều lần trồng chanh dây mà đỡ rủi ro hơn vì không phải cạnh tranh nhiều như chanh dây”-anh Chiến cho biết. Cây chanh không hạt có thời gian trồng ngắn, sau 18 tháng là cho thu bói, quả to (6-7 quả/kg). Đây là loại quả thu quanh năm và hiện xuất khẩu đi nhiều quốc gia.

Ai đó đã nói rằng, những đổi mới lớn chỉ xuất hiện khi con người không sợ làm điều khác biệt. Điều này hoàn toàn đúng với anh Chiến. “Người nông dân ở ta thường bắt chước nhau mà không nghĩ đến quy luật khắc nghiệt của nông nghiệp vẫn diễn ra bao nhiêu năm qua. Tôi đoán trước cây chanh dây sẽ có lúc thoái trào và người dân sẽ rơi vào tình cảnh trồng ra sản phẩm không ai mua. Trong khi cây chanh không hạt là cây trồng hoàn toàn mới, có đơn vị bao tiêu trọn gói sản phẩm thì không ai trồng vì không dám làm khác số đông. Nếu người nông dân không đổi mới tư duy, dám suy nghĩ khác đi thì sẽ còn lãnh nhận nhiều bài học cay đắng nữa”-anh Chiến chia sẻ suy nghĩ.

Nguyên Bình

Có thể bạn quan tâm

Đại hội điểm Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam huyện Đak Đoa lần thứ VI thành công tốt đẹp

Đại hội điểm Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam huyện Đak Đoa lần thứ VI thành công tốt đẹp

(GLO)- Ngày 15-4, tại Hội trường 20-10 (thị trấn Đak Đoa, huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) đã diễn ra Đại hội đại biểu Hội Liên hiệp Thanh niên (LHTN) Việt Nam huyện Đak Đoa lần thứ VI (nhiệm kỳ 2024-2029). Đây là đơn vị được Hội LHTN Việt Nam tỉnh chọn tổ chức Đại hội điểm cấp huyện.
Thu nhập cao từ nuôi chồn hương

Thu nhập cao từ nuôi chồn hương

(GLO)- Với đàn chồn hương hơn 100 con, mỗi năm, trang trại của chị Thủy Thị Hồng Hậu (làng Bông Phun, xã Chư Á, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) thu về hàng trăm triệu đồng sau khi trừ chi phí đầu tư.
Dịch vụ chụp ảnh kỷ yếu “vào mùa”

Dịch vụ chụp ảnh kỷ yếu “vào mùa”

(GLO)- Những năm gần đây, nhiều học sinh cuối cấp đã lựa chọn hình thức chụp kỷ yếu với đa dạng concept (chủ đề) để lưu giữ kỷ niệm đẹp cùng thầy cô, bè bạn. Tháng 4 là thời điểm dịch vụ này bắt đầu “vào mùa”, các studio cũng bận rộn với lịch trình dày đặc.