Tìm động lực học tập cho người dân tộc thiểu số hiện nay

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Trong khi các bạn trẻ người Kinh và số rất ít là người dân tộc thiểu số đang từng ngày nỗ lực vươn lên vượt khó học tập tốt để tự tin bước vào giảng đường đại học, tiếp tục nâng tầm kiến thức để khẳng định năng lực, trí tuệ của bản thân đáp ứng nhu cầu, vị trí công tác trong xã hội góp phần xây dựng quê hương, đất nước thì rất nhiều bạn trẻ dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Gia Lai nói riêng, một số địa phương khác nói chung vẫn loay hoay, quẩn quanh với lý do nghỉ học giữa chừng bởi gia đình khó khăn, phải ở nhà lao động kiếm tiền nuôi gia đình hay sức học hạn chế…

  Em Siu H'Nga và R'Com H'Xiêm học sinh khá giỏi người Jrai ở huyện Phú Thiện. Ảnh: Ksor H’Yuên
Em Siu H'Nga và R'Com H'Xiêm học sinh khá giỏi người Jrai ở huyện Phú Thiện. Ảnh: Ksor H’Yuên

Đó là khoảng cách quá lớn mà chúng ta dễ dàng nhận thấy giữa bạn trẻ người Kinh và dân tộc thiểu số khi đề cập đến trình độ văn hóa, chuyên môn hiện nay. Bởi vậy, bài toán tìm động lực học tập thực sự cho con em là người dân tộc thiểu số luôn là vấn đề nan giải, cần có sự chung tay góp sức từ nhiều phía chứ không phải là vấn đề riêng của ngành giáo dục tỉnh nhà, đặc biệt là từ chính những thế hệ  người Jrai, Bahnar thành đạt nhờ con đường học tập. Lãnh đạo các ngành, các cấp phải dành thời gian suy nghĩ, tìm ra giải pháp để rút ngắn khoảng cách về trình độ học vấn, nhận thức giữa người Kinh và dân tộc thiểu số, đồng thời tiến tới giảm tốc độ phân hóa giàu nghèo giữa các vùng.

Thực tế cho thấy, trong số các nguyên nhân dẫn đến số hộ nghèo, hộ cận nghèo trong cộng đồng dân tộc Jrai hoặc Bahnar chiếm tỷ lệ cao ít nhiều liên quan trực tiếp đến trình độ học vấn. Học vấn thấp dẫn đến hạn chế trong nhận thức, tư duy và hành động. Chưa kể trình độ học vấn thấp còn khiến người trong cuộc vi phạm pháp luật mà không hề hay biết. Dẫn chứng cụ thể nhất phải kể đến tình trạng tảo hôn, kết hôn cận huyết còn xảy ra phổ biến trong cộng đồng Jrai, Bahnar. Việc này vi phạm một số điều khoản quy định trong Luật hôn nhân và gia đình. Nhiều trường hợp người Jrai, Bahnar vi phạm Luật giao thông đường bộ với lý do đơn giản là không nắm rõ luật. Nghiêm trọng hơn, một số người Jrai, Bahnar do hạn chế về nhận thức, tư tưởng chính trị nên dễ dàng bị các thế lực thù địch lôi kéo tham gia vào các hoạt động chống đối Nhà nước, phản cách mạng gây mất an ninh chính trị, trật tự xã hội, xáo trộn cuộc sống yên bình vốn có nơi thôn, làng.

Trong thời đại bùng nổ thông tin, khoa học kỹ thuật ngày càng hiện đại, tốc độ toàn cầu hóa đang lan nhanh, nếu chúng ta không đủ trình độ, kiến thức sẽ rất khó bắt nhịp với cuộc sống hiện tại và nguy cơ tụt hậu trong tương lai là điều hiển nhiên. Cuộc sống thời bình đã và đang cho thế hệ trẻ nhiều cơ hội thuận lợi để thể hiện bản lĩnh, trí tuệ qua đó cống hiến và trưởng thành góp phần xây dựng quê hương, đất nước. Xã hội ngày càng văn minh hiện đại, điều kiện sống, học tập, lao động sản xuất cũng tốt hơn, chế độ chính sách dành cho con em đồng bào dân tộc thiểu số tham gia học tập văn hóa, nâng cao trình độ, kỹ năng nghiệp vụ được các cấp ủy, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể các địa phương trong tỉnh quan tâm triển khai thực hiện. Đó là tiền đề quan trọng giúp thế hệ trẻ dân tộc thiểu số thay đổi nhận thức và hành động, chủ động tiếp cận thông tin, kiến thức mới và linh hoạt áp dụng vào thực tiễn tại địa phương. Nhận thức đầy đủ, toàn diện về lợi ích, tầm quan trọng của việc học tập trong cộng đồng dân tộc thiểu số hiện nay ngoài mục tiêu có nghề nghiệp ổn định, nuôi sống bản thân và gia đình mà còn góp phần giúp ích cho chính cộng đồng, xã hội, bao gồm cộng đồng người dân tộc thiểu số. Xác định học nghề nên dựa trên nhu cầu tại địa phương và năng lực thực có của bản thân, việc học tập là thường xuyên, liên tục và lâu dài, khác xa với việc đi làm thuê được trả công ngay sau khi hoàn thành công việc. Mỗi cá nhân nhận thức, hành động đúng sẽ tạo động lực và tầm ảnh hưởng to lớn tác động đến cộng đồng xung quanh.

Để có kết quả như vậy, chính các bạn trẻ người Jrai, Bahnar phải là những chủ thể tích cực, chủ động thay đổi “nếp nghĩ” về việc học tập. Đồng thời, cần tránh giữ thói quen trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ, giúp đỡ từ Nhà nước. Phát huy tính siêng năng cần cù, chịu khó trong mọi việc và xác định việc học sẽ giúp ích cho những người xung quanh để cùng tồn tại và phát triển. Bên cạnh sự tự thân vận động của các bạn trẻ Jrai, Bahnar, các cơ quan báo chí tăng cường tuyên truyền, phản ánh gương học sinh, sinh viên người dân tộc thiểu số đạt thành tích xuất sắc trong học tập, công tác góp phần nhân rộng, noi gương trong thế hệ trẻ dân tộc thiểu số nói chung và Jrai, Bahnar nói riêng; việc tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện, môi trường học tập, lao động, công tác của các cấp, ngành, chính quyền địa phương cũng sẽ là yếu tố quan trọng khơi dậy ý thức, cổ vũ tinh thần học tập trong cộng đồng người dân tộc thiểu số hiện nay.

   Ksor H’Yuên

Có thể bạn quan tâm

Đại hội điểm Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam huyện Đak Đoa lần thứ VI thành công tốt đẹp

Đại hội điểm Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam huyện Đak Đoa lần thứ VI thành công tốt đẹp

(GLO)- Ngày 15-4, tại Hội trường 20-10 (thị trấn Đak Đoa, huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) đã diễn ra Đại hội đại biểu Hội Liên hiệp Thanh niên (LHTN) Việt Nam huyện Đak Đoa lần thứ VI (nhiệm kỳ 2024-2029). Đây là đơn vị được Hội LHTN Việt Nam tỉnh chọn tổ chức Đại hội điểm cấp huyện.
Thu nhập cao từ nuôi chồn hương

Thu nhập cao từ nuôi chồn hương

(GLO)- Với đàn chồn hương hơn 100 con, mỗi năm, trang trại của chị Thủy Thị Hồng Hậu (làng Bông Phun, xã Chư Á, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) thu về hàng trăm triệu đồng sau khi trừ chi phí đầu tư.
Dịch vụ chụp ảnh kỷ yếu “vào mùa”

Dịch vụ chụp ảnh kỷ yếu “vào mùa”

(GLO)- Những năm gần đây, nhiều học sinh cuối cấp đã lựa chọn hình thức chụp kỷ yếu với đa dạng concept (chủ đề) để lưu giữ kỷ niệm đẹp cùng thầy cô, bè bạn. Tháng 4 là thời điểm dịch vụ này bắt đầu “vào mùa”, các studio cũng bận rộn với lịch trình dày đặc.