Tạo môi trường sống an toàn, lành mạnh cho trẻ em

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Nằm trong chuỗi các hoạt động của Tháng Hành động vì trẻ em, ngày 7-7, Ban Chỉ đạo công tác bảo vệ và chăm sóc trẻ em tỉnh tổ chức diễn đàn trẻ em năm 2017 với chủ đề “Trẻ em với vấn đề phòng-chống bạo lực, xâm hại trẻ em”. Tham gia diễn đàn, 170 trẻ em đến từ các địa phương trong tỉnh đã mạnh dạn nói lên những suy nghĩ về phòng-chống bạo lực, xâm hại trẻ em và ước mơ về cuộc sống.

Bằng hình thức sân khấu hóa, các em học sinh đến từ các huyện: Chư Sê, Chư Pưh, Đak Pơ, Phú Thiện và TP. Pleiku đã mang đến diễn đàn những tiểu phẩm vô cùng sinh động, hấp dẫn. Tên các tiểu phẩm cũng chính là thông điệp mà các em gửi đến các vị lãnh đạo về nguyện vọng của mình như: “Cạm bẫy” (phản ánh về phòng-chống xâm hại tình dục trẻ em và tảo hôn) của huyện Chư Sê; “Nỗi đau từ mạng internet” (về vấn đề bạo lực, xâm hại trẻ em trong môi trường mạng) của huyện Chư Pưh; “Tấm Cám đi học” (về tình trạng bạo lực học đường đang có chiều hướng gia tăng ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý trẻ em) của huyện Đak Pơ; “Điều ước” (về vấn đề trẻ em bị người thân trong gia đình bạo hành) của huyện Phú Thiện; “Chuyện của Nga” (về vấn đề trẻ em phải nghỉ học sớm làm việc nặng nhọc) của TP. Pleiku.

 

Thông điệp của các em gửi đến diễn đàn.                                                                                                    Ảnh. Đ.Y
Thông điệp của các em gửi đến diễn đàn. Ảnh. Đ.Y

Sau khi xem xong các tiểu phẩm, em Đinh Thùy Chi (học sinh lớp 9, Trường THCS Nguyễn Khuyến, huyện Chư Sê) chia sẻ: “Hiện nay, chúng em đang phải đối mặt với vấn đề xâm hại, nhất là vấn đề xâm hại tình dục xảy ra rất nhiều. Nhưng bản thân chúng em còn thiếu kỹ năng phòng-chống bạo lực, xâm hại. Vì vậy, đến với diễn đàn này, em mong muốn các cấp, các ngành có những giải pháp cũng như xây dựng chương trình hành động về phòng-chống xâm hại trẻ em để chúng em có một môi trường sống an toàn”.

Cùng chung quan điểm, em Nguyễn Trọng Tri (học sinh lớp 7, Trường THCS Nguyễn Du, huyện Đak Pơ) bày tỏ ý kiến: Đến với diễn đàn, mục đích của em là được nói lên những suy nghĩ của mình về tình trạng trẻ em bị xâm hại hiện nay. Qua đó, em mong muốn các cấp, các ngành có những giải pháp để giúp chúng em có cách nhìn đúng về việc phòng-chống nguy cơ bị xâm hại.

Trong không khí cởi mở, sôi nổi, các em tham gia diễn đàn còn bày tỏ suy nghĩ của mình về những vấn đề nổi cộm, như: bạo lực học đường, bạo lực gia đình. Em Đặng Văn Quan (học sinh lớp 8, Trường THCS Lý Thường Kiệt, huyện Chư Pưh) chia sẻ: “Ở nơi em sống, có nhiều bạn bị chính bố, mẹ ruột bạo hành. Em không biết lý do nhưng những bạn bị bố mẹ bạo hành thường bỏ học sớm và để lại những hậu quả không tốt”. Còn em Lê Quý Phương (học sinh lớp 8, Trường THCS Trưng Vương, TP. Pleiku) tâm sự: “Đến với diễn đàn, em mong sao các cấp, các ngành quan tâm đầu tư nhiều sân chơi cho trẻ em, nhất là ở vùng nông thôn để chúng em có thể vui chơi, tránh tình trạng vì thiếu sân chơi mà xa vào con đường nghiện chơi game hay các tệ nạn khác”.

 

Ông Lê Văn Thành-Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội: “Diễn đàn đã giúp các em có cơ hội được tham gia đánh giá và đối thoại trực tiếp với lãnh đạo các sở, ban ngành. Đồng thời, các em được nói lên quan điểm, đề xuất các sáng kiến và đưa ra các khuyến nghị rất thiết thực, cụ thể, như: xử lý nghiêm các đối tượng xâm hại trẻ em; các giải pháp để hạn chế tình trạng bạo lực học đường, bạo hành trẻ em tại gia đình; vấn đề sân chơi cho trẻ em... Những thông điệp của các em, chúng tôi đã lắng nghe và tiếp nhận. Thời gian tới, chúng tôi sẽ đề xuất, xây dựng các chương trình kế hoạch cụ thể, phù hợp với yêu cầu thực tế để tạo ra một môi trường sống an toàn, lành mạnh cho trẻ em”.

Tại diễn đàn, các em đã đưa ra những câu hỏi: “Ngành Giáo dục-Đào tạo, ngành Công an có biện pháp lồng ghép chương trình giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng mềm như thế nào để trẻ em có thể phòng-chống được tệ nạn xã hội và tránh bị xâm hại?”, hay “Ngành Lao động-Thương binh và Xã hội và các hội, đoàn thể có kế hoạch, chương trình đầu tư nào khác để các em có sân chơi, có những mùa hè vui tươi, bổ ích mà không có bạo lực, xâm hại trẻ em…”. Những câu hỏi của các em đã được lãnh đạo các sở, ban ngành, đoàn thể và chuyên gia làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em tiếp nhận với thái độ trân trọng, cầu thị. Đồng thời, đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành đã giúp các em có được cách nhận biết và giải pháp phòng tránh những vấn đề nêu trên. Chính điều đó đã tiếp thêm niềm tin cho các em. Em Nguyễn Hoàng Ngọc Minh (học sinh lớp 7, Trường THCS Trưng Vương, TP. Pleiku) phấn khởi tâm sự: “Đây là lần đầu tiên chúng em có cơ hội trực tiếp trình bày nguyện vọng của mình với các bác, các cô, chú lãnh đạo tỉnh và được hồi đáp các thắc mắc một cách cụ thể, giúp chúng em hiểu hơn về quyền và nghĩa vụ của mình. Từ đó, chúng em có thể tự bảo vệ hoặc kêu gọi sự giúp đỡ nếu bị xâm hại”.

Đinh Yến

Có thể bạn quan tâm

Thợ lái máy đam mê cải tiến kỹ thuật

Thợ lái máy đam mê cải tiến kỹ thuật

(GLO)- Là thợ lái máy nhưng Thượng úy quân nhân chuyên nghiệp Phạm Văn Hùng (Đại đội 4, Tiểu đoàn 2, Lữ đoàn Công binh 7, Quân đoàn 3) đã có nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật, áp dụng hiệu quả vào công việc của đơn vị và đạt thành tích cao tại các hội thi.