Đà Lạt: Phê duyệt nút giao thông Phan Chu Trinh sau 10 năm chuẩn bị

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Tỉnh Lâm Đồng vừa ra quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư dự án xây dựng nút giao Phan Chu Trinh tại thành phố Đà Lạt, nút giao thông gây ách tắc lớn nhất của thành phố.

 Thành phố Đà Lạt. (Ảnh: Đặng Tuấn/TTXVN)
Thành phố Đà Lạt. (Ảnh: Đặng Tuấn/TTXVN)



Tỉnh Lâm Đồng vừa ra quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư dự án xây dựng nút giao Phan Chu Trinh tại thành phố Đà Lạt với tổng kinh phí 17,5 tỷ đồng; trong đó vốn Quỹ bảo trì đường bộ 2,5 tỷ đồng, còn lại là vốn từ nguồn ngân sách tỉnh.

Đây là nút giao thông gây ách tắc lớn nhất của thành phố mà từ 10 năm qua Ủy ban Nhân dân tỉnh đã chỉ đạo thành phố Đà Lạt và Sở Giao thông Vận tải tỉnh lập phương án xử lý nhưng vẫn chưa thực hiện được.

Cụ thể theo Quyết định số 779/QĐ-UBND ngày 10/4/2019 của Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng, chủ đầu tư là Sở Giao thông Vận tải tỉnh sẽ mở rộng đường Trần Quý Cáp, đoạn từ đường Nguyễn Du đến ngã tư Phan Chu Trinh với quy mô mặt đường 16m.

Cùng đó, dự án sẽ mở rộng bán kính cong bó vỉa hướng vào khu đất bãi xe Thành Bưởi và Trung tâm tiệc cưới Safinette; bố trí dải phân cách trước Ngân hàng Agribank đoạn gần ngã tư Phan Chu Trinh để chia đoạn đường này thành 2 làn.

Dịch chuyển đảo tròn và bố trí lại đảo có đường kính 3m, có lắp bục để lực lượng cảnh sát điều khiển giao thông; mở rộng đường Lữ Gia đoạn từ ngã tư Phan Chu Trinh đến hết Trường thiểu năng Hoa Phong Lan với bề rộng 14m, bố trí 1 bãi đậu xe gắn máy cho người ra vào chợ Phan Chu Trinh và điểm giao dịch của các ngân hàng thương mại; cải tạo mặt đường, bó vỉa, vỉa hè, hệ thống thoát nước, điện thắp sáng các nhánh Trần Quý Cáp, Lữ Gia, Quang Trung và Phan Chu Trinh…

Ngã tư Phan Chu Trinh nhiều năm qua là điểm nóng nhất của thành phố Đà Lạt về tình trạng ách tắc giao thông diễn ra hằng ngày.

Vào những giờ cao điểm khi phụ huynh đi đón con, người dân đi chợ, hoặc vào các ngày nghỉ-ngày lễ có đông khách du lịch, nút giao thông này ách tắc nghiêm trọng và thường xuyên xảy ra tai nạn, va chạm giữa các phương tiện tham gia giao thông.  

Nguyên nhân là do mật độ dân cư khu vực này quá cao, nhiều tụ điểm tập trung đông người như các trường học Phan Như Thạch, trường Chi Lăng, bãi xe Thành Bưởi, điểm giao dịch của nhiều ngân hàng thương mại, khách sạn, trung tâm tiệc cưới… và nhất là chợ Phan Chu Trinh.

Chợ này được hình thành sau năm 1975 trên diện tích 800m2, hiện có tới gần 150 quầy sạp đã xuống cấp nghiêm trọng và thiếu các công trình phụ trợ như nhà vệ sinh, hệ thống phòng cháy chữa cháy.

Từ gần 10 năm qua, Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng đã có nhiều văn bản chỉ đạo thành phố Đà Lạt và Sở Giao thông Vận tải lập phương án di dời chợ để mở rộng nút giao thông này, nhưng cho đến nay vẫn chưa thực hiện được.  

Thời gian thực hiện dự án dự kiến trong 3 năm, từ 2019 đến 2021.

Chu Quốc Hùng (TTXVN/Vietnam+)

 

Có thể bạn quan tâm

Quyết tâm hoàn thành 2 dự án thành phần chào mừng Ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước

Quyết tâm hoàn thành 2 dự án thành phần chào mừng Ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước

(GLO)- Thủ tướng giao nhiệm vụ cụ thể đến từng Bộ ngành, địa phương liên quan yêu cầu quyết tâm hoàn thành 2 dự án thành phần đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt, Cam Lâm - Vĩnh Hảo ngày 30-4-2024 để chào mừng kỷ niệm Ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.
Thị trường đất nền 'rã băng'

Thị trường đất nền 'rã băng'

Ở phía Bắc, nhu cầu tìm mua đất nền tăng mạnh ở một số huyện ngoại thành Hà Nội, như Đông Anh, Long Biên, Hoài Đức tăng từ 1,7 - 2 lần so với quý I/2023. Trong khi ở phía Nam, mức độ quan tâm đất nền tại quận 12, TP.Thủ Đức, huyện Hóc Môn tăng từ 13 - 25%.