Triển khai thu phí không dừng: Còn bất cập

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Đến nay, việc triển khai thu phí sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử tự động không dừng đối với các trạm thu phí BOT trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã đáp ứng yêu cầu của Chính phủ đặt ra. Nhiều làn xe đã lắp đặt hệ thống này từ năm 2016, các làn xe còn lại đang trong giai đoạn chạy thử và sẽ được vận hành thương mại ngay trong quý I-2019. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thu phí theo hình thức này vẫn còn một số bất cập.
Đảm bảo tiến độ
Vì tính chất công việc, anh Lương Văn Hiệu (phường Hoa Lư, TP. Pleiku) thường xuyên sử dụng ô tô đi lại trên tuyến đường Hồ Chí Minh, nơi có đặt trạm thu phí BOT. Vì vậy, anh đã đăng ký sử dụng dịch vụ thu phí tự động không dừng tại các trạm này. Anh Hiệu cho biết, mỗi lần có việc qua trạm, anh điều khiển xe chạy luôn một mạch, không phải dừng lại để mua vé, chờ thối tiền như trước đây nên tiết kiệm được thời gian. “Thủ tục dán thẻ thu phí tự động cũng được tiến hành rất nhanh, chỉ mất khoảng 5 phút. Sau đó, chỉ cần nạp tiền vào tài khoản, mỗi lần xe qua trạm sẽ được trừ phí tự động, số phí bị trừ báo về điện thoại của chủ xe. Vì sự tiện lợi này, tôi đang tiến hành dán thẻ tự động cho tất cả các xe của cơ quan”-anh Hiệu nói.
Trong khi đó, ông Đặng Văn Hiền-Phó Giám đốc Công ty TNHH Vận tải và Du lịch Thuận Tiến Gia Lai-cho biết: Hơn 40 đầu xe kinh doanh vận tải hành khách của Công ty đều đã được đăng ký dán thẻ thu phí tự động. Theo ông Hiền, ngoài việc tiết kiệm thời gian, sử dụng dịch vụ thu phí tự động không dừng còn tạo thuận lợi cho công tác báo cáo thuế. Nếu sử dụng phương pháp mua vé thủ công, lái xe thường quản lý vé thu phí không kỹ nên thường xuyên bị thất lạc, gây thiệt thòi cho doanh nghiệp. “Khi sử dụng dịch vụ thu phí sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử tự động không dừng, họ xuất cho mình hóa đơn điện tử là xong. Tôi ủng hộ cách thu phí tự động này vì vừa công khai, minh bạch, vừa thuận lợi cho các cơ quan quản lý đối với các trạm thu phí BOT về thời gian thu hồi vốn”-ông Hiền nêu quan điểm.
 Các trạm thu phí trên địa bàn tỉnh đã lắp đặt xong hệ thống thu phí tự động cho tất cả các làn xe.  Ảnh: M.T
Các trạm thu phí trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã lắp đặt xong hệ thống thu phí tự động cho tất cả các làn xe. Ảnh: M.T
Theo ông Hoàng Hữu Thùy-Phó Trạm trưởng Trạm thu phí số 1 (Công ty cổ phần BOT và BT Đức Long Gia Lai), tiến độ lắp đặt hệ thống triển khai thu phí sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử tự động không dừng (ETC) của đơn vị đảm bảo tiến độ theo yêu cầu của Chính phủ đề ra. Toàn bộ các trạm thu phí của Công ty đã lắp đặt xong hệ thống thu phí tự động cho tất cả các làn xe. Trong đó, làn thu phí số 2 và 3 của trạm số 1 và 2 đã hoàn thành lắp đặt hệ thống từ năm 2016 và vận hành thương mại từ tháng 7-2017. Làn số 1 và 4 của 2 trạm này tiếp tục được lắp đặt vào tháng 12-2018, đang trong quá trình test hệ thống trước khi cho chạy thử và dự kiến vận hành thương mại đầu tháng 3-2019.
Ông Thùy cho biết, trong quá trình vận hành hệ thống chỉ xảy ra một số lỗi nhỏ do yếu tố khách quan, thẻ thu phí tự động của các chủ xe bị bụi bám mờ hoặc các vật cản che khuất khiến camera không nhận kịp. Đến thời điểm này, số lượng xe dán thẻ thu phí tự động toàn tỉnh là khoảng 30.000 xe (tính cả xe vãng lai); tính theo biển số xe của Gia Lai là 17.000 xe. Trung bình số xe qua trạm được thanh toán tự động khoảng 1.600 lượt xe/ngày. “Việc dán thẻ thu phí tự động lần đầu, các chủ xe được miễn phí hoàn toàn, dán lần thứ 2 sẽ mất phí 120.000 đồng”-ông Thùy cho biết.
Vẫn còn bất cập
Trao đổi với P.V, anh Lê Văn Tân-chuyên viên phụ trách vùng, Công ty TNHH Thu phí tự động VETC-thông tin: Hiện trên địa bàn tỉnh Gia Lai, đơn vị đã ký hợp đồng với 3 trung tâm đăng kiểm, 1 đại lý và 2 trạm thu phí thực hiện việc dán thẻ thu phí tự động cho các xe. Tuy nhiên, việc tuyên truyền chưa đồng bộ nên nhiều người dân chưa nắm bắt, còn e ngại khi tiếp cận dịch vụ, sợ giấy tờ, thủ tục dán thẻ rườm rà, phiền phức. Đồng thời, nhiều chủ xe sợ nạp tiền vào tài khoản giao thông sẽ bị mất; nhiều người cho rằng chưa đi đâu, chỉ loanh quanh trong phố chưa cần dán thẻ.
Anh Tân cho hay, hiện tỷ lệ các đơn vị vận tải hành khách thực hiện dán thẻ thu phí tự động cho các phương tiện đã lên đến 95% nhưng chưa thực hiện nộp tiền vào tài khoản để sử dụng dịch vụ mà vẫn sử dụng phương thức mua vé thủ công. “Điều này là do bất cập trong việc triển khai đồng bộ giữa các trạm thu phí. Từ Gia Lai đi TP. Hồ Chí Minh có đến 10 trạm thu phí nhưng chỉ mới có 3 trạm lắp đặt hệ thống thu phí tự động. Trên 1 tuyến đường nhưng có trạm lắp đặt trước, có trạm lắp đặt sau nên tài xế vừa phải mua vé thủ công vừa sử dụng dịch vụ thu phí tự động, chủ phương tiện thì phát sinh việc kiểm soát vé tự động này”-anh Tân cho hay.
Xác nhận điều này, trong báo cáo gửi UBND tỉnh về tình hình triển khai thu phí sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử tự động không dừng, ông Lê Văn Hạnh, Phó Giám đốc phụ trách Sở Giao thông-Vận tải, cho biết: Trên địa bàn có 2 dự án BOT do Bộ Giao thông-Vận tải là cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định phương án lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ thu phí và triển khai thu phí tự động không dừng. Theo đó, dự án BOT đoạn Pleiku-cầu 110 đã được Công ty TNHH Thu phí tự động VETC lắp đặt và tổ chức thu phí tại Trạm thu phí số 1 và 2 (Công ty cổ phần BOT và BT Đức Long Gia Lai). Trong khi đó, dự án mở rộng quốc lộ 19 đoạn qua Gia Lai theo hình thức hợp đồng BOT đã được Công ty TNHH BOT 36.71 lắp đặt hệ thống thu phí điện tử không dừng tại các làn ngay từ lúc triển khai dự án. Tuy nhiên, đến nay chưa thực hiện việc kết nối liên thông để quản lý chung. Hiện Bộ Giao thông-Vận tải chưa có quyết định phê duyệt điều chỉnh dự án giai đoạn 2 và chưa lựa chọn được nhà đầu tư cung cấp dịch vụ thu phí tự động. Dự kiến quá trình triển khai sẽ được thực hiện vào quý II-2019.
Thượng tá Nguyễn Trung Dũng-Giám đốc Công ty TNHH BOT 36.71-xác nhận: Hiện đơn vị còn một số vướng mắc về việc triển khai các thủ tục để lựa chọn nhà đầu tư cung cấp dịch vụ thu phí tự động. “Sau khi có ý kiến từ Bộ Giao thông-Vận tải và đủ cơ sở pháp lý liên quan, Công ty sẽ đàm phán và ký hợp đồng cung cấp dịch vụ với nhà cung cấp dịch vụ để hoàn thành việc kết nối liên thông với hệ thống thu phí tự động theo quy định, đảm bảo đưa vào vận hành và khai thác vào cuối năm 2019 (dự án thuộc giai đoạn 2-P.V) theo đúng chỉ đạo của Chính phủ”-Thượng tá Dũng nhấn mạnh.
Minh Triều

Có thể bạn quan tâm

Bảo tồn địa hình để tạo lập bản sắc đô thị

Bảo tồn địa hình để tạo lập bản sắc đô thị

(GLO)- Nhiều khách phương xa rất thích thú khi được lên xuống trên những con dốc dài giữa phố núi Pleiku. Địa hình đồi núi mang đến sự khác lạ về tầm mắt, thay đổi về cảm xúc và đầy thêm trải nghiệm về một vùng đất. Bản sắc ấy của đô thị cao nguyên đang được bảo tồn một cách đầy chủ ý.
Đưa thiên nhiên vào không gian công sở

Đưa thiên nhiên vào không gian công sở

(GLO)- Sự hiện diện của màu xanh thiên nhiên như xương rồng mini, chậu kiểng lá nhỏ xinh nơi góc bàn làm việc cá nhân, nơi không gian giao dịch không chỉ mang lại cảm giác dễ chịu, thư giãn cho mọi người mà góp phần lan tỏa hình ảnh công sở xanh, thân thiện với môi trường.