Ẩn họa từ những cầu treo xuống cấp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Ở những nơi địa hình cách trở, cầu treo giúp người dân đi lại thuận tiện, đặc biệt là trong mùa mưa lũ. Tuy nhiên, việc quản lý và sử dụng cầu treo ở nhiều địa phương còn bất cập, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông.
Hệ thống cầu treo dân sinh trên địa bàn tỉnh Gia Lai chủ yếu dành cho người đi bộ, xe đạp, xe máy và xe thô sơ tải trọng nhỏ. Qua kiểm tra thực tế trong thời gian gần đây, Sở Giao thông-Vận tải (GT-VT) đã phát hiện nhiều bất cập trong công tác quản lý, sử dụng cầu treo ở các địa phương. Cụ thể, các huyện: Chư Sê, Kông Chro, Chư Pah, Mang Yang chưa bố trí kinh phí hàng năm để duy tu, sửa chữa cầu treo. Tại các huyện: Chư Sê, Kbang, Chư Prông, Mang Yang, Đak Đoa và TP. Pleiku, công tác quản lý, kiểm tra cầu treo còn lơ là hoặc không thực hiện, dẫn đến các hư hỏng không được sửa chữa, khắc phục kịp thời, ảnh hưởng đến sự an toàn của người và phương tiện khi lưu thông. Công tác bảo dưỡng cầu treo được các địa phương thực hiện từ 2 đến 3 năm/lần nên bó thép, dây cáp không được kiểm tra, bôi mỡ chống rỉ sét; bó thép qua sử dụng lâu ngày chưa được thay thế; dầm dọc, dầm ngang, lan can cầu hư hỏng mất tác dụng chưa được sửa chữa, khắc phục kịp thời. Các địa phương thực hiện công tác duy tu chủ yếu là sơn lại lan can, siết lại các liên kết giữa quang treo và dây chủ, bôi mỡ trụ cầu và thay thế một số bộ phận cầu bị hư hỏng nhỏ.
   Người dân phải dùng thân cây đặt ở vị trí hư hỏng trên mặt cầu treo Biển Hồ (TP. Pleiku) để cảnh báo người qua lại. Ảnh: C.H
Người dân phải dùng thân cây đặt ở vị trí hư hỏng trên mặt cầu treo Biển Hồ (TP. Pleiku) để cảnh báo người qua lại. Ảnh: C.H
Theo ghi nhận của P.V tại cầu treo Biển Hồ (TP. Pleiku), vào dịp cuối tuần, du khách từ các nơi đến tham quan, du lịch và chụp ảnh khá đông. Tuy nhiên, mặt cầu treo đã hư hỏng, nhiều vị trí gỗ mục tạo thành các lỗ hổng giữa cầu, người dân phải dùng gỗ lớn để chắn ngang và dùng thân cây cắm cảnh báo. Lan can bảo vệ của cầu treo lâu ngày không được duy tu, bảo dưỡng đã tróc sơn, nhiều vị trí đã gãy, mất tác dụng và chỉ cần một sơ suất nhỏ người tham gia giao thông rất dễ rơi khỏi cầu.
Ngoài các cầu treo do Nhà nước đầu tư xây dựng, trên địa bàn tỉnh hiện có nhiều cầu treo dân sinh do nhân dân tự làm, quản lý và duy tu bảo dưỡng. Đa phần các cầu treo tự phát này đều không đảm bảo an toàn, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn. Điển hình như cầu treo làng Chơ Rơng 2 (xã Đak Ta Ley, huyện Mang Yang) bắc qua một đoạn của sông Ayun, dài khoảng 40 m, rộng 1,5 m, phần mặt cầu được lót bằng ván gỗ mỏng ghép lại, thành cầu được đan bằng các thanh gỗ, tre nứa và quây bằng dây thép gai, nhiều vị trí thành cầu đã mục gãy. Điều đáng nói, dây cáp cầu treo được cố định vào những thân cây 2 bên bờ sông nên rất nguy hiểm.
Theo thống kê của Sở GT-VT, trên địa bàn tỉnh hiện có 45 cầu treo phục vụ nhu cầu giao thông, tập trung ở các huyện: Chư Sê, Chư Prông, Ia Grai, Kbang, Kông Chro, Mang Yang, Đak Đoa, Chư Pah, Krông Pa và TP. Pleiku. Trong số này có 33 cầu do UBND cấp huyện quản lý, 3 cầu do UBND cấp xã quản lý, 1 cầu nằm trên tỉnh lộ 665 do Sở GT-VT quản lý, còn lại 8 cầu do các hộ dân tự làm, quản lý và duy tu bảo dưỡng.
Trao đổi với P.V, ông Lê Văn Hạnh-Phó Giám đốc phụ trách Sở GT-VT, cho biết: Công tác quản lý, bảo trì hạ tầng giao thông ở địa phương đã được UBND tỉnh phân cấp cho UBND cấp huyện, cấp xã thực hiện. Do đó, hàng năm, UBND huyện, thị xã, thành phố, UBND cấp xã phải có trách nhiệm quản lý, bảo trì các cầu treo ở địa phương; đồng thời xây dựng kế hoạch, bố trí kinh phí bảo trì, sửa chữa kịp thời các hư hỏng của cầu treo để đảm bảo an toàn cho người và phương tiện lưu thông. Để đảm bảo an toàn giao thông trước mùa mưa bão, hàng năm, Sở GT-VT đều chủ động đôn đốc các địa phương kiểm tra, rà soát và sửa chữa kịp thời các hư hỏng trên hệ thống cầu, cống, các tuyến đường nói chung và cầu treo nói riêng.
Nhằm đảm bảo an toàn lưu thông qua cầu treo, Sở GT-VT đã đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố có biện pháp điều tiết giao thông, thực hiện sửa chữa khẩn cấp các cầu treo hư hỏng trước khi cho phép phương tiện lưu thông trở lại. Đồng thời, cấm lưu thông và tháo dỡ các cầu dân sinh không đảm bảo an toàn do người dân tự làm để đi vào rẫy, khu sản xuất thuộc huyện Mang Yang và Chư Pah. Đối với các cầu treo dân sinh vẫn đảm bảo an toàn cho người đi bộ, đề nghị UBND cấp huyện chỉ đạo cơ quan chức năng thường xuyên kiểm tra, theo dõi, vận động nhân dân sửa chữa kịp thời những hư hỏng phát sinh trong quá trình sử dụng để đảm bảo an toàn giao thông cho người và phương tiện khi lưu thông.
Chí Hào

Có thể bạn quan tâm