TP HCM sắp có 4 trung tâm thông minh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Trung tâm điều hành đô thị thông minh, kho dữ liệu dùng chung và triển khai hệ sinh thái dữ liệu mở… sẽ được TP HCM đưa vào vận hành đầu năm 2019.
Chiều 28-11, Sở Thông tin và Truyền thông (TT-TT) TP HCM đã họp báo công bố kết quả triển khai 4 trung tâm thuộc Đề án xây dựng TP trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2025. Bốn trung tâm gồm Kho dữ liệu dùng chung và triển khai hệ sinh thái dữ liệu mở; Trung tâm điều hành đô thị thông minh; Trung tâm mô phỏng và dự báo kinh tế - xã hội; Trung tâm an toàn thông tin.
Minh bạch, cầu thị tối đa trong thực hiện
Thông báo kết quả triển khai 4 trung tâm trên, Phó Giám đốc Sở TT-TT Lê Quốc Cường cho biết qua 1 năm thực hiện đã có những kết quả nhất định. Cụ thể, Kho dữ liệu dùng chung và triển khai hệ sinh thái dữ liệu mở giai đoạn 1 sẽ đi vào hoạt động vào tháng 1-2019 tại Công viên Phần mềm Quang Trung trên cơ sở tích hợp dữ liệu hiện có của các sở, ngành. Đến quý III/2019 sẽ tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư xây dựng Kho dữ liệu dùng chung giai đoạn 2. Về Trung tâm điều hành đô thị thông minh, vào tháng 1-2019, TP sẽ vận hành giai đoạn 1 tại UBND TP, trên cơ sở tích hợp thông tin từ các hệ thống camera hiện có của Văn phòng UBND TP, các sở - ngành, các trung tâm; hệ thống liên thông tổng đài khẩn cấp 113-114-115; hệ thống tiếp nhận, xử lý thông tin phản ánh sự cố hạ tầng kỹ thuật đô thị 1022 vào Trung tâm điều hành chung.
Trung tâm điều hành đô thị thông minh TP vận hành giai đoạn 1 trên cơ sở tích hợp thông tin từ các hệ thống camera, trong đó có hệ thống camera giám sát xe buýt tại Trung tâm Quản lý giao thông công cộng Ảnh: GIA MINH
Trung tâm điều hành đô thị thông minh TP vận hành giai đoạn 1 trên cơ sở tích hợp thông tin từ các hệ thống camera, trong đó có hệ thống camera giám sát xe buýt tại Trung tâm Quản lý giao thông công cộng Ảnh: GIA MINH
Đối với Trung tâm mô phỏng và dự báo kinh tế - xã hội, tháng 1-2019 sẽ thành lập Phòng mô phỏng dự báo kinh tế - xã hội tại Viện Nghiên cứu phát triển TP, phục vụ cho việc xây dựng văn kiện Đại hội Đảng bộ TP lần thứ 11. Đến quý I/2019, TP sẽ phê duyệt báo cáo nghiên cứu tiền khả thi xây dựng Trung tâm mô phỏng và dự báo kinh tế - xã hội. Cuối cùng là Trung tâm An toàn thông tin của TP. Trong tháng 12-2018, UBND TP phê duyệt Đề án thành lập Công ty CP Vận hành Trung tâm An toàn thông tin TP. Trên cơ sở đề án được phê duyệt, Tổng Công ty Công nghiệp Sài Gòn hoàn thành việc thành lập công ty trong quý I/2019. Theo ông Lê Quốc Cường, một số sản phẩm demo của các trung tâm sẽ được trưng bày, giới thiệu tại kỳ họp HĐND TP vào tháng 12 tới để lấy ý kiến.
Giám đốc Sở TT-TT Dương Anh Đức nhấn mạnh tất cả các đề án mà TP thực hiện đều hướng đến phục vụ tốt hơn đời sống của người dân. Đề án xây dựng đô thị thông minh cũng vậy. "Trong quá trình thực hiện, TP sẽ minh bạch tối đa. Đô thị thông minh không chỉ là công nghệ. Nó bắt đầu từ công nghệ nhưng hướng đến phục vụ con người. Do đó, chúng tôi rất cầu thị, sẽ thường xuyên cập nhật thông tin để nhận ý kiến đóng góp của mọi tầng lớp nhân dân cho đề án" - ông Đức chia sẻ và cho biết việc thực hiện đề án sẽ cần nhiều kinh phí nhưng đơn vị cam kết sử dụng hiệu quả bởi đây là tiền thuế của dân.
Số hóa nhiều lĩnh vực
Nói rõ hơn về việc người dân sẽ được hưởng thụ gì từ Đề án xây dựng đô thị thông minh mà cụ thể là kho dữ liệu dùng chung, Phó Giám đốc Sở TT-TT Võ Thị Trung Trinh cho biết có 3 cấu phần. Một là cấu phần người dân sẽ bao gồm dân cư và hộ tịch. Hai là cấu phần doanh nghiệp gồm 3 phần chính là tình hình thông tin hoạt động, nộp thuế và xuất nhập khẩu của doanh nghiệp. Cấu phần thứ 3 là thông tin đất đai gồm bản đồ địa hình và bản đồ địa chính gắn với quyền sử dụng nhà ở, đất ở. Theo bà Trinh, 3 cấu phần dữ liệu này rất quan trọng và lộ trình tới năm 2020 sẽ đi vào hoạt động. Tuy nhiên, bà Trinh cho biết đặc điểm của cơ sở dữ liệu là phải sử dụng thì mới "sống" nên quá trình làm có bao nhiêu sẽ cho khai thác bấy nhiêu. "Đó là lý do vì sao mà đầu năm 2019 TP đã vận hành kho dữ liệu dùng chung. Ngoài ra, TP sẽ đẩy mạnh quá trình làm cơ sở dữ liệu. Riêng phần giao cho 24 quận - huyện làm cơ sở dữ liệu về hộ tịch, dân cư là khoảng 500 tỉ đồng; đất đai giao cho Sở Tài nguyên và Môi trường là hơn 100 tỉ đồng, nếu tính cả bản bồ địa chính, địa hình đến năm 2020 là 500 tỉ đồng" - bà Trinh thông tin.
Cũng theo bà Trinh, TP dồn nguồn lực rất lớn để hình thành kho dữ liệu dùng chung. Mục đích đầu tiên của kho dữ liệu dùng chung là phải phục vụ cho người dân. Cụ thể, khi hình thành cơ sở dữ liệu người dân, những thông tin liên quan đến người dân TP sẽ sử dụng kho dữ liệu này thay vì phải photocopy giấy tờ, mất nhiều thời gian. Đặc biệt, TP hướng đến việc số hóa toàn bộ hộ tịch của TP. Sau khi làm xong, người dân sẽ được tận hưởng ngay trong việc trích lục thủ tục hành chính liên quan đến hộ tịch. Ngoài ra, TP cũng sẽ công bố 2 dữ liệu nữa liên quan đến trực tiếp người dân là chứng chỉ hành nghề của bác sĩ và cơ sở khám chữa bệnh.
Riêng với Trung tâm điều hành đô thị thông minh, ông Lê Quốc Cường khẳng định đây sẽ là nơi tổng hợp tất cả nguồn thông tin, dữ liệu của TP trên tất cả lĩnh vực; qua đó giúp ứng cứu, xử lý tình huống và giúp lãnh đạo các cấp điều hành một cách tổng thể. Về Trung tâm mô phỏng và dự báo kinh tế - xã hội, ông Trần Anh Tuấn, quyền Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TP, nói: "Khi hình thành sẽ phục vụ gián tiếp cho người dân. Ví như trung tâm dự báo xu hướng việc làm nhiều năm tới, phụ huynh sẽ biết định hướng cho con em mình học ngành nghề gì phù hợp". 
 
Linh động để tìm chuyên gia giỏi
Trước câu hỏi của báo giới vì sao TP chọn Tổng Công ty Công nghiệp Sài Gòn để thành lập một công ty cổ phần phụ trách Trung tâm An toàn thông tin của TP HCM, Giám đốc Sở TT-TT Dương Anh Đức cho biết TP cần một đơn vị đủ tiềm lực đứng ra là đầu mối tổ chức. Theo ông, trong lĩnh vực an toàn thông tin, dùng phải chuyên gia dỏm thì nguy hiểm hơn là không dùng. Do đó, TP mới đưa ra cơ chế là thành lập một công ty cổ phần, linh động trong chính sách để có thể mời được những chuyên gia hàng đầu, giỏi thật sự, tập hợp được các nguồn lực.
Phan Anh (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm

Thị trường đất nền 'rã băng'

Thị trường đất nền 'rã băng'

Ở phía Bắc, nhu cầu tìm mua đất nền tăng mạnh ở một số huyện ngoại thành Hà Nội, như Đông Anh, Long Biên, Hoài Đức tăng từ 1,7 - 2 lần so với quý I/2023. Trong khi ở phía Nam, mức độ quan tâm đất nền tại quận 12, TP.Thủ Đức, huyện Hóc Môn tăng từ 13 - 25%.