Sống khổ trên đất dự án

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Tấm pa nô thể hiện bản đồ quy hoạch chi tiết dự án Khu dân cư đường Nguyễn Văn Linh (TP. Pleiku) giờ đã gỉ sét, bong tróc không còn đọc được nội dung gì. Trong khi đó, gần 1.000 hộ dân trong vùng quy hoạch dự án đã phải khốn khó hơn chục năm qua khi không thể sửa chữa, nâng cấp nhà ở; sang nhượng, tách thửa hay thế chấp đất để vay vốn ngân hàng...

Sửa nhà “chui”

Con hẻm 163 Lê Thánh Tôn (TP. Pleiku) đầy rẫy ổ voi, ổ gà lâu năm không được sửa sang, để lộ lớp đá lởm chởm như thử thách người đi đường. Hai bên đường, nhiều ngôi nhà đã cũ kỹ, xập xệ, hàng rào rách nát, xiêu vẹo. Dẫn chúng tôi đi dọc con hẻm hai bên mọc đầy cỏ dại, ông Lê Đăng Hùng (tổ dân phố 9, phường Ia Kring) nói đùa rằng ở con hẻm này “nhà không số, lộ không tên, ban đêm không điện đường”. Nhưng quả đúng vậy. Khó ai có thể tin rằng, ngay giữa lòng TP. Pleiku lại tồn tại một khu dân cư mà người dân phải sống trong cảnh khốn khó đến thế. “Từ khi dự án Khu dân cư đường Nguyễn Văn Linh được phê duyệt, gia đình tôi cũng như gần 1.000 hộ dân ở đây không thể chuyển nhượng quyền sử dụng đất hoặc tách thửa cho con cái, thậm chí nhà cửa hư hỏng cũng không được nâng cấp, sửa chữa. Đời sống gặp muôn vàn khó khăn, đường sá hư hỏng nhưng không được đầu tư, ban ngày đi đã khó, ban đêm càng khó hơn”-ông Hùng than thở.

Tại tổ 8 (phường Ia Kring), căn nhà cấp 4 của ông Lê Văn Đông đã xuống cấp trầm trọng nhưng gia chủ cũng không thể sửa sang. Chỗ tường nhà bị nứt nghiêng, ông Đông phải dùng cây chống đỡ. Căn nhà này ông làm từ năm 1991, diện tích chỉ gần 80 m2 nhưng có đến 8 khẩu thuộc 3 thế hệ đang cùng sinh sống. Mùa mưa đến, nhà ẩm dột,  đồ đạc thường xuyên hư hỏng. Cả gia đình sống trong cảnh thấp thỏm lo âu bởi căn nhà có thể bị sập đổ bất cứ lúc nào. “Chúng tôi mong chính quyền sớm có quyết định thực hiện dự án, tạo điều kiện để gia đình xây dựng lại căn nhà, đảm bảo an toàn trong điều kiện thời tiết mưa bão ngày càng khắc nghiệt”-ông Đông mong mỏi.

  Căn nhà của ông Lê Văn Đông (tổ 8, phường Ia Kring, TP. Pleiku) nhiều năm không được nâng cấp, sửa chữa do nằm trong vùng quy hoạch của dự án. Ảnh: T.N
Căn nhà của ông Lê Văn Đông (tổ 8, phường Ia Kring, TP. Pleiku) nhiều năm không được nâng cấp, sửa chữa do nằm trong vùng quy hoạch của dự án. Ảnh: T.N



Cũng là hộ nằm trong khu quy hoạch, ông Tô Văn Khải (tổ dân phố 8, phường Ia Kring) cho biết: Các tuyến đường ở xung quanh như: Nguyễn Đường, Nguyễn Thái Bình, Võ Trung Thành được đầu tư nâng cấp mở rộng, người dân xây nhà mới khang trang. Nhưng tuyến đường nơi ông đang sinh sống thì trái ngược hoàn toàn, nhà cửa lụp xụp, rách nát. “Những hộ dân nằm trong diện quy hoạch muốn sửa chữa lại nhà cho đỡ dột vào mùa mưa cũng phải lén lút làm. Vì sửa chữa lớn thì chính quyền địa phương không cho phép, mà sửa chữa nhỏ thì năm nào cũng làm, rất tốn kém. Có những hộ ở đây buộc phải làm liều. Để tránh bị cán bộ địa phương phát hiện, họ phải sửa nhà vào ban đêm. Cứ như thế sau vài tháng thì công việc mới hoàn thành”-ông Khải cho biết.

Treo rồi lại… tiếp tục chờ

Theo ông Nguyễn Minh Thành (hẻm 163 Lê Thánh Tôn, tổ 8, phường Ia Kring), nhiều hộ dân vì mỏi mòn đợi chờ dự án nhưng chẳng thấy động tĩnh gì nên đành phải bán đổ bán tháo đất (có bán nhưng chỉ công chứng, không được sang tên bìa đỏ) lấy tiền tìm nơi khác sinh sống. Số hộ còn lại thì tiếp tục chờ dự án triển khai. Ông Thành chép miệng não nề: “Chính vì có đất nằm trong vùng dự án mà những hộ dân tại đây gần như mất đi quyền công dân của mình. Bìa đỏ trong tay nhưng không thể sang nhượng, tách thửa cho con hay thế chấp ngân hàng vay vốn phát triển kinh tế. Quyền lợi không bị tước đoạt thì là gì?”.

Theo tìm hiểu của P.V, tháng 6-2009, UBND tỉnh ra Quyết định số 317/QĐ-UBND phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng Khu dân cư đường Nguyễn Văn Linh với quy mô 94,4 ha bao gồm đất giao thông và các hạng mục công trình kèm theo, đất khu tái định cư, khu đất dành cho kinh doanh, đất cây xanh, cấp thoát nước, đường nội bộ khu dân cư… Nhưng trước đó nhiều năm, người dân đã được chính quyền địa phương thông báo khu vực này nằm trong diện quy hoạch, không được xây dựng nhà cửa và sửa chữa lớn. Tuy nhiên, đến tháng 7-2011, UBND tỉnh lại có Công văn số 2236/UBND-CNXD chỉ đạo UBND TP. Pleiku không triển khai dự án Khu dân cư đường Nguyễn Văn Linh. Đến tháng 2-2015, UBND tỉnh chính thức ra quyết định chấm dứt hoạt động dự án Khu dân cư đường Nguyễn Văn Linh của Công ty cổ phần Đầu tư Saigon Highland vì chủ đầu tư này không có khả năng triển khai dự án như đã cam kết, vi phạm Luật Đầu tư. Tới tháng 9-2015, UBND TP. Pleiku tiếp tục có Tờ trình số 225/TTr-UBND gửi UBND tỉnh xin chủ trương điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng dự án này. Sau nhiều lần điều chỉnh, tháng 7-2017, UBND tỉnh có Công văn số 2878/UBND-CNXD thống nhất chủ trương điều chỉnh quy hoạch chi tiết dự án với tổng diện tích quy hoạch là 94,9 ha.

Trao đổi với P.V, ông Trần Xuân Quang-Chủ tịch UBND TP. Pleiku-cho biết: Dự án Khu dân cư đường Nguyễn Văn Linh đang được UBND tỉnh giao cho Ban Quản lý dự án Đầu tư Xây dựng các công trình giao thông tỉnh đại diện cơ quan nhà nước mời thầu. Trên cơ sở điều chỉnh quy hoạch chi tiết dự án của TP. Pleiku đã được UBND tỉnh thống nhất chủ trương, đơn vị này sẽ lập các thủ tục đầu tư theo quy định. Khi dự án triển khai thì khâu giải phóng mặt bằng, đền bù giải tỏa mới giao lại cho TP. Pleiku thực hiện. Tuy nhiên, theo ông Phạm Xuân Điệp-Giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư Xây dựng các công trình giao thông tỉnh, dự án mới được UBND tỉnh giao về cho đơn vị nên chưa thể triển khai. Đơn vị đang nghiên cứu lại quy hoạch để lập hồ sơ mời thầu, kêu gọi đầu tư, lựa chọn nhà đầu tư, sau đó trình cấp có thẩm quyền triển khai các bước tiếp theo.

Tuy nhiên, mới đây (giữa tháng 9-2018), tại buổi làm việc của Ban Thường vụ Tỉnh ủy với Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh về tình hình triển khai thực hiện các công trình, dự án từ đầu nhiệm kỳ (2015-2020) đến nay, dự án này tiếp tục bị ách tắc. Theo đó, Bộ Tài chính đã có văn bản chỉ đạo “Tạm dừng việc xem xét, quyết định sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án đầu tư theo hình thức xây dựng kể từ ngày 1-1-2018 cho đến khi nghị định của Chính phủ có quy định mới về việc này”. Do vậy, trong thời gian này, UBND tỉnh đề nghị nhà đầu tư xem xét, đề xuất, hoàn chỉnh các điều kiện phải đáp ứng đối với dự án do nhà đầu tư đề xuất theo quy định của Nghị định 63/2018/NĐ-CP về đầu tư theo hình thức đối tác công tư (như lập báo cáo đánh giá tác động môi trường, xác định giá trị đền bù, lập phương án giải phóng mặt bằng…).

Như vậy, thêm một lần nữa, chuỗi ngày dài chịu đựng những hệ lụy của một dự án treo hàng chục năm của người dân nơi đây vẫn chưa có hồi kết…

Nhóm Phóng viên
 

Có thể bạn quan tâm