Ngõ sạch, đường hoa ở thôn Đoàn Kết

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Đường sá thông thoáng, nhà cửa sạch sẽ, bờ rào rực rỡ sắc hoa... là những hình ảnh dễ nhận thấy khi đến thăm thôn Đoàn Kết (xã Bờ Ngoong, huyện Chư Sê). Có được điều này là nhờ thời gian qua, cả cộng đồng cư dân nơi đây đã nỗ lực chung tay xây dựng môi trường xanh-sạch-đẹp.  
Dẫn chúng tôi đi một vòng quanh thôn, ông Lê Sỹ Thao-Trưởng ban Công tác Mặt trận thôn Đoàn Kết-tự hào khoe rằng, thôn Đoàn Kết là nơi sạch đẹp nhất của xã Bờ Ngoong với 3 “không”: không vứt rác bừa bãi, không bụi rậm ven đường và không túi ni lông khi đi chợ. Trước kia, nguyên tắc trên được một số hộ dân thực hiện thường xuyên và gần đây đã trở thành phong trào lan tỏa rộng khắp trong cộng đồng dân cư địa phương.
 Một góc đường làng sạch đẹp, rực rỡ sắc hoa ở thôn Đoàn Kết. Ảnh: Hồng Thi
Một góc đường làng sạch đẹp, rực rỡ sắc hoa ở thôn Đoàn Kết. Ảnh: Hồng Thi
Kết quả đó có được từ khi thôn Đoàn Kết được Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh chọn xây dựng mô hình điểm Khu dân cư tự quản bảo vệ môi trường của tỉnh gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” (tháng 8-2018). Ngay sau khi được chọn xây dựng mô hình điểm, thôn đã thành lập Tổ tự quản bảo vệ môi trường gồm 15 thành viên là Phó thôn trưởng, Trưởng ban Công tác Mặt trận, Chi hội trưởng các chi hội: Nông dân, Phụ nữ, Cựu chiến binh, Bí thư chi đoàn thôn… và đại diện 3 gia đình tiêu biểu thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường.
Tổ tự quản đã tăng cường tuyên truyền, vận động người dân trong thôn tham gia bảo vệ môi trường, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng-chống thiên tai. Mặt khác, để phát huy dân chủ và tính tự giác của người dân, thôn Đoàn Kết đã ban hành quy ước của “Khu dân cư tự quản bảo vệ môi trường”, đồng thời tổ chức cho từng hộ ký cam kết thực hiện. Theo đó, mỗi hộ gia đình phải có vật dụng chứa rác thải, chất thải đảm bảo không gây ô nhiễm trước khi đưa đến nơi tập trung; tiến hành phân loại và bỏ rác đúng nơi quy định; trong chăn nuôi gia súc, gia cầm phải vệ sinh chuồng trại, không được để chất thải ảnh hưởng đến môi trường xung quanh; hạn chế sử dụng chất thải nhựa, hướng tới cuộc sống thân thiện với môi trường…
Thành viên của Tổ tự quản đang tuyên truyền, vận động người dân trong thôn thực hiện quy ước bảo vệ môi trường. Ảnh: H.T
Thành viên của Tổ tự quản đang tuyên truyền, vận động người dân trong thôn thực hiện quy ước bảo vệ môi trường. Ảnh: H.T
“Trước khi xây dựng Khu dân cư tự quản bảo vệ môi trường, cả thôn chỉ có 10/168 hộ chủ động phân loại rác và nói “không” với túi ni lông khi đi chợ thì hiện tại, 90% số hộ đã thực hiện điều này. Ngoài ra, thôn còn huy động người dân hường xuyên quét dọn đường làng ngõ xóm, phát quang cây cối hai bên đường; trồng hoa để tạo cảnh quan; hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất nhằm giảm thiểu ô nhiễm đất, nguồn nước… Nhờ những việc làm đó, ý thức giữ gìn môi trường sống xanh-sạch-đẹp của bà con ngày một nâng lên”-ông Thao cho hay.
Bà Rơ Lan HLang-Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Bờ Ngoong: “Ủy ban MTTQ Việt Nam xã đã ban hành kế hoạch tổ chức các hoạt động đảm bảo vệ sinh môi trường trên địa bàn, nhất là các làng đồng bào dân tộc thiểu số. Trong đó, chú trọng tuyên truyền, phổ biến sâu rộng đến nhân dân việc sử dụng nước sạch, làm nhà vệ sinh, nhà tắm, đào hố rác và di dời chuồng trại đảm bảo vệ sinh môi trường; giữ gìn sạch sẽ khuôn viên nhà ở, đường làng ngõ xóm, không xả rác và đốt rác bừa bãi trên các tuyến đường”.

Là một trong những gia đình có nhiều hoạt động thiết thực trong việc bảo vệ môi trường, bà Lưu Thị Duyên đã được Ban nhân dân thôn tín nhiệm chọn làm thành viên của Tổ tự quản. Từ lúc tham gia, bà Duyên đã tích cực tuyên truyền, vận động người thân, hàng xóm, hội viên phụ nữ triển khai những phần việc thiết thực bảo vệ môi trường như: sử dụng giỏ xách, hộp nhựa đi chợ để đựng thực phẩm sau khi mua nhằm hạn chế sử dụng túi ni lông; có túi phân loại rác hữu cơ, vô cơ và tái chế riêng biệt để tiện cho việc xử lý; thực hiện hàng rào xanh-con đường hoa… Bà Duyên chia sẻ: “Lúc đầu, thấy tôi đem hộp nhựa đi chợ, nhiều người thắc mắc lắm. Sau khi nghe tôi phân tích, đa phần họ đều đánh giá đó là cách làm hay. Còn những việc làm khác, tôi đều làm gương, rồi thủ thỉ trò chuyện để chị em hiểu lợi ích của hành động bảo vệ môi trường mà tự giác thực hiện”.
Còn chị Phạm Thị Thu Hiền vui vẻ nói: “Gia đình tôi làm nghề may nên vải vụn, chỉ thừa rất nhiều. Trước đây, tôi không có khái niệm phân loại rác và thường sử dụng túi ni lông để đựng thức ăn, đồ đạc. Nhưng từ khi được các thành viên trong Tổ tự quản bảo vệ môi trường của thôn tuyên truyền, giải thích về lợi ích, tác hại từ thói quen lâu nay, gia đình đã dần thay đổi. Nhìn khu dân cư mình sinh sống ngày càng sạch đẹp mà mình cũng là người góp phần xây dựng, tôi rất phấn khởi”. 
Từ thành công của mô hình Khu dân cư tự quản bảo vệ môi trường ở thôn Đoàn Kết, Đảng ủy xã Bờ Ngoong đã chỉ đạo toàn hệ thống chính trị học tập, nhân rộng ra 11 thôn, làng còn lại. Đây cũng là yếu tố giúp xã sớm hoàn thành tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới.
Hồng Thi

Có thể bạn quan tâm