Đến năm 2020, cần hơn 952.000 tỷ đồng để hoàn thiện hạ tầng giao thông

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Sáng 4-6, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể mở màn phiên chất vấn, trả lời về giải pháp hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông và bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong cả nước, nhất là tại các thành phố lớn. Người đứng đầu Bộ GTVT cũng nói về giải pháp xử lý những vấn đề tồn tại đối với các dự án giao thông BOT.

Mức hữu dụng và chất lượng cơ sở hạ tầng giao thông của Việt Nam tăng 36 bậc trong 5 năm

Báo cáo của Bộ GTVT gửi đến các đại biểu Quốc hội cho biết, triển khai thực hiện chủ trương, định hướng của Đảng, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông thời gian qua đã được quan tâm đầu tư. Nhiều công trình giao thông lớn, hiện đại như: các tuyến đường bộ cao tốc; mở rộng quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua khu vực Tây Nguyên; các cảng biển: Quảng Ninh (khu bến Cái Lân), Hải Phòng (khu bến Lạch Huyện), cảng Đà Nẵng (khu bến Tiên Sa), thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu (khu bến Cái Mép - Thị Vải), Cần thơ…, Luồng cho tàu có trọng tải lớn vào sông Hậu; các cảng hàng không quốc tế Nội Bài, Đà Nẵng, Tân Sơn Nhất, Cần Thơ, Cam Ranh... đã và đang từng bước đầu tư xây dựng, đạt tiêu chuẩn khu vực và quốc tế, góp phần tạo diện mạo mới cho đất nước, tạo lập được sự kết nối giữa các vùng miền trong cả nước và với quốc tế. Giao thông đô thị từng bước được cải tạo, nâng cấp và mở rộng, đặc biệt tại các đô thị lớn.

 

Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể tại phiên chất vấn sáng 4-6.
Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể tại phiên chất vấn sáng 4-6.

Nhiều công trình hạ tầng giao thông được tập trung đầu tư nâng cấp, trong đó có một số dự án trọng điểm tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh như: cầu Thanh Trì, cầu Vĩnh Tuy, cầu Nhật Tân, cầu Vĩnh Thịnh, đường vành đai III Hà Nội, hầm Kim Liên, đại lộ Thăng Long, đại lộ Đông Tây, hầm Thủ Thiêm…; một số dự án đường sắt đô thị như thành phố Hà Nội - Hà Đông, Nhổn - Ga Hà Nội, Bến Thành - Suối Tiên… So với năm 2005, kết cấu hạ tầng đường bộ (chỉ tính tới cấp tỉnh) tăng từ 39.646 km (khoảng 16.761 km quốc lộ; 22.885 km đường tỉnh) lên 64.504 km (khoảng 831 km đường cao tốc, 23.862 km quốc lộ; 10.900 km đường đô thị; 28.911 km đường  tỉnh), kết cấu hạ tầng đường sắt tăng từ 2.600 km khai thác lên 3.160 km, kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa tăng từ 15.436 km quản lý khai thác lên 17.232 km, công suất khai thác hệ thống cảng biển tăng từ khoảng 32,5 triệu tấn hàng/năm lên khoảng từ 500 đến 550 triệu tấn hàng/năm, công suất khai thác hệ thống cảng hàng không tăng từ khoảng 18 triệu khách/năm lên 77,75 triệu hành khách/năm.

Báo cáo của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) cho thấy, mức hữu dụng và chất lượng cơ sở hạ tầng giao thông của Việt Nam năm 2015 đứng ở vị trí 67, tăng 36 bậc trong 5 năm (năm 2010 ở vị trí thứ 103).

Bên cạnh đó, hoạt động vận tải tăng trưởng bình quân hàng năm tăng từ 8-9% và từng bước được quản lý chặt chẽ trên tất cả các lĩnh vực, cơ bản đáp ứng nhu cầu vận tải trong nước và quốc tế; hạn chế tình trạng ùn tắc hành khách, hàng hóa tại cảng hàng không, ga đường sắt, bến xe, bến cảng vào mùa vận tải cao điểm; đồng thời chất lượng phục vụ, dịch vụ vận tải cũng không ngừng được đổi mới, nâng cao với nhiều thành phần kinh tế tham gia, đảm bảo thị trường vận tải cạnh tranh lành mạnh; giá cước vận tải cơ bản đã được kiểm soát, bảo đảm phục vụ tốt hơn nhu cầu đi lại của nhân dân, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh, góp phần kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội qua đó đã nâng cao khả năng cạnh tranh của nền kinh tế.

Hệ thống hạ tầng giao thông vẫn chưa đáp ứng yêu cầu phát triển

Báo cáo của Bộ GTVT cũng cho biết, mặc dù phát triển mạnh trong 5 năm qua nhưng nhìn chung đến nay hệ thống hạ tầng giao thông nước ta vẫn chưa đáp ứng yêu cầu phát triển để tiến tới mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Trong đó, còn mất cân đối trong đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, hệ thống đường bộ cao tốc mới bước đầu hình thành; hệ thống đường sắt đã lạc hậu, chưa đầu tư được đường sắt tốc độ cao; dịch vụ hỗ trợ sau cảng biển (khu hậu cần cảng) chưa được đầu tư tương xứng; một số cảng hàng không đã xảy ra quá tải; kết nối giữa các lĩnh vực giao thông chưa đáp ứng, gây áp lực cao trong vận tải hàng hóa lên hệ thống hạ tầng giao thông đường bộ...

Do khó khăn về kinh phí, hệ thống hạ tầng giao thông hiện hữu cũng chưa được duy tu, bảo dưỡng kịp thời làm hạn chế năng lực khai thác. Những bất cập trên đã và đang làm giảm vị thế đi trước mở đường của ngành giao thông vận tải trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Phấn đấu đến năm 2020 cả nước có trên 2.000 km đường cao tốc

Về định hướng phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, nhằm đáp ứng mục tiêu đến năm 2020, hệ thống giao thông vận tải nước ta cần cơ bản đáp ứng nhu cầu vận tải của xã hội, đảm bảo chất lượng ngày càng được nâng cao, giá thành hợp lý; tiếp tục kéo giảm tai nạn giao thông và hạn chế ô nhiễm môi trường, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, Báo cáo của Bộ GTVT cho biết, nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vận tải trong giai đoạn 2016 - 2020 được xác định như sau:

- Về đường bộ: Ưu tiên đầu tư xây dựng các công trình trọng điểm gồm các tuyến cao tốc, quốc lộ trọng yếu, các tuyến có nhu cầu vận tải lớn, các tuyến kết nối. Phấn đấu đến năm 2020 cả nước có trên 2.000 km đường cao tốc, trong đó ưu tiên đầu tư cao tốc Bắc - Nam đoạn thành phố Hà Nội - thành phố Hồ Chí Minh.

- Về đường sắt: Tập trung ưu tiên nâng cấp, hiện đại hóa tuyến đường sắt Bắc - Nam hiện có. Nghiên cứu các phương án khả thi đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam để có kế hoạch đầu tư xây dựng phù hợp.

- Về đường thủy nội địa: Tập trung cải tạo, nâng cấp các tuyến đường thủy nội địa chính; ưu tiên hoàn thành nâng cấp các tuyến kết nối vùng đồng bằng Sông Cửu Long với thành phố Hồ Chí Minh; các tuyến sông Tiền, sông Hậu, sông Hồng, sông Thái Bình; tăng chiều dài các đoạn tuyến sông được khai thác. Nâng cấp và xây dựng mới một số cảng thủy nội địa chính, bến hàng hóa và hành khách ở đồng bằng Sông Cửu Long, đồng bằng Sông Hồng để phục vụ nhu cầu vận chuyển hàng hóa và hành khách.

- Về hàng hải: Tiếp tục đầu tư phát triển hệ thống cảng biển quốc gia, các cảng cửa ngõ quốc tế tại các vùng kinh tế trọng điểm có khả năng tiếp nhận các tàu container thế hệ mới. Ưu tiên đầu tư đồng bộ, hiện đại các khu bến cảng Lạch Huyện và khu bến cảng Cái Mép - Thị Vải. Đầu tư đảm bảo sự kết nối liên hoàn giữa cảng biển với mạng giao thông quốc gia và đầu mối logistics ở khu vực. Xây dựng các cảng cạn và các kết cấu hạ tầng khác hỗ trợ phát triển dịch vụ logistics.

- Về hàng không: Triển khai đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành; khai thác hiệu quả các cảng hàng không, sân bay hiện có, trong đó ưu tiên đầu tư nâng cấp đồng bộ, hiện đại các cảng hàng không quốc tế Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng, Cần Thơ và Cam Ranh.

- Phối hợp với các tỉnh, thành phố đầu tư phát triển hạ tầng giao thông đô thị:

+ Phát triển hợp lý hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đô thị và vận tải công cộng; phấn đấu quỹ đất dành cho giao thông đô thị từ 16-26% (hiện nay mới đạt khoảng 8-9% với thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh); tập trung phát triển các tuyến vận tải công cộng khối lượng lớn.

+ Tập trung đầu tư nâng cấp, mở rộng và xây dựng mới các tuyến đường chính ra, vào thành phố, các trục giao thông hướng tâm, các nút giao lập thể tại các giao lộ lớn, các tuyến tránh đô thị, các đường vành đai đô thị (Vành đai 4, 5 Hà Nội; vành đai 3, 4 thành phố Hồ Chí Minh). Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đường sắt nội, ngoại ô tại Thủ đô Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.

+ Tổ chức quản lý giao thông đô thị một cách khoa học, sử dụng công nghệ và thiết bị hiện đại, như: hệ thống camera, hệ thống giao thông thông minh (ITS). Nâng cấp trung tâm điều khiển giao thông của Thủ đô Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và đầu tư các trung tâm tương tự ở các đô thị khác khi có nhu cầu.

- Phối hợp đầu tư phát triển hạ tầng giao thông địa phương:

+ Tập trung đưa hệ thống tuyến đường tỉnh vào cấp kỹ thuật, ưu tiên các tuyến có tính kết nối và có nhu cầu vận tải cao.

+ Duy trì, củng cố và nâng cấp mạng lưới giao thông nông thôn hiện có theo đúng tiêu chuẩn kỹ thuật đường giao thông nông thôn, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Tỷ lệ mặt đường cứng như rải nhựa hoặc bê tông xi măng đạt 100% đối với tuyến đường huyện, 70% đối với tuyến đường xã và 50% đối với tuyến đường thôn, xóm.

+ Hoàn thành việc mở đường mới đến trung tâm các xã, cụm xã chưa có đường, các nông, lâm trường, các điểm công nghiệp, coi trọng phát triển giao thông đường thủy vùng đồng bằng Sông Cửu Long.

Nhu cầu vốn đầu tư trong giai đoạn 2016 - 2020 cần khoảng 952.000 tỷ đồng

Báo cáo của Bộ GTVT cũng cho biết, để đảm bảo hoàn thành các nhiệm vụ trên, ngành giao thông vận tải xác định nhu cầu vốn đầu tư trong giai đoạn 2016 - 2020 cần khoảng 952.731 tỷ đồng; trong đó: lĩnh vực đường bộ cần 632.587 tỷ đồng (tương đương 66,4% nhu cầu), lĩnh vực đường sắt cần 135.281 tỷ đồng (tương đương 14,2% nhu cầu), lĩnh vực đường thủy nội địa cần 14.897 tỷ đồng (tương đương 1,6% nhu cầu), lĩnh vực hàng không cần 193.309 tỷ đồng (tương đương 9,8% nhu cầu), lĩnh vực hàng hải cần 64.771 tỷ đồng (tương đương 6,8% nhu cầu), vốn cho công tác chuẩn bị đầu tư và đầu tư các khối ngoài giao thông cần 11.886 tỷ đồng (tương đương 1,2% nhu cầu).

Tuy nhiên, báo cáo của Bộ GTVT cho thấy thực tế, hiện nay nguồn vốn ngân sách nhà nước còn rất khó khăn, khả năng kêu gọi huy động thêm vốn ODA cũng hạn chế do vướng trần nợ công và Việt Nam được coi như đã tốt nghiệp ODA ưu đãi, việc huy động vốn đầu tư ngoài ngân sách cũng đã chững lại do cần hoàn thiện thêm thể chế, chính sách. Theo số kế hoạch vốn ngân sách nhà nước được giao trong giai đoạn 2016 - 2020, Bộ Giao thông vận tải mới chỉ được cân đối, bố trí được khoảng 292.416 tỷ đồng (Kế hoạch vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016 - 2020 đã được giao và dự kiến sẽ được giao 210.700 tỷ đồng, nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước dự kiến huy động được khoảng 81.716 tỷ đồng), đáp ứng 30,6% nhu cầu đầu tư. Đây sẽ là những trở ngại rất lớn trong việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đã đề ra.

Hoàn thành mở rộng Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất nhằm giảm tình trạng ùn tắc

Căn cứ chỉ đạo tại các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, trên cơ sở nguồn vốn đầu tư công trung hạn đã được bố trí, Bộ Giao thông vận tải xác định các nhiệm vụ, công trình, dự án sau sẽ là những trọng tâm đột phá kết cấu hạ tầng của Ngành trong giai đoạn 2016 - 2020:

- Tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ các công trình trọng điểm, như: đường bộ cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, Bến Lức - Long Thành, Pháp Vân - Cầu Giẽ giai đoạn 2, Trung Lương - Mỹ Thuận, Hòa Lạc - Hòa Bình, đường Hồ Chí Minh giai đoạn 2; đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông và tuyến số 1 Hà Nội; cảng Lạch Huyện...

- Triển khai thực hiện các Dự án đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông; các dự án đường sắt quan trọng và các dự án đường bộ quan trọng, cấp bách triển khai từ nguồn dự phòng kế hoạch trung hạn theo Nghị quyết số 52/2017/QH14 ngày 22/11/2017 của Quốc hội.

- Hoàn thành mở rộng Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất nhằm giảm tình trạng ùn tắc tại Cảng hàng không này.

- Sớm hoàn thành báo cáo nghiên cứu khả thi, chuẩn bị đầy đủ điều kiện để khởi công dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, dự kiến vào năm 2020.

- Tập trung hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam để báo cáo Quốc hội xem xét thông qua chủ trương đầu tư trong năm 2019.

- Bên cạnh đó, Bộ Giao thông vận tải sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các thành phố lớn, đặc biệt với Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh trong công tác quy hoạch, triển khai các dự án giao thông nhằm giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông, đảm bảo nhu cầu đi lại cho nhân dân.

- Đẩy mạnh thực hiện các đột phá chiến lược theo tinh thần chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2011 - 2020 đã được Đảng đề ra. Tiếp tục triển khai Đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh giai đoạn 2013 - 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 339/QĐ-TTg ngày 19/02/2013 và Đề án Tái cơ cấu ngành Giao thông vận tải phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa và phát triển bền vững giai đoạn 2011 - 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1210/QĐ-TTg ngày 24/7/2014, với mục tiêu: Tái cơ cấu ngành Giao thông vận tải nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; tạo bước đột phá về kết cấu hạ tầng giao thông.

- Tiếp tục rà soát, điều chỉnh các chiến lược, quy hoạch phát triển ngành đảm bảo tính khả thi, phù hợp với điều kiện thực tế. Hoàn thiện các tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy trình, quy phạm, định mức kinh tế - kỹ thuật.

- Tiếp tục đẩy mạnh thu hút mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, bao gồm cả nguồn lực trong và ngoài nước; đặc biệt chú trọng việc các địa phương tham gia mạnh mẽ hơn vào việc huy động các nguồn lực phát triển kết cấu hạ tầng giao thông. Tăng cường vai trò quản lý nhà nước, đổi mới thể chế chính sách tạo khung pháp lý minh bạch, thông thoáng, cải cách thủ tục hành chính theo hướng tạo điều kiện, tháo gỡ các khó khăn, rào cản, tạo động lực khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông.

- Sử dụng nguồn lực hợp lý để đầu tư phát triển, ưu tiên các công trình có tính lan tỏa, đảm bảo kết nối các phương thức vận tải, các trung tâm kinh tế lớn. Tăng cường công tác bảo trì các công trình hiện có để nâng cao năng lực thông qua.

- Phát triển thị trường vận tải cạnh tranh lành mạnh, tạo nên cơ cấu hợp lý theo hướng giảm thị phần vận tải đường bộ, tăng thị phần vận tải đường sắt, đường biển và đường thủy nội địa, đặc biệt trên các hành lang vận tải chính; nâng cao chất lượng dịch vụ và giảm chi phí vận tải, đáp ứng kịp thời, đầy đủ nhu cầu vận tải hàng hóa, hành khách, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế.

- Nâng cao hiệu quả, cải thiện năng lực sản xuất kinh doanh và sức cạnh tranh của các doanh nghiệp trong ngành thông qua việc củng cố phát triển các doanh nghiệp nắm giữ các khâu then chốt, huyết mạch của ngành giao thông vận tải trong lĩnh vực hàng hải, đường sắt, hàng không, công nghiệp đóng tàu.

- Ứng dụng mạnh mẽ công nghệ hiện đại trong xây dựng phát triển và quản lý giao thông vận tải. Tăng cường nguồn nhân lực chất lượng cao, chú trọng nâng cao năng lực hoạch định chính sách, dự báo, tư vấn, tổ chức quản lý đầu tư phát triển và quản lý khai thác kết cấu hạ tầng giao thông và quản lý vận tải.

PV/VOV

Có thể bạn quan tâm