Phát triển hệ thống xe buýt công cộng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Hỗ trợ thủ tục pháp lý, đồng thời kêu gọi các doanh nghiệp nâng cao chất lượng, đầu tư mở rộng tuyến xe buýt nội thị… là những giải pháp đang được ngành Giao thông-Vận tải đẩy mạnh nhằm phát triển hệ thống vận tải công cộng.

Theo ông Nguyễn Hữu Quế-Giám đốc Sở Giao thông-Vận tải, hệ thống xe buýt công cộng của tỉnh vẫn chậm phát triển, độ bao phủ còn quá thấp mặc dù tỉnh đã có nhiều cơ chế hỗ trợ để kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này. Hiện chỉ có 1 doanh nghiệp của tỉnh tham gia thị trường vận tải hành khách bằng xe buýt và 1 doanh nghiệp khác của tỉnh Kon Tum tham gia khai thác tuyến Gia Lai-Kon Tum.

 

Tỉnh đang kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư phát triển hệ thống xe buýt.         Ảnh: D.Q
Tỉnh đang kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư phát triển hệ thống xe buýt. Ảnh: D.Q

Tham gia thị trường vận tải hành khách bằng xe buýt công cộng từ năm 2006, hệ thống xe buýt của Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Dịch vụ Công trình Công cộng Đức Long Gia Lai đã khẳng định được thương hiệu. Từ 11 xe buýt với 4 tuyến ngắn ban đầu, đến nay, đơn vị này đã đầu tư mới thêm 3 phương tiện  hiện đại và phục vụ 7 tuyến trong toàn tỉnh. “Nhằm hướng đến mục tiêu xây dựng Pleiku trở thành đô thị loại I, năm 2018, Công ty đầu tư thêm 5 xe buýt mới (40 chỗ/xe) để mở thêm các tuyến huyện và nội thành. Đặc biệt, mới đây, đơn vị đã phối hợp với Sở Giao thông-Vận tải tổ chức khảo sát tuyến xe buýt từ Bến xe buýt trung tâm TP. Pleiku đi xã Ia Lâu, Ia Mơr (huyện Chư Prông)”-ông Nguyễn Tường Cọt-Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Dịch vụ Công trình Công cộng Đức Long Gia Lai, cho biết.

Song cũng theo ông Nguyễn Tường Cọt, điều lo ngại nhất của đơn vị là lượng khách phục vụ trên các tuyến đường; nếu không đảm bảo công suất sẽ ảnh hưởng đến doanh thu. Hơn nữa, tuyến đường từ Pleiku đi Ia Lâu quá xấu, hư hỏng nặng cũng sẽ ảnh hưởng đến chất lượng phục vụ và tốn kém chi phí bảo dưỡng, sửa chữa phương tiện đơn vị…

Đánh giá cao lợi ích mang lại nếu triển khai tuyến xe buýt trên, ông Đoàn Hữu Dũng-Trưởng phòng Kinh tế-Tài chính-Vận tải (Sở Giao thông-Vận tải), cho rằng: Tuyến xe buýt này không chỉ phục vụ khách đi huyện mà còn đáp ứng nhu cầu đi lại của cả khách đi trong nội thành vì xe xuất phát từ Bến xe buýt trung tâm thành phố đi qua nhà thờ Thăng Thiên (đường Lê Lợi), xuôi theo đường Cách Mạng Tháng Tám qua Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Nhi rồi tiếp tục qua Bệnh viện Đại học Y Dược-Hoàng Anh Gia Lai trước khi quay về Bến xe Đức Long Gia Lai, sau đó tiếp tục quay ngược lại ngã ba Phù Đổng, đi dọc quốc lộ 14 qua ngã ba Phú Mỹ, rồi đến xã Ia Lâu, Ia Mơr…

Với hành trình này, xe buýt có thể phục vụ nhu cầu đi chợ, đi khám bệnh, đi thăm người thân, đi làm... của người dân. Chúng tôi đang gửi phiếu cho các xã để khảo sát trực tiếp ý kiến người dân. Nếu tỷ lệ ủng hộ cao thì sẽ triển khai trong thời gian sớm nhất, dự kiến mỗi ngày sẽ có 4 chuyến. Ngoài ra, Sở còn khảo sát một số tuyến không chỉ phục vụ nhu cầu đi lại đơn thuần mà còn phục vụ du khách đến các điểm du lịch như các tuyến: trung tâm Pleiku-Hàm Rồng-Bờ Ngoong; tuyến Pleiku-Biển Hồ-Tiên Sơn-Chư Đăng Ya-Đak Đoa…

“Sau khi nâng cấp Cảng Hàng không Pleiku, Sở đã làm việc với Hãng xe buýt Thái Hòa (tỉnh Kon Tum) mở rộng tuyến Gia Lai-Kon Tum theo hành trình Pleiku-Cảng Hàng không Pleiku-Chư Pah-Kon Tum nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân di chuyển từ Cảng đến các địa phương tuyến đi qua và ngược lại với tần suất 30 phút/chuyến. Đồng thời, thời gian tới, Sở sẽ đẩy mạnh hơn nữa việc kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này”-Giám đốc Sở Giao thông-Vận tải cho biết.

Dã Quỳ

Có thể bạn quan tâm

Quyết tâm hoàn thành 2 dự án thành phần chào mừng Ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước

Quyết tâm hoàn thành 2 dự án thành phần chào mừng Ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước

(GLO)- Thủ tướng giao nhiệm vụ cụ thể đến từng Bộ ngành, địa phương liên quan yêu cầu quyết tâm hoàn thành 2 dự án thành phần đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt, Cam Lâm - Vĩnh Hảo ngày 30-4-2024 để chào mừng kỷ niệm Ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.
Thị trường đất nền 'rã băng'

Thị trường đất nền 'rã băng'

Ở phía Bắc, nhu cầu tìm mua đất nền tăng mạnh ở một số huyện ngoại thành Hà Nội, như Đông Anh, Long Biên, Hoài Đức tăng từ 1,7 - 2 lần so với quý I/2023. Trong khi ở phía Nam, mức độ quan tâm đất nền tại quận 12, TP.Thủ Đức, huyện Hóc Môn tăng từ 13 - 25%.