Nỗ lực "cứu" bán đảo Sơn Trà

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Sau những phản ứng mạnh mẽ từ dư luận và báo chí, nhiều cơ quan địa phương và Trung ương đã vào cuộc, xem xét lại bản quy hoạch tổng thể bán đảo Sơn Trà, nguồn cơn của việc băm nát “‘lá phổi” của Đà Nẵng…

 
Một góc bán đảo Sơn Trà
Một góc bán đảo Sơn Trà



“Lá phổi” bị xâm hại bởi các dự án


Bán đảo Sơn Trà có diện tích hơn 4.400 ha (phường Thọ Quang, quận Sơn Trà) nằm cách trung tâm TP. Đà Nẵng khoảng 10km về phía Đông Bắc. Bán đảo là tổng hòa của hệ sinh thái rừng tự nhiên gắn liền biển, duy nhất ở Việt Nam với 4 kiểu rừng phân theo độ cao từ trên xuống dưới. Các nhà nghiên cứu thống kê, ở Sơn Trà có gần 1.000 loài thực vật bậc cao, trong đó 57 loài cho củ, quả làm thức ăn cho người và động vật. Bán đảo cũng là nơi sinh sống của hàng trăm loài động vật, trong đó có 22 loài quý hiếm, nguy cấp nằm trong Sách đỏ như mèo rừng, chồn bạc má... Nổi bật nhất là quần thể voọc chà vá chân nâu với số lượng 300-400 cá thể. Ngoài giá trị về đa dạng sinh học, hệ nước ngầm, Sơn Trà còn là vị trí chiến lược về an ninh quốc phòng.

Tháng 11-2016, Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Sơn Trà đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó, Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà bị giảm diện tích xuống 1.826,5 ha. Dư luận nóng lên và bắt đầu lo ngại cho Sơn Trà khi vào tháng 3-2017 người dân phát hiện và báo chí thông tin về việc Công ty Biển Tiên Sa xâm phạm thô bạo vào bán đảo. Khi kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện doanh nghiệp xây 40 móng biệt thự không phép. Đây là dự án thuộc Khu du lịch sinh thái Biển Tiên Sa, có diện tích khoảng 177 ha.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, không chỉ dự án của Công ty Biển Tiên Sa, từ năm 1998 đến 2007, dù chưa có quy hoạch được duyệt, Đà Nẵng đã cấp phép đầu tư cho 14 dự án phát triển du lịch, nghỉ dưỡng, biệt thự lớn nhỏ tại Sơn Trà với tổng diện tích trên 1.200 ha, chiếm 27,6% và gần bằng 1/3 bán đảo. Hiện vẫn còn nhiều dự án được chính quyền Đà Nẵng cấp phép cho các doanh nghiệp làm trên Sơn Trà, nhưng bỏ hoang.

Động thái mới của Đà Nẵng

Sau sự việc 40 biệt thự xây dựng không phép bị phát hiện, một trong những người tiên phong trong cuộc “đấu tranh” để gìn giữ bán đảo Sơn Trà là ông Huỳnh Tấn Vinh-Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng. Ông Vinh đã từng gửi tâm thư cho Thủ tướng Chính phủ đề nghị xem xét lại bản quy hoạch tổng thể du lịch bán đảo Sơn Trà.

Sở Du lịch Đà Nẵng ban đầu “phản pháo” và cho rằng, ý kiến trên là của riêng ông Vinh chứ không đại diện cho ý kiến tập thể hiệp hội. Tuy nhiên, sau đó Thủ tướng đã có động thái hoan nghênh kiến nghị của Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng và chỉ đạo các cơ quan ở Trung ương và Đà Nẵng vào cuộc xem xét lại bản quy hoạch này.

Mới đây nhất, vấn đề Sơn Trà còn được Quốc hội vào cuộc. Theo đó, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đã có công văn đề nghị Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng cung cấp toàn bộ thông tin “để có căn cứ đề nghị các cơ quan có thẩm quyền xem xét lại việc quy hoạch tổng thể tại Khu du lịch quốc gia Sơn Trà”.

Về phía Đà Nẵng, sau khi ở Trung ương có chỉ đạo đã có những hành động tích cực để cứu Sơn Trà. Cụ thể, Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ đã ký văn bản gửi các Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và PTNT và UBND quận Sơn Trà vào cuộc xem xét lại tổng thể thực trạng ở Sơn Trà. Các cơ quan trên phải hoàn thành công việc và báo cáo UBND TP trước ngày 23-5-2017 để tổng hợp báo cáo Thủ tướng đúng hạn.

Về phía Thành ủy Đà Nẵng, chỉ đạo mới nhất là yêu cầu các sở ngành liên quan phải báo cáo UBND TP để xin ý kiến Thường trực Thành ủy trước khi giải quyết các thủ tục liên quan đến các dự án đã, đang và sẽ triển khai thực hiện tại khu vực bán đảo Sơn Trà. Tất cả các hoạt động liên quan đến dự án như điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh tiến độ thực hiện dự án, điều chỉnh quy hoạch, điều chỉnh nhà đầu tư, chuyển nhượng cổ phần, thay đổi người đại diện theo pháp luật… đều phải xin ý kiến Thường trực Thành ủy.

Khuyến nghị 8 điểm cứu Sơn Trà

Quy hoạch tổng thể phát triển Khu Du lịch quốc gia Sơn Trà do Viện Nghiên cứu phát triển du lịch (Tổng cục Du lịch, Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch) là tác giả chủ đạo. Theo viện này, quy hoạch trên được thực hiện từ năm 2013 và đến năm 2016 mới được phê duyệt. Khi làm quy hoạch, Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch đã lấy ý kiến các Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các chuyên gia. Quy hoạch này đã bị giới lãnh đạo ngành du lịch ở Đà Nẵng phản đối kịch liệt vì cho rằng nó là nguồn cơn để cho các chủ đầu tư “băm nát” Sơn Trà. Một bản khuyến nghị mới nhất được ông Huỳnh Tấn Vinh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng, gửi Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan của Quốc hội đề xuất các giải pháp phát triển bền vững bán đảo Sơn Trà.

Theo đó, 8 điểm lưu ý được nêu ra gồm: Thứ nhất, rà soát lại toàn bộ các quy hoạch liên quan đến bán đảo đã được phê duyệt nhằm thống nhất con số về diện tích rừng đặc dụng ở Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà.


Thứ hai, rà soát và chấn chỉnh lại việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất tại Sơn Trà, đặc biệt là chuyển đổi đất rừng đặc dụng/ khu bảo tồn thiên nhiên sang đất khác.


Thứ ba, tổ chức điều tra và thẩm định lại đánh giá môi trường chiến lược đối với Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Sơn Trà.

Thứ tư, xây dựng quy hoạch tích hợp tổng thể về bảo tồn và phát triển bền vững bán đảo Sơn Trà, kết nối cả hệ sinh thái rừng và biển trong một tổng thể mối liên hệ sinh thái tự nhiên.

Thứ năm, xem xét quy hoạch hợp nhất Sơn Trà và vùng biển xung quanh đến Nam Hải Vân để hình thành khu dự trữ sinh quyển thế giới trình UNESCO công nhận như mô hình Khu dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm của Hội An, nhằm mục đích bảo tồn cả hệ sinh thái trên cạn lẫn dưới nước.

Thứ sáu, xây dựng cơ chế thống nhất giao một đơn vị chính quản lý, bảo vệ rừng, quản lý mọi hoạt động du lịch của du khách và người dân lên bán đảo Sơn Trà. Thứ bảy, xây dựng mô hình du lịch sinh thái tạo ra thu nhập từ hoạt động bảo tồn hệ sinh thái và thiên nhiên hoang dã ở Sơn Trà. Thứ tám, nghiên cứu và áp dụng mô hình tổ chức phi lợi nhuận tham gia quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà như mô hình Công viên thiên nhiên Đảo Phillip ở bang Victoria của Úc và Khu bảo tồn khỉ Tarsier ở Bohol, Philippines.

Theo sggp

Hiện trạng voọc chà vá chân nâu tại Sơn Trà

Chiều 22-5, Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Đà Nẵng phối hợp với Trung tâm bảo tồn và đa dạng sinh học Nước Việt Xanh (Green Việt) công bố kết quả nghiên cứu mới nhất hiện trạng quần thể voọc chà vá chân nâu tại bán đảo Sơn Trà, TP. Đà Nẵng.

Theo kết quả nghiên cứu và thu thập số liệu phân tích mật độ voọc chà vá chân nâu của Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Đà Nẵng và Trung tâm Green Việt thì hiện nay tại Sơn Trà có 44,51 cá thể voọc chà vá chân nâu/km2; 7,91 đàn/km2; có 5,62 cá thể/đàn.

Tổng diện tích voọc phân bố 3,13 km2 và kết quả ước tính trữ lượng quần thể voọc là 1.335 con, tương đương với 237 đàn. Riêng về nghiên cứu động vật trên đất liền qua điều tra thực địa ghi nhận, tổng cộng 877 ghi nhận của 156 loài gồm 10 loài thú, 75 loài chim, 14 loài bò sát, 10 loài ếch nhái, 7 loài cá và 40 loài côn trùng. Ngoài ra còn có nguồn cây thuốc mọc tự nhiên phong phú và đa dạng, gồm 302 loài, thuộc 231 chi, 101 họ của 5 ngành thực vật bậc cao có mạch, trong đó có 7 loài cây thuốc thuộc diện bảo tồn cấp quốc gia..
.

Có thể bạn quan tâm