Tết của ai?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Tiêu đề nghe buồn cười và có vẻ thừa? Không hẳn. Cứ nghĩ là chuyện đơn giản, ai cũng biết, nhưng không phải vậy.
Họp mặt cuối năm, đem chuyện hỏi nhân viên, thì mỗi người một ý. Có bạn bảo là "Tết của mình" với nhiều cách gọi như "Tết ta, Tết cả, Tết âm lịch, Tết cổ truyền, Tết Việt Nam hay vắn tắt là Tết". Tựu chung, đó là dịp lễ quan trọng nhất của Việt Nam. Nhiều người Việt biết "ăn Tết", "chơi Tết", nhưng chưa chắc đã hiểu nguồn gốc, ý nghĩa của Tết? Thậm chí có người còn cho rằng Tết có nguồn gốc từ Trung Quốc, sau cả ngàn năm Bắc thuộc?
Tết Nguyên đán có từ đâu?
Nghĩa gốc của "Tết" chính là "Tiết". Văn hóa Việt cổ (Bách Việt) thuộc văn minh lúa nước. Do nhu cầu canh tác nông nghiệp đã phân chia thời gian một năm thành 24 tiết khác nhau, thời khắc chuyển tiếp giữa các tiết gọi là "giao thời". "Nguyên" có nghĩa là sự khởi đầu hay sơ khai và "Đán" là buổi sáng sớm. Tiết quan trọng nhất trong năm, khởi đầu của một chu kỳ canh tác, gieo trồng - tức Tiết Nguyên Đán, sau này đọc trệch thành Tết Nguyên Đán. Đó là điểm giao thời giữa năm cũ và năm mới, giữa chu kỳ vận hành của đất trời và vạn vật gọi là giao thừa.
Trước khi bị phong kiến phương Bắc đô hộ, người Việt cổ ở hạ lưu sông Hồng đã có nền văn minh sơ khai khác biệt. Không chỉ Tết Nguyên Đán mà còn Tết Thanh Minh, Tết Trung thu và cả chữ Hán ngày nay đều được du nhập từ người Việt cổ, được Hán hóa TCN. Nhờ tinh thần và ý chí quật khởi kiên cường nên không bị đồng hóa, người Việt vẫn có phong tục, tập quán, văn hóa và chữ viết riêng.
Về cách gọi cũng cần thống nhất. Tết ta, là cách gọi khẩu ngữ, để phân biệt với Tết Tây. Tại sao "Tây" thì viết hoa, "ta" thì viết thường là phân biệt đối xử, mình tự khinh thường mình? Tết cả, cách gọi của một số người miền Bắc vì đó là Tết quan trọng nhất. Tết âm lịch, vì khác với Tết dương lịch. Tết cổ truyền, không ổn, bởi đâu có Tết tân thời hay hiện đại? Tết, gọi chung, phiếm diện vì Việt Nam có nhiều Tết. Tết Việt, là của dân tộc Việt. Việt Nam là đất nước đa sắc tộc gồm 54 dân tộc anh em. Mỗi dân tộc có Tết riêng và đa phần vẫn vui chung Tết Việt.
Tết Việt Nam và Trung Quốc không cùng giờ, có khi khác ngày. Có ít tương đồng nhưng nhiều khác biệt. Do vậy nên thống nhất cách gọi Tết Nguyên Đán là TẾT VIỆT NAM, chữ Tết phải viết hoa. Điều này rất cần thiết, dù là chuyện nhỏ, để khẳng định độc lập cả chủ quyền lẫn văn hóa.
 Giữ gìn tinh hoa Tết Việt
Tết Việt Nam, không thể thay thế. Nếu có trưng cầu dân ý, tôi đoan chắc ý kiến này sẽ áp đảo. Tuy nhiên, không thể phủ nhận, Tết Việt Nam ngày càng biến tướng với nhiều hệ lụy phiền phức và nguy hại. Tổ tiên mình nói "Vui như Tết" nhưng không ai nói "Buồn hay chán như Tết". Phải giữ bằng được những tinh hoa của Tết Việt Nam và đoạn tuyệt với những biến tướng xấu xí.
Tết cũng là ngày đoàn tụ với cả những người đã mất. Từ bữa cơm tối đêm 30, trước giao thừa, các gia đình đã thắp nhang mời hương linh ông bà, Tổ tiên và người thân đã qua đời về ăn cơm, vui Tết với con cháu (cúng gia tiên). Trên bàn thờ có mâm ngũ quả, mâm cỗ với nhiều món ngon, trong nhà không bao giờ thiếu hoa Tết, bánh tét bánh chưng...thể hiện tấm lòng của con, cháu. Tết là dịp cùng nhau ôn việc cũ và "làm mới" mọi việc. Nợ nần cố thanh toán trước khi sang năm mới. Những buồn phiền, hờn giận dẹp qua một bên. Trong ba ngày Tết, mọi người cười hòa với nhau, nói năng từ tốn, lịch sự để mong suốt năm quan hệ tốt đẹp. Tết an vui báo hiệu cả năm may mắn, năm mới hạnh phúc hơn năm cũ, luôn gắn với lạc quan và hy vọng.
 Đường hoa Nguyễn Huệ được khai mạc ngày 13-2 (28 tháng tết) và kéo dài đến 19-2 (mùng 4 Tết)
Đường hoa Nguyễn Huệ được khai mạc ngày 13-2 (28 tháng tết) và kéo dài đến 19-2 (mùng 4 Tết)
"Về quê ăn Tết", là cuộc hành hương về với cội nguồn, nơi chôn rau cắt rốn nhưng không phải bằng đủ cách và bằng mọi giá. Nếu vì những lý do bất khả kháng thì có thể bái vọng, thậm chí online từ xa. Cũng như "Phật tại tâm" chứ không cần cất công viếng những chùa bề thế mà tốn kém. Các tục "Đưa ông Táo về trời", "Dọn dẹp mồ mả", "Trang trí nhà cửa", "Tất niên", "Đón giao thừa" trước Tết cần được giữ gìn. Muốn "Vui như Tết" thì cái gì cũng phải chừng mực. Từ mua sắm, lì xì, ăn nhậu đến vui chơi, đi lại, giải trí… nhất là các dịp lễ lộc. Những vấn nạn ăn nhậu xả láng, rồi làm bậy, gây sự đánh nhau, chạy xe bạt mạng, lễ hội "cướp giật", "dã man, hành hạ gia súc" hoặc "buôn thần bán thánh"…đều là những kẻ thù đang làm thế giới hiểu sai và góp phần giết chết Tết Việt Nam.
Phải đưa Tết Việt Nam vào chương trình giáo dục văn hóa phổ thông của người Việt Nam. Nhân dịp này, tôi khẩn thiết và mạo muội đề nghị phục hồi lại những nét văn hóa đặc trưng thuần Việt, nếu cần, tổ chức trưng cầu dân ý. Đó là cách chào vuông tay (chứ không phải vòng tay hay khoanh tay) trước ngực và hơi cúi đầu như một biểu tượng nhân văn Việt Nam. Người lớn bao bọc người nhỏ, kẻ mạnh chở che kẻ yếu. Người trẻ hơn, nhỏ hơn lễ phép chào trước và được đáp lại trân trọng. Thay cho những cách chào thập cẩm hiện nay như giơ tay vẫy (người Mỹ, châu Âu và các nước chữ viết có gốc tiếng La tinh), chắp tay trước ngực (người Ấn và các nước chữ viết có gốc tiếng Phạn), cúi đầu hoặc gập người (người Nhật và các nước chữ viết có gốc tiếng Hán). Người Việt Nam có cách chào Việt Nam.
Đó là công nhận áo dài nam - quốc phục của người Việt Nam bên cạnh áo dài nữ. Thay cho các loại veston và trang phục lai căng đủ loại hiện nay, đặc biệt là trong các dịp quốc khánh, lễ hội dân tộc, các sự kiện ngoại giao. Trong thế giới phẳng và công nghệ 4.0, muốn có bản lĩnh hòa nhập chứ không hòa tan, người Việt Nam cần có bản lĩnh văn hóa đặc trưng riêng; không cực đoan tẩy chay mà tiếp thu cái hay, điều tốt của thiên hạ. Đó là văn hóa "đi thưa về trình", "gọi dạ, bảo vâng"; "nói có chủ ngữ". Nếu tiếng Anh có các từ "Please" (vui lòng), "Yes, sir" (thưa vâng), "Thanks" (cám ơn); tiếng Khmer có từ "Xum" trước mỗi câu nói, tiếng "Bat" (dành cho nam), "Chaa" (dành cho nữ) khi trả lời; thì tiếng Việt có từ "Thưa" (trước khi nói) và "Dạ" hoặc "Vâng" (trước khi trả lời) của người nhỏ hơn.
Những nét văn hóa cực hay này một thời bị phê phán, bị ghép tội là phong kiến, lạc hậu. Kẻ viết bài này xin thưa, cái gì cũng chê bai phong kiến là sỉ nhục Tổ tiên. Ngôn ngữ và văn hóa đặc trưng chính là những nội hàm góp phần giúp người Việt Nam giữ vững chủ quyền, đứng vững trước hàng ngàn năm không ngừng bị xâm lược, đô hộ và đồng hóa.
Nguyễn Văn Mỹ (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm

Tết Hà Nội xưa

Tết Hà Nội xưa

Những hình ảnh về không khí Tết ở Thủ đô cách đây hơn 4 thập kỷ đang được trưng bày tại Trung tâm triển lãm văn hoá nghệ thuật Việt Nam.